Ngành Y tế Lâm Đồng đổi mới, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động (bài 2)

TIN LIÊN QUAN

Ngành Y tế Lâm Đồng đổi mới, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động (Bài 1)

Bài 2: Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập

Theo Sở Y tế Lâm Đồng, qua 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đối với ngành Y tế được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền và toàn thể công chức, viên chức trong ngành. Việc từng bước đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập đã tạo chuyển biến mới trong tư duy, nhận thức của đội ngũ công chức, viên chức. Các đơn vị đã chủ động, chú trọng khai thác sử dụng hiệu quả tài sản, nguồn lực để triển khai, mở rộng hoạt động dịch vụ, phục vụ Nhân dân tốt hơn, tăng nguồn thu, nâng cao thu nhập, giảm chi thường xuyên cho ngân sách...

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng triển khai kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Pháp

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng triển khai kỹ thuật nội soi mật tụy ngược dòng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia Pháp

5 NĂM TIẾT KIỆM HƠN 466 TỶ ĐỒNG

Việc tinh gọn bộ máy đã tiết kiệm chi thường xuyên để dành nguồn lực chi cho đầu tư phát triển. Công tác tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thí điểm thực hiện hợp nhất cơ quan, đơn vị được triển khai khá hiệu quả... Từ đó, khắc phục được một số hạn chế, tồn tại; giảm đầu mối, biên chế, góp phần xây dựng tổ chức, bộ máy từng bước hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau sắp xếp, hoạt động các cơ quan, đơn vị đi vào nền nếp, không có nhiều xáo trộn; tâm tư của cán bộ, đảng viên ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí tại các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm giúp các đơn vị chủ động trong sử dụng kinh phí được giao, đồng thời, tăng cường hiệu quả công việc, nâng cao ý thức tiết kiệm trong sử dụng ngân sách nhà nước của cán bộ, công chức, viên chức. Trong giai đoạn 2016-2020, các đơn vị trong ngành Y tế Lâm Đồng vẫn thực hiện cơ chế tự chủ theo các quy định hiện hành.

Sở Y tế phân loại và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính trong thời gian ổn định 3 năm cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc theo ý kiến thỏa thuận phân loại và giao quyền tự chủ về tài chính của Sở Tài chính tại công văn số 2897/STC-HCSN ngày 23/11/2017 cho giai đoạn 2017-2019. Theo đó, 1 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên (Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng) dự toán chi đảm bảo hoạt động chi thường xuyên 850 triệu đồng. 21 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên có tổng kinh phí chi hoạt động thường xuyên gần 915 tỷ đồng; trong đó, do đơn vị tự đảm bảo chi từ các nguồn thu được để lại theo chế độ quy định 548 tỷ đồng và do ngân sách nhà nước đảm bảo gần 367 tỷ đồng. Bên cạnh đó có 4 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi hoạt động với mức ngân sách đảm bảo 10,4 tỷ đồng; trong đó, quỹ tiền lương 8,36 tỷ đồng và chi thường xuyên khác 2,1 tỷ đồng.

Giai đoạn 2020-2022, phân loại và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Y tế kể từ ngày 01/01/2020 (năm đầu thời kỳ ổn định giai đoạn 2020-2022) như sau: 22 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên có tổng kinh phí chi hoạt động thường xuyên 1.152 tỷ đồng; trong đó, kinh phí do đơn vị tự đảm bảo gần 818 tỷ đồng (tương ứng với tỷ lệ 71%) và kinh phí do ngân sách đảm bảo một phần hơn 334 tỷ đồng (tương ứng với tỷ lệ 29%). 1 đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo chi hoạt động có mức ngân sách đảm bảo gần 2,9 tỷ đồng. Năm 2021, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã chuyển từ đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động sang tự đảm bảo toàn bộ.

Việc thực hiện cơ chế tài chính theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ tại các đơn vị đạt được một số kết quả như: Tạo quyền tự chủ, chủ động cho đơn vị trong việc quản lý chi tiêu tài chính. Thu nhập của người lao động từng bước được cải thiện, phân phối tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập đã gắn với hiệu quả chất lượng công việc thông qua quy chế chi tiêu nội bộ... Các đơn vị sự nghiệp công lập đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ và giải pháp thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ nhằm mục đích tăng thu, tiết kiệm chi và đạt được hiệu quả cao nhất trong hoạt động. Hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập có thu thực hiện cơ chế tự chủ đều chú trọng tăng cường chất lượng dịch vụ thông qua đó tăng thu; tiết kiệm chi phí đầu vào, chi thường xuyên để từng bước cải thiện thu nhập cán bộ, viên chức và người lao động, tích lũy để tăng cường cơ sở vật chất.

Cụ thể, năm 2016, ngành Y tế có 25 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, trong đó, 6 đơn vị do ngân sách bảo đảm 100% với 166 biên chế, tổng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN) đã chi gần 19,5 tỷ đồng, tổng số thu 2,25 tỷ đồng, số kinh phí tiết kiệm được 464 triệu đồng. 19 đơn vị được bảo đảm một phần chi thường xuyên có 3.720 biên chế, tổng kinh phí NSNN đã chi hơn 357 tỷ đồng, tổng số thu hơn 623 tỷ đồng, số kinh phí tiết kiệm được 62 tỷ đồng.

Năm 2017, ngành Y tế có 25 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; trong đó, 5 đơn vị do NSNN bảo đảm 100% với 130 biên chế, tổng kinh phí NSNN đã chi hơn 24 tỷ đồng, tổng số thu 831 triệu đồng, số kinh phí tiết kiệm được 913 triệu đồng.

20 đơn vị được bảo đảm một phần chi thường xuyên có 3.728 biên chế, tổng kinh phí NSNN đã chi hơn 382 tỷ đồng, tổng số thu gần 735 tỷ đồng, số kinh phí tiết kiệm được gần 73,5 tỷ đồng.

Năm 2018, ngành Y tế có 25 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; trong đó, 4 đơn vị do NSNN 100% với 93 biên chế, tổng kinh phí NSNN đã chi 14,36 tỷ đồng, tổng số thu 4 tỷ đồng, số kinh phí tiết kiệm được 392 triệu đồng.

21 đơn vị được bảo đảm một phần chi thường xuyên có 3.712 biên chế, tổng kinh phí NSNN đã chi hơn 352 tỷ đồng, tổng số thu gần 859 tỷ đồng, số kinh phí tiết kiệm được hơn 147 tỷ đồng.

Năm 2019, ngành Y tế giảm còn 21 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc (do sáp nhập các trung tâm); trong đó, 1 đơn vị do NSNN bảo đảm 100% với 21 biên chế, tổng kinh phí NSNN đã chi 2,5 tỷ đồng, số kinh phí tiết kiệm được 155 triệu đồng. 20 đơn vị được bảo đảm một phần chi thường xuyên có 3.937 biên chế, tổng kinh phí NSNN đã chi hơn 301 tỷ đồng, tổng số thu hơn 893 tỷ đồng, số kinh phí tiết kiệm được gần 78,7 tỷ đồng.

Năm 2020, ngành Y tế gồm 21 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; trong đó, 1 đơn vị do NSNN 100% với 20 biên chế, tổng kinh phí NSNN đã chi 2,8 tỷ đồng, số kinh phí tiết kiệm được 208 triệu đồng. 20 đơn vị được bảo đảm một phần chi thường xuyên có 3.909 biên chế, tổng kinh phí NSNN đã chi hơn 329 tỷ đồng, tổng số thu gần 916 tỷ đồng, số kinh phí tiết kiệm được hơn 81 tỷ đồng.

Và năm 2021, ngành Y tế gồm 21 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; trong đó, 1 đơn vị do NSNN bảo đảm 100% với 22 biên chế, tổng kinh phí NSNN đã chi 2,6 tỷ đồng. Có 1 đơn vị chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên với 707 biên chế, tổng số thu 339 tỷ đồng. 19 đơn vị được bảo đảm một phần chi thường xuyên có 3.372 biên chế, tổng kinh phí NSNN đã chi 347 tỷ đồng, tổng số thu gần 475 tỷ đồng, số kinh phí tiết kiệm được 22 tỷ đồng.

ĐỔI MỚI CƠ CHẾ PHÂN BỔ NGUỒN LỰC, QUẢN LÝ, CẤP PHÁT NSNN CHO SỰ NGHIỆP Y TẾ

Ngân sách nhà nước bảo đảm đầu tư cho các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu và đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.

Hệ điều trị, thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh, NSNN đã từng bước giảm cấp trực tiếp trong dự toán giao hàng năm cho các đơn vị thông qua việc giảm cấp chi thường xuyên đối với các khoản chi được kết cấu trong giá dịch vụ khám, chữa bệnh và khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên từ nguồn thu sự nghiệp của từng đơn vị; dành nguồn hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người nghèo, đối tượng chính sách thông qua việc hỗ trợ mua thẻ BHYT; tăng chi cho y tế dự phòng, dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương và thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách khác của ngành Y tế.

Cụ thể, giai đoạn năm 2017 - 2020, UBND tỉnh điều chỉnh dự toán kinh phí sự nghiệp y tế, trong đó, giảm chi quỹ lương do đã cơ cấu vào giá dịch vụ khám, chữa bệnh với tổng số tiền 425 tỷ đồng; phân bổ vào Quỹ Hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, người mắc bệnh hiểm nghèo 20,3 tỷ đồng và phân bổ gần 6,9 tỷ đồng hỗ trợ đóng BHYT cho đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp và ngư nghiệp có mức sống trung bình theo quy định tại Nghị quyết số 65/2017/NQ-HĐND tỉnh ngày 08/12/2017 của HĐND tỉnh và phân bổ 512 triệu đồng kinh phí mua thẻ BHYT cho người tham gia BHXH tự nguyện theo quy định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về BHXH tự nguyện thuộc sự nghiệp y tế.

Hệ dự phòng và y tế khác, việc phân bổ ngân sách đáp ứng cơ bản các hoạt động chuyên môn của các đơn vị. Tình hình giao NSNN theo tiêu chí dân số phân bổ qua các năm như sau: Năm 2017, dự toán phân bổ cho y tế dự phòng đạt 23,81% với kinh phí dành cho cho y tế dự phòng là 103 tỷ đồng. Năm 2018, dự toán phân bổ cho y tế dự phòng đạt 30,95% với 131,5 tỷ đồng. Năm 2019, dự toán phân bổ cho y tế dự phòng đạt 27,11% với 108 tỷ đồng. Năm 2020, dự toán phân bổ cho y tế dự phòng đạt 25,08% với gần 106 tỷ đồng.

Kết quả việc đổi mới cơ chế tài chính chuyển ngân sách nhà nước từ hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công lập sang hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công căn cứ vào chất lượng đầu ra hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.

(CÒN NỮA)

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202208/nganh-y-te-lam-dong-doi-moi-tinh-gon-bo-may-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-bai-2-3130392/