Ngành thép đối mặt khó khăn

Tình hình thế giới biến động khó lường, giá nguyên vật liệu tăng cao, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, chậm giải ngân đầu tư công… đang 'làm khó' các doanh nghiệp ngành thép.

Doanh nghiệp “mấp mé bờ vực”

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Trang đánh giá, thời gian qua, các doanh nghiệp ngành thép đã không ngừng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, nỗ lực phát triển thương hiệu ra thị trường thế giới. Các doanh nghiệp cũng đã chủ động nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA…, nằm trong nhóm ngành đứng đầu về tận dụng ưu đãi thuế quan.

Nhờ đó, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn do biến động của tình hình thế giới, giá nguyên vật liệu tăng cao song xuất khẩu thép vẫn rất tích cực. 5 tháng đầu năm nay, cả nước xuất khẩu 4 triệu tấn sắt thép các loại, giá trị khoảng 4,1 tỷ USD. Mặc dù giảm về số lượng 17,8% so với cùng kỳ song kim ngạch xuất khẩu tăng 14,8% do hưởng lợi từ giá thép khiến giá xuất khẩu tăng 40%. Cùng với đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine vốn là hai thị trường xuất khẩu thép lớn sang EU (lần lượt đứng thứ 2 và thứ 4) đã khiến nguồn cung vào EU gián đoạn, các doanh nghiệp của Việt Nam đã tận dụng được cơ hội này. Hiện, sản phẩm thép của Việt Nam đã vươn tới 30 thị trường.

Tuy vậy, khó khăn, thách thức vẫn đang bủa vây doanh nghiệp. Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Thép đặc biệt Shengli Việt Nam Trịnh Tiến Anh cho biết, việc ngân hàng siết chặt tín dụng với bất động sản khiến doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khá lớn. Hàng tồn kho cao, nhu cầu thép xây dựng thấp, doanh nghiệp buộc phải cắt giảm sản xuất từ 3 ca xuống 2 ca/ngày, thậm chí có giai đoạn phải tạm dừng sản xuất. Không có đơn hàng xuất khẩu, doanh nghiệp này đang “mấp mé bờ vực thua lỗ”.

Mặt khác, theo Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa, tình trạng giải ngân đầu tư công chậm cũng khiến nhu cầu thép trong nước giảm, ảnh hưởng đến tiêu thụ. Bên cạnh đó, tình hình thế giới có nhiều thách thức cùng các yếu tố bất ngờ. Đó là chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục gia tăng, nhất là ở châu Âu và Mỹ; sự bất ổn, khó lường của thị trường thép Trung Quốc; cuộc xung đột Nga – Ukraine đẩy giá đầu vào tăng cao, trong khi giá sản phẩm liên tục giảm khiến ngành thép đứng trước rất nhiều khó khăn.

“Nếu như trong quý I, các doanh nghiệp vẫn còn được hưởng lợi từ đà tăng của năm 2021 song sang quý II bắt đầu “ngấm đòn”, đặc biệt từ cuối tháng 5 đến nay. Đã xuất hiện doanh nghiệp lỗ trong tháng 6”, ông Đa thông tin và cho rằng, những khó khăn này sẽ còn tiếp tục bủa vây ngành thép trong thời gian tới.

Nhiều khó khăn đang bủa vây ngành thép
Nguồn: ITN

Mong có chiến lược phát triển dài hạn

Nhìn nhận về triển vọng của ngành thép, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, dù còn rất nhiều khó khăn song với 15 FTA đã ký kết và có hiệu lực đang mở ra cơ hội lớn về thị trường cho ngành thép. Thêm vào đó, hệ thống thương vụ tại nước ngoài cũng đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối thông tin, giao thương để đẩy mạnh xuất khẩu; đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Hiện, nền kinh tế thế giới đang dần hồi phục cũng sẽ đẩy nhu cầu thép tăng lên. Trong nước, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội đang được triển khai, đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sẽ làm tăng cầu, qua đó tạo đà cho ngành thép hồi phục.

Theo các chuyên gia, để có thể tận dụng cơ hội, ngành thép cần khắc phục được khó khăn nội tại. Trong đó, cần phát triển và hoàn thiện chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, đổi mới sáng tạo. Doanh nghiệp phải cải tiến công nghệ, mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, chuẩn hóa nguồn cung nguyên liệu để đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu. Doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm kiếm cơ hội từ các FTA về cắt giảm thuế quan, đáp ứng quy tắc xuất xứ; tuân thủ nghiêm ngặt quy định của các thị trường nhập khẩu; tìm kiếm thông tin, điều chỉnh sản xuất kinh doanh cho phù hợp với thị trường. Các doanh nghiệp cũng cần hợp tác, đoàn kết, cạnh tranh lành mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nghiêm Xuân Đa cho biết, ngành thép đa phần nhập khẩu nguyên liệu cho sản xuất, từ than, quặng sắt, thép phế liệu. Thời gian qua, Nhà nước đã cởi mở, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn nguyên liệu để ổn định sản xuất, quy trình kiểm soát nhập khẩu đã có nhiều cải thiện theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Riêng đối với sản phẩm thép phế liệu, nhu cầu của ngành mỗi năm cần khoảng 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó nhập khẩu chiếm 60%. Đây là một trong những nguyên liệu sử dụng cho công nghệ lò điện, tới đây có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất thép xanh, kinh tế tuần hoàn. Với cách tiếp cận đó, cần thay đổi nhận thức về vai trò của thép phế liệu, coi đó là tài nguyên và có cách ứng xử tương xứng.

Về phía các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước cần có chiến lược phát triển dài hạn để thúc đẩy đầu tư, trong đó có chính sách để hỗ trợ đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ. Được biết, Bộ Công thương đã báo cáo Chính phủ về đề xuất xây dựng Chiến lược phát triển ngành thép đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để có chính sách dài hạn thúc đẩy ngành thép phát triển.

Minh Châu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/nganh-thep-doi-mat-kho-khan-i293078/