Ngành Nông nghiệp: Nỗ lực vượt thách thức

Từ đầu năm đến nay, nhiều yếu tố bất lợi, đặc biệt là dịch Covid-19, đã tác động tiêu cực tới ngành Nông nghiệp, làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào cũng như hoạt động tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, thực phẩm... Tuy vậy, với phương châm hướng tới lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực vượt thách thức, triển khai nhiều giải pháp ổn định sản xuất, phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu… và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Sơ chế, đóng gói vải thiều trước khi xuất khẩu tại Hợp tác xã Sản xuất nông sản và thương mại Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang).

Những tín hiệu lạc quan

Đánh giá chung của Bộ NN&PTNT cho thấy, những tháng đầu năm nay, ngành Nông nghiệp tiếp tục đạt được nhiều kết quả lạc quan. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, trong các tháng đầu năm 2021, sản lượng lúa của cả nước đạt hơn 11 triệu tấn, năng suất đạt 66,9 tạ/ha. Mặc dù diện tích trồng lúa giảm, nhưng sản lượng, năng suất đều tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực trong nước và xuất khẩu.

Trong khi đó, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân thông tin, đến hết tháng 4-2021, tổng sản lượng thủy sản đạt gần 2,5 triệu tấn, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2020. Còn Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho hay, đến nay, tổng đàn lợn cả nước đã lên tới hơn 27 triệu con, tăng 11,6% và đàn gia cầm đạt hơn 510 triệu con, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020... Chăn nuôi phát triển ổn định đã mang đến chuyển động tích cực cho thị trường khi nguồn cung được bảo đảm nên giá thịt lợn đã giảm mạnh.

Đáng chú ý là từ việc mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại và kịp thời giải quyết vướng mắc do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lĩnh vực xuất khẩu nông sản đã có mức tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi 4 tháng năm 2021 đạt 125 triệu USD, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2020. Cùng với đó là những tín hiệu đáng mừng từ việc xuất khẩu các mặt hàng hoa quả, đặc biệt là quả vải.

Không dừng lại ở 300 tấn vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) xuất sang thị trường Nhật Bản, Công ty cổ phần Ameli Việt Nam đã lên kế hoạch xuất khẩu từ 700 đến 1.000 tấn vải sang thị trường Singapore, Mỹ, Australia... Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết: 20 tấn vải thiều chín sớm của huyện Tân Yên vừa lên đường đến thị trường Nhật Bản và trong niên vụ 2021 này, Bắc Giang sẽ xuất khẩu 20.000 tấn vải sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...

Tại Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ thông tin, thời điểm hiện tại, các địa phương đã thu hoạch xong 14.000ha lúa trà xuân sớm với năng suất khoảng 62 tạ/ha. Sản lượng chung của ngành chăn nuôi thành phố tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đàn lợn đã lên tới gần 1,4 triệu con, đàn gia cầm 3,95 triệu con, đàn trâu bò 164.000 con... Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm ổn định thị trường, thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.

Từ đầu năm đến nay, sản lượng chung của ngành chăn nuôi thành phố Hà Nội tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong ảnh: Chăm sóc gà tại Công ty CP Tiên Viên (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Nhật Nam

Gắn sản xuất với thị trường

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp đang triển khai nhiều giải pháp để bảo đảm thực hiện được "mục tiêu kép" là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu nông sản. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, với các loại rau màu, các địa phương căn cứ vào nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp; đồng thời theo sát việc sản xuất các loại cây ăn quả, nhất là cây ăn quả chủ lực như thanh long, nhãn, sầu riêng, xoài, chôm chôm... để có chỉ đạo rải vụ phù hợp. Ngoài ra, các tỉnh, thành phố cần thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh; phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã... điều chỉnh tốc độ tăng đàn gia cầm, tránh xuất chuồng ồ ạt để ổn định thị trường và giá cả.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Quốc Toản thông tin: Bộ NN&PTNT đang tiếp tục nắm thực tế sản xuất cũng như nguồn cung nông sản tại các địa phương, đặc biệt là những nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 để khuyến cáo và chỉ đạo sản xuất theo nhu cầu thị trường. Bộ cũng tăng cường thông tin, hướng dẫn về các rào cản kỹ thuật trong thương mại, từ đó có định hướng cụ thể cho doanh nghiệp việc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ở các thị trường trọng điểm.

Cũng về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho hay: Từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai đúng kế hoạch mùa vụ; tập trung xây dựng các thương hiệu nông sản của Hà Nội như gạo, nhãn chín muộn, cam Canh, bưởi Diễn...; đồng thời phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm gắn với giết mổ, chế biến sâu.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, hướng tới mục tiêu tăng trưởng năm 2021 từ 3% trở lên và giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 44 tỷ USD, từ nay đến cuối năm, ngành Nông nghiệp tiếp tục tái cơ cấu, tổ chức lại sản xuất và kinh doanh nông sản thông qua các hình thức liên kết và hợp tác, kết hợp với đào tạo người nông dân, chuyển từ mục tiêu “hỗ trợ kinh tế hộ” sang “hỗ trợ kinh tế tập thể”; tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hợp tác xã nông nghiệp. Cùng với đó là xác định rõ nhu cầu của thị trường, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất để cung ứng các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, ngành Nông nghiệp đã, đang nỗ lực vượt thách thức, triển khai nhiều giải pháp gắn sản xuất với thị trường để vừa bảo đảm nguồn cung nông sản trong nước, vừa thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ngọc Quỳnh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/1001156/nganh-nong-nghiep-no-luc-vuot-thach-thuc