Ngành Nông nghiệp nỗ lực cán đích xuất khẩu 54 tỷ USD
11 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông - lâm - thủy sản (NLTS) giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù thị trường vẫn đang rất khó khăn nhưng theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, nếu quyết tâm, nỗ lực, khả năng hoàn thành mục tiêu XK 54 tỷ USD năm nay.
Trao đổi với báo chí mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, 2023 là một năm đặc biệt khó khăn của nền kinh tế, tuy nhiên, toàn ngành Nông nghiệp đã bám đuổi mục tiêu 54 tỷ USD.
Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, 11 tháng của năm 2023, tổng kim ngạch XK NLTS ước đạt 47,84 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm thủy sản đạt 8,24 tỷ USD, giảm 18,9%; lâm sản đạt 13,02 tỷ USD, giảm 17%; đầu vào sản xuất đạt 1,82 tỷ USD, giảm 17,8%.
Riêng nhóm nông sản và chăn nuôi có giá trị XK tăng cao. Cụ thể, kim ngạch XK nhóm nông sản ước đạt 24,3 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đóng góp bởi giá trị XK ngành hàng rau quả 5,32 tỷ USD, tăng 74,5%; kim ngạch XK gạo 4,41 tỷ USD, tăng 36,3%; hạt điều 3,31 tỷ USD, tăng 17,4%, sản phẩm từ ngũ cốc 1,08 tỷ USD, tăng 5,4%. Kim ngạch XK sản phẩm chăn nuôi đạt 453 triệu USD, tăng 23,5%. Giá XK bình quân một số nông sản chính tăng cao: Gạo 568 USD/tấn, tăng 17,3%; chè 1.750 USD/tấn, tăng 8,7%; cà phê 2.570 USD/tấn, tăng 11,9%.
Ngược lại, một số mặt hàng giảm giá XK như cao su 1.343 USD/tấn, giảm 14,7%; hồ tiêu 3.391 USD/tấn, giảm 21,3%; hạt điều 5.682 USD/tấn, giảm 4,7%; sắn và sản phẩm từ sắn 437 USD/tấn, giảm 0,3%.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định: “Với những lợi thế XK rau quả, hạt điều, lúa gạo, cà phê, tôm, cá tra... thì chúng ta sẽ phấn đấu để làm sao đạt mục tiêu 54 tỷ USD khi kết thúc năm 2023…”.
Là một trong 3 thị trường XK NLTS lớn của Việt Nam, 11 tháng năm 2023, trong khi thị trường Hoa Kỳ giảm 17,9%, thị trường Nhật Bản giảm 9,1% thì thị trường Trung Quốc (chiếm 23,2%) tăng 18%.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trên cơ sở điều kiện của các nhóm ngành, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với địa phương, các hiệp hội ngành hàng thúc đẩy theo thế mạnh và lợi thế của các thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đang có chuyển biến rất tích cực. Thứ trưởng nhận định, trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ của thị trường này sẽ tăng thêm 15 - 20%.
“Việt Nam đã phấn đấu rất lâu dài để có được nghị định thư XK chính ngạch một số mặt hàng sang Trung Quốc. Nhờ vậy mà các đối tượng XK chính ngạch ngày càng mở rộng. Tới đây còn 4 đối tượng là dược liệu, dừa, hoa quả đông lạnh và dưa hấu sẽ chuyển từ XK truyền thống sang XK chính ngạch…” - Thứ trưởng thông tin.
Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, có thể từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ có cơ hội ký 4 nghị định thư này. “Việc ký các nghị định thư này đã qua điều tra, xem xét, đánh giá hồ sơ và đã có các dự thảo văn kiện. Nếu chúng ta triển khai được thêm 4 nghị định thư này nữa thì tôi khẳng định chúng ta có cơ hội đóng góp thêm vào XK NLTS trong năm 2023 và các tháng đầu năm 2024” - Thứ trưởng chia sẻ.
Về những vướng mắc tại thị trường này, Thứ trưởng Tiến cho biết, hai bên bàn bạc, tìm ra giải pháp tháo gỡ. “Các doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng cần đặc biệt lưu ý đến chất lượng vùng nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và mã vùng trồng. Bên cạnh đó cũng cần lưu tâm đến các cơ sở đóng gói… Thị trường có điều kiện thuận lợi thì chúng ta phải tranh thủ cơ hội để sơ chế, chế biến, thúc đẩy và thực hiện tốt các nghị định thư với Trung Quốc…” - ông Phùng Đức Tiến lưu ý.
Quyết tâm gỡ “thẻ vàng” vào năm 2024
Trả lời Báo PLVN về những kết quả sơ bộ sau khi Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC) thanh tra thực tế lần thứ tư về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Đoàn tiếp tục ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực chống khai thác IUU, đặc biệt là quyết tâm chính trị, sự quan tâm, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần quan tâm: Thứ nhất, về quản lý đội tàu. Việt Nam có nhóm tàu “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép) do lịch sử để lại, trong khi đó đội tàu rất lớn (hiện là 86.820 chiếc), cho nên quản lý, giám sát đội tàu, đặc biệt là giám sát qua GMS cần phải chặt chẽ hơn; Thứ hai là truy xuất nguồn gốc. Chúng ta vẫn chưa bảo đảm truy xuất một cách chính xác vào thị trường các nước, trong đó có thị trường châu Âu; Thứ ba là xử lý vi phạm hành chính. Qua kiểm tra đánh giá tại Trung tâm thông tin thủy sản thì 442 vụ mất kết nối mới phạt 46 vụ, như vậy chưa được 10%.
“Đây là thách thức lớn mà chúng ta phải làm tốt từ nay đến lúc Đoàn thanh tra EC sang lần thứ 5 và quyết tâm gỡ “thẻ vàng” vào năm 2024...” - Thứ trưởng nhấn mạnh.