Ngành Nông nghiệp tăng trưởng trong khó khăn

Ngày 28-6, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.

Ngành nông nghiệp tăng trưởng 2,55% trong giai đoạn 2013-2017

Vượt qua thách thức, khó khăn, 6 tháng đầu năm 2019, ngành Nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá. So với cùng kỳ năm 2018, mức tăng trưởng đạt 2,71%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 19,77 tỷ USD, tăng 2,2%; nông sản chính ước đạt 9,28 tỷ USD, giảm 9,2%; sản phẩm chăn nuôi ước đạt 320 triệu USD, tăng 4,6%; thủy sản ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,3%; lâm sản chính ước đạt 5,23 tỷ USD, tăng 20,3%...

Tại hội nghị, các đại biểu nhận định, 6 tháng đầu năm 2019, ngành Nông nghiệp đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là bệnh Dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 60 tỉnh, thành phố; số lợn bị bệnh và buộc phải tiêu hủy hơn 2,8 triệu con. Đây là thiệt hại lớn cho ngành Nông nghiệp trong các tháng đầu năm.

Trong khi đó, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản mặc dù tăng trưởng nhưng chậm so với cùng kỳ năm 2018. Nguyên nhân chính là do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã tác động mạnh tới một số mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trung Quốc tăng cường nhập khẩu chính ngạch dẫn tới thị phần xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay giảm 1,84% so với cùng kỳ năm trước.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, từ nay đến cuối năm 2019, nhiệm vụ hết sức nặng nề, khó khăn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2019 là 3% theo kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu đạt 43 tỷ USD, Bộ tiếp tục chỉ đạo sản xuất, thúc đẩy phát triển những lĩnh vực còn dư địa tăng trưởng để bù đắp cho những lĩnh vực khó đạt mục tiêu.

Trong đó, tập trung tăng sản lượng gỗ khai thác hơn 8%, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu; sản lượng thủy sản lên hơn 6,5%. Đối với chăn nuôi, tăng sản lượng các loại vật nuôi khác thay cho lợn như: Gia cầm tăng khoảng 13-14%; trứng gia cầm tăng hơn 12%; thịt bò tăng 7%...

Bên cạnh đó, Bộ tập trung tháo gỡ rào cản kỹ thuật, giải quyết vướng mắc để thúc đẩy xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, còn nhiều dư địa, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Khối Liên minh Á - Âu…; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển các sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/địa phương gắn với chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

Bộ NN&PTNT tiếp tục chú trọng công tác thị trường, dự báo, cân đối cung - cầu, phát triển thị trường mới, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam...

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/938786/nganh-nong-nghiep-tang-truong-trong-kho-khan