Ngày 23/6: Giá vàng thế giới tiếp tục lao dốc

Sáng ngày 23/6/2023, giá vàng thế giới giao dịch quanh mức 1.914 USD/ounce. Trong nước, giá vàng biến động nhẹ.

Giá vàng trong nước

Sáng ngày 23/6, giá vàng trong nước được niêm yết cụ thể như sau:

Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào ở mức 66,45 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,07 triệu đồng/lượng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, giá bán ra thấp hơn 20.000 đồng/lượng so với 2 khu vực trên. Giá mua vào và bán ra đều tăng 50.000 đồng/lượng so với ngày 22/6.

Giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,35 triệu đồng/lượng mua vào và 67 triệu đồng/lượng bán ra (đều tăng 50.000 đồng/lượng). Tại thành phố Hồ Chí Minh, giá mua vào 66,4 triệu đồng/lượng và bán ra 66,95 triệu đồng/lượng.

Giá vàng PNJ khu vực Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang niêm yết mức 66,45 triệu đồng/lượng mua vào và 67 triệu đồng/lượng bán ra.

Giá vàng thế giới

Theo dữ liệu từ Kitco, tính đến sáng 23/6 (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 1.914,6 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá Vietcombank (chưa thuế, phí), mức giá này tương đương 54,6 triệu đồng/lượng, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới trên 12 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới tính đến sáng ngày 23/6/2023 (theo giờ Việt Nam) giao dịch ở mức 1.914,6 USD/ounce. Ảnh: Kitco

Giá vàng thế giới rạng sáng ngày 23/6 tiếp đà giảm mạnh.

Giá vàng đã chạm mức thấp nhất trong 4 tháng sau khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đồng loạt thúc đẩy chính sách diều hâu và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell khẳng định lập trường vững chắc về 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay.

Trong ngày điều trần thứ 2 trước Quốc hội Mỹ, ông Powell vẫn cam kết thực hiện thêm 2 lần tăng lãi suất nữa trong năm nay sau khi giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 13 và 14/6 nhằm kiểm soát lạm phát.

Các ngân hàng trung ương khác đang tham gia "phe diều hâu" cùng ông Powell. Trong một động thái bất ngờ, Ngân hàng Anh đã tăng lãi suất chính từ 4,5% lên 5%. Đây là lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ tháng 2, đưa tỉ lệ này lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Ngân hàng Trung ương của Na Uy cũng đã tăng 50 điểm cơ bản vào ngày 22/6, nâng lãi suất lên mức cao nhất trong 15 năm là 3,75%. Trên hết, Ngân hàng Trung ương Na Uy còn báo hiệu một đợt tăng khác vào tháng 8, dự đoán lãi suất sẽ tăng lên 4,25% vào mùa thu. Đây là lần tăng lãi suất thứ 11 liên tiếp của Na Uy khi nước này phải đối mặt với tình trạng lạm phát dai dẳng.

Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng tăng lãi suất từ 1,5% lên 1,75% vào ngày 22/6 và cho biết sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất nữa.

Để đảo ngược chính sách tiền tệ không chính thống trước đó, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lãi suất cơ bản thêm 650 điểm cơ bản lên 15%, đồng thời cho biết sẽ có nhiều biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ hơn trong thời gian tới.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya của OANDA cảnh báo, việc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất nhiều hơn đang ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng toàn cầu, điều này có thể khiến đồng USD trở thành nơi trú ẩn an toàn và hấp dẫn hơn so với vàng.

Bà Moya cho biết: "Giá vàng đang giảm sau động thái của một số ngân hàng trung ương châu Âu. Triển vọng tăng trưởng toàn cầu đang bị cắt giảm và điều này có thể kích hoạt xu hướng trú ẩn an toàn với đồng USD chứ không phải là vàng".

Nhà phân tích John Meyer của SP Angel cho biết: "Diễn biến giá vàng trong thời gian tới có thể sẽ tập trung vào số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ thay vì dữ liệu lạm phát, bởi thị trường lao động Mỹ hiện là trọng tâm chính của FED khi xem xét tăng lãi suất".

Hồng Ngọc

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/ngay-23-6-gia-vang-the-gioi-tiep-tuc-lao-doc-179230622232547992.htm