Ngành y tế TP Cần Thơ rất tâm huyết với phòng khám bác sĩ gia đình

Sở Y tế TP Cần Thơ vừa khai trương 3 phòng khám bác sĩ gia đình tại 3 trạm y tế, mô hình này sẽ được nhân rộng trong thời gian tới.

Thông tin trên được Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Hoàng Quốc Cường chia sẻ tại chức Hội nghị Y tế cơ sở TP Cần Thơ lần thứ nhất năm 2024 ngày 23-10.

 Đại biểu tham dự Hội nghị Y tế cơ sở TP Cần Thơ năm 2024. Ảnh: NHẪN NAM

Đại biểu tham dự Hội nghị Y tế cơ sở TP Cần Thơ năm 2024. Ảnh: NHẪN NAM

Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, đại diện ngành y tế một số địa phương trong vùng ĐBSCL.

Đã đào tạo được 106 bác sĩ gia đình

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ Hoàng Quốc Cường thông tin kết quả triển khai Chỉ thị 25/2023 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở tại TP Cần Thơ.

Theo đó, Thành ủy, UBND TP đã ban hành các kế hoạch thực hiện, Sở Y tế TP Cần Thơ cũng triển khai các kế hoạch liên quan tới mô hình bác sĩ gia đình, hoàn thiện hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử, đào tạo…

Cùng với đó, sở đã cử nhân viên y tế tại các trạm y tế (TYT) đến Trường Đại học Y dược học các khóa về y tế cơ sở như bác sĩ gia đình, siêu âm, điện tâm đồ, quản lý trang thiết bị, quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm, sơ cấp cứu ban đầu.

Đặc biệt, theo chỉ đạo của Thành ủy Cần Thơ, Sở Y tế đã xây dựng Đề án Chăm sóc sức khỏe người dân Cần Thơ từ năm 2024-2030, tổng kinh phí khoảng 200 tỉ đồng, đang trình Ban Thường vụ Thành ủy thông qua.

Việc đào tạo nhân lực cho y tế cơ sở đã hoàn thiện cơ bản, hàng năm Sở Y tế TP Cần Thơ tổ chức giải đi bộ để vận động kinh phí xã hội hóa cho y tế cơ sở. Hiện đã có 106 bác sĩ gia đình phục vụ cho tuyến y tế cơ sở.

 Khánh thành phòng khám bác sĩ gia đình tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: Sở Y tế

Khánh thành phòng khám bác sĩ gia đình tại huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. Ảnh: Sở Y tế

Ông Cường cho biết, ngành y tế TP Cần Thơ vừa khai trương ba phòng khám bác sĩ gia đình tại TYT phường Thường Thạnh (quận Cái Răng), TYT phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt) và TYT xã Thạnh Tiến (huyện Vĩnh Thạnh).

“Chúng tôi rất tâm huyết với phòng khám bác sĩ gia đình, đã cho thiết kế nhận diện thương hiệu (đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ), có website, có app để người dân đặt lịch khám, chữa bệnh. Bệnh nhân khám tại đây có thể chọn bác sĩ"– ông Cường cho hay.

Theo ông Cường, phòng khám bác sĩ gia đình có bổ sung thêm như hệ thống nhà thuốc thực hiện xã hội hóa để gắn với phòng khám nhằm tăng nguồn thu cho TYT, bớt gánh nặng cho ngân sách. Cùng với đó là cung cấp các dịch vụ đi kèm như xét nghiệm, vaccine, phục hồi chức năng, vật lý trị liệu, tiến tới chăm sóc giảm nhẹ và chăm sóc tại nhà.

“Mô hình bác sĩ gia đình này chúng tôi quyết tâm thực hiện và sẽ nhân rộng trong thời gian tới, tiêu chí được chọn là các phòng khám phải có lượng bệnh nhân tương đối ổn định… Vì vậy, chúng tôi sẽ triển khai ở những vùng xa trung tâm trước và có lượng bệnh nhân ổn định. Qua triển khai thấy người bệnh tăng hơn 20% ở các trạm này” – ông Cường thông tin.

Cần có chính sách ưu tiên phát triển mô hình bác sĩ gia đình

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ cũng nêu rõ những khó khăn, tồn tại.

Cụ thể, về cơ sở vật chất, nhiều bệnh viện đa khoa và TTYT quận, huyện đã xuống cấp. Một số TYT cần xây mới hoặc nâng cấp, cải tạo. Chưa hết, một số nơi thiếu trang thiết bị y tế chuyên dùng như máy CT scan, máy siêu âm chuyên tim mạch, máy thận nhân tạo, hệ thống nội soi tại quận/huyện. Cơ sở hạ tầng và thiết bị công nghệ thông tin chỉ ở mức cơ bản, kinh phí triển khai chuyển đổi số còn hạn hẹp.

 Bác sĩ phòng khám gia đình ở quận Cái Răng khám bệnh cho người dân. Ảnh: Sở Y tế

Bác sĩ phòng khám gia đình ở quận Cái Răng khám bệnh cho người dân. Ảnh: Sở Y tế

Về tài chính y tế, các TTYT quận/huyện gặp khó khăn trong cơ chế tự chủ, đặc biệt là các đơn vị chỉ có chức năng dự phòng. Quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi ngành, phụ cấp chuyên môn chậm sửa đổi, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Việc tính số lượng biên chế dựa vào công suất sử dụng giường bệnh gặp khó khăn do tỉ lệ nội trú không đạt…

Từ đó, ngành y tế Cần Thơ đề ra 6 giải pháp cụ thể và nêu các kiến nghị với TP, Bộ Y tế, BHXH, Bộ Tài chính.

Trong đó, Sở Y tế Tp Cần Thơ kiến nghị UBND TP Cần Thơ phân bổ đầy đủ kinh phí cho y tế dự phòng, đặc biệt chương trình y tế dân số, phòng chống dịch bệnh và bệnh không lây nhiễm. Đầu tư cơ sở vật chất cho tuyến y tế cơ sở, sớm xem xét phê duyệt Đề án Tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người dân đến năm 2030.

Kiến nghị Bộ Y tế các vấn đề về nhân lực, tài chính và cơ chế chính sách. Trong đó, ngành y tế TP Cần Thơ kiến nghị bộ sớm ban hành cơ chế chính sách ưu tiên phát triển mô hình bác sĩ gia đình tại Việt Nam. Cụ thể, đào tạo bác sĩ gia đình là bác sĩ chuyên khoa; chính sách thanh toán bảo hiểm cho bác sĩ gia đình, người dân được chọn bác sĩ gia đình. Thay đổi chương trình đào tạo bác sĩ gia đình là một chuyên khoa thật sự, chất lượng cao.

Cạnh đó, Bộ Y tế cần có thông tư hướng dẫn triển khai phòng khám bác sĩ gia đình, quy định rõ tiêu chuẩn của phòng khám gia đình. Thông tư quy định danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản cho trạm y tế…

Phó Chủ tịch Cần Thơ: Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện giao ngành y tế chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị 25 và các kế hoạch của TP.

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NHẪN NAM

Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền về củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trên địa bàn.

Hướng đến mục tiêu năm 2030 mỗi TYT có ít nhất một bác sĩ cơ hữu; 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; trên 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Đồng thời, tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở gắn với đổi mới cơ chế tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước; Tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở y tế tuyến quận, huyện và tuyến xã, phường, thị trấn

Cùng với đó, đổi mới phương thức hoạt động của y tế cơ sở, trong đó chú trọng phát triển mô hình bác sĩ gia đình; chuyển giao kỹ thuật, nâng cao năng lực cho tuyến quận/huyện; ưu tiên đào tạo bác sĩ chuyên khoa y học gia đình để làm việc tại quận/huyện và xã/phường; điều động bác sĩ tuyến quận/huyện và chuyên gia hỗ trợ cho TYT....

NHẪN NAM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nganh-y-te-tp-can-tho-rat-tam-huyet-voi-phong-kham-bac-si-gia-dinh-post816246.html