Ngành thép đón tín hiệu phục hồi khả quan
Hoạt động sản xuất và tiêu thụ vật liệu xây dựng bắt đầu phục hồi trở lại từ giữa quý 3 và dự kiến sẽ tiếp tục sôi động hơn trong các tháng cuối năm do các công trình xây dựng đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và các dự án đầu tư công được đẩy mạnh đang là những tín hiệu thuận lợi cho ngành thép vào cuối năm
Tăng trưởng sản xuất và tiêu thụ 10 tháng tích cực
Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Công thương, sản lượng thép thô và các sản phẩm thép đều tăng trong tháng 10, góp phần gia tăng lượng tổng sản lượng trong các quý đầu năm.
Cụ thể, trong tháng 10, sản lượng thép thô ước đạt 3.371,5 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ; thép cán ước đạt 800,1 nghìn tấn, tăng 23,6% so với cùng kỳ; thép thanh, thép góc ước đạt 922,6 nghìn tấn, giảm 0,1% so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2020, sản lượng sản xuất sắt thép thô; thép cán ; thép thanh, thép góc tăng lần lượt là 0,1; 5,3% và 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, mặc dù thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam về tình 9 tháng cho thấy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thép tại thị trường trong nước giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2019, song tại hội thảo đánh giá thị trường thép 9 tháng đầu năm mới đây, đại diện VSA đã đưa ra nhận định khá tích cực trước tín hiệu phục hồi cho ngành thép trong những tháng cuối năm.
Theo Phó chủ tịch VSA Phạm Khôi Nguyên, trong nửa đầu năm, ngành sản xuất thép cũng chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19 khiến sản xuất và tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp trong nước không đạt được mức tăng trưởng như mục tiêu kế hoạch.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, với việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xây dựng và đặc biệt là thúc đẩy tiển khai tích cực các dự án đầu tư công theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ sẽ là những yếu tố thuận lợi tác động tích cực tới sự phục hồi và tăng trưởng của ngành vật liệu xây dựng, trong đó có ngành thép.
Tín hiệu sáng từ xuất khẩu thép
Đáng chú ý trong 5 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã bất ngờ nhập lượng lớn phôi thép của Việt Nam với mức tăng đột biến hơn 763% về lượng, hơn 585% về giá trị so với cùng kì trong nước, đạt sản lương 570.000 tấn với giá trị kim ngạch đạt 233 triệu USD. Trong đó, riêng mức tăng lượng hàng xuất sang Trung Quốc lên tới 540.000 tấn, kim ngạch tăng trên 199 triệu USD.
Trong số các doanh nghiệp xuất khẩu tăng mạnh, đóng góp vào mức tăng trưởng đột biến sáng thị trường Trung Quốc có Hòa Phát với mức xuất khẩu hơn 1 triệu tấn phôi thép sang thị trường này từ đầu năm tới nay. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Thép Formosa Hà Tĩnh cũng đã xuất khẩu hơn 1 triệu tấn sản phẩm thép trong 9 tháng đầu năm.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thép Việt Nam, đây là những tín hiệu khởi sắc thuận lợi cho sự phục hồi của ngành sản xuất thép Việt Nam, bên cạnh đó còn góp phần giải tỏa công suất dư thừa cho sản xuất của các doanh nghiệp.
“Trước đây, Việt Nam chủ yếu nhập phôi thép từ Trung Quốc để phục vụ cho các nhà máy cán thép trong nước, song hiện nay do công suất dư thừa các doanh nghiệp sẽ tăng cường xuất khẩu ra bên ngoài. Việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ tiếp tục thuận lợi do chính sách thắt chặt của Trung Quốc nhằm đóng cửa các nhà sản xuất thép công nghệ thấp ở quốc gia này”, đại diện VSA nhận định.
Bên cạnh thị trường Trung Quốc, theo đánh giá của Bộ Công thương, trước các cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), ngành thép là một trong những ngành được kỳ vọng có thêm điều kiện thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu ra các thị trường mới. Đây cũng sẽ là các yếu tố tích cực giúp nâng kỳ vọng tăng trưởng của ngành thép trong thời gian tới.
Cải thiện năng lực cạnh tranh, hạn chế các rủi ro trong xuất khẩu
Bên cạnh những yếu tố tích cực, giá bán bình quân sản phẩm thép xuất khẩu giảm sút trong khi giá phôi thép nhập khẩu vẫn có xu hướng tăng tiếp tục là vấn đề khó khăn đặt ra đối với nhiều doanh nghiệp thép, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không tự sản xuất được phôi mà phải phụ thuộc vào nguồn phôi nhập khẩu.
Trong khi đó, Bộ Công thương cũng nhấn mạnh lại cảnh báo hiện nay, ngành thép vẫn phải cạnh tranh gay gắt với thép nhập khẩu thâm nhập mạnh vào thị trường Việt Nam. Đặc biệt là ngành thép phải đối mặt với các vụ việc phòng vệ thương mại tại các thị trường xuất khẩu khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, cùng với khuyến cáo doanh nghiệp cần theo dõi chặt chẽ các thông tin về tình hình xuất khẩu cũng như sẵn sàng hợp tác với cơ quan chức năng trong các vụ việc điều tra, Bộ Công thương khuyến nghị doanh nghiệp ngành thép cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cần tự chủ các nguồn nguyên liệu sản xuất ngay trong nước. Đồng thời, nỗ lực khép kín từ khâu đầu vào đến sản xuất để loại trừ dần nguồn gốc xuất xứ từ các nước nhằm giảm đến mức thấp nhất việc các nước cho rằng Việt Nam lẩn tránh thuế.
Đồng quan điểm với khuyến nghị từ Bộ Công thương, đại diện Hòa Phát cũng cho rằng, thách thức lớn vẫn hiện hữu trong dài hạn đối với đối với ngành công nghiệp thép trong nước khi phải sẵn sàng đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ thép Trung Quốc khi các công ty sản xuất thép nước này phục hồi sản xuất trở lại.
Vì vậy, để tăng năng lực cạnh tranh trong dài hạn, đại diện Hòa Phát cho rằng các nhà sản xuất trong nước nên đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường xuất khẩu, góp phần giảm bớt áp lực cạnh tranh tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu tốt hơn ra thị trường thế giới.