Ngày càng khó sống ở Seoul

Giá nhà tăng cao gây ra tình trạng suy giảm dân số ở Seoul. Nhiều người Hàn từng sống tại đây di cư đến Hanam, Gimpo hoặc Namyangju để giảm áp lực tài chính.

Park Min-seong, nhân viên công ty sản xuất hóa dầu ở quận Mapo, phía tây Seoul, sống trong căn hộ ở quận Gangnam mà gia đình anh thuê theo hợp đồng jeonse (người thuê nhà đặt cọc một lần mà không phải trả tiền hàng tháng và nhận lại toàn bộ số tiền khi kết thúc hợp đồng).

Sống với vợ và 2 con, anh công nhân cổ trắng ngoài 30 tuổi muốn mua căn hộ riêng có diện tích lớn hơn. Sau đó, Park tậu nhà hơn 110 m2 ở khu Misa-dong của thành phố Hanam, tỉnh Gyeonggi, ngoài rìa phía đông của Seoul.

Nếu muốn mua căn hộ có diện tích tương tự ở Gangnam hoặc những nơi khác tại Seoul, gia đình anh không đủ khả năng chi trả, theo The Korea Times.

Nơi ở mới khiến Park mất gấp đôi thời gian đi làm so với trước đây. Tuy nhiên, anh chọn định cư ở đó và hài lòng vì không còn phải sống trong không gian chật hẹp.

Ngoài ra, ga tàu điện ngầm ở khu phố mới giúp Park dễ dàng tiếp cận các phương tiện giao thông công cộng để đi làm tại Seoul.

 Cuộc sống ở Seoul ngày càng đắt đỏ khiến nhiều người chọn rời đi. Ảnh: Anthony Wallace/AFP.

Cuộc sống ở Seoul ngày càng đắt đỏ khiến nhiều người chọn rời đi. Ảnh: Anthony Wallace/AFP.

Làn sóng rời đi

Lee Yeon-hwa sống với chồng, con gái nhỏ và mèo cưng. Gần đây, gia đình cô chuyển từ quận Songpa, phía đông Seoul, đến thành phố Gimpo, ngoài rìa phía tây của thủ đô, nơi họ mua căn hộ mới.

Chồng Lee, vốn là phi công của hãng hàng không thương mại, thất nghiệp hơn một năm nay sau khi bị sa thải vì Covid-19. Lee trở thành người làm công ăn lương duy nhất, nhưng tiền lương của cô không đủ nuôi cả nhà lâu dài.

Ngay khi hợp đồng jeonse hết hạn vào đầu năm nay, Lee vay thế chấp và mua căn hộ riêng sau khi bổ sung khoản thanh toán bằng tiền tiết kiệm. Do điều kiện tài chính có hạn, gia đình cô không có nhiều lựa chọn mua nhà ở Seoul.

Thay vào đó, họ thấy nhiều địa điểm hợp lý hơn ở Gimpo, lại gần các sân bay quốc tế ở Gimpo và Incheon - nơi chồng Lee dự định tìm việc.

Trong hơn một thập kỷ, người dân Seoul đều đặn di cư đến các thành phố mới phát triển ở tỉnh Gyeonggi. Số người rời đi nhiều hơn chuyển vào.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ và An toàn công bố hôm 6/6, dân số Seoul tính đến cuối tháng 5 là 9,5 triệu người - mức thấp nhất kể từ năm 1992 khi đạt đỉnh hơn 10,97 triệu người.

 Giá nhà tăng cao là một trong số lý do chính khiến nhiều người muốn rời khỏi Seoul để đến các tỉnh lân cận. Ảnh: Kyodo News.

Giá nhà tăng cao là một trong số lý do chính khiến nhiều người muốn rời khỏi Seoul để đến các tỉnh lân cận. Ảnh: Kyodo News.

Trong khi dân số Seoul giảm dần kể từ năm 1992, Gyeonggi cho thấy xu hướng ngược lại trong cùng thời kỳ. Dân số của tỉnh này vượt trước Seoul 1,47 triệu người vào năm 2010, khi có hơn 11,78 triệu người.

Khoảng cách ngày càng gia tăng kể từ đó, với dân số Gyeonggi đạt 12 triệu người vào năm 2012 và 13 triệu người vào năm 2018. Tính đến cuối tháng 5, con số này đạt 13,58 triệu người.

Những lý do chính đằng sau làn sóng di cư khỏi Seoul có liên quan chặt chẽ đến nơi mọi người muốn sinh sống.

Giá căn hộ ở Seoul liên tục tăng trong nhiều năm qua, làm dấy lên lo ngại đối với những người dự định mua nhà riêng hoặc thuê nhà theo hợp đồng jeonse. Ngay cả khi phải chuyển đến nơi ở mới, họ không muốn sống trong không gian chật chội hơn.

Do đó, lựa chọn mua nhà tại các thành phố mới phát triển ở Gyeonggi khả thi hơn là cố tìm căn hộ giá rẻ ở Seoul.

“Với cùng mức giá, mọi người có thể mua căn hộ mới và lớn hơn ở đây so với Seoul”, nhà môi giới bất động sản tại Misa-dong ở Hanam nói.

 Các tòa chung cư ở khu Gimpo, tỉnh Gyeonggi tháng 11/2020. Những thành phố đang phát triển của Gyeonggi là điểm đến hàng đầu của nhiều người Seoul muốn rời đi. Ảnh: Newsis.

Các tòa chung cư ở khu Gimpo, tỉnh Gyeonggi tháng 11/2020. Những thành phố đang phát triển của Gyeonggi là điểm đến hàng đầu của nhiều người Seoul muốn rời đi. Ảnh: Newsis.

“Kể từ năm 2020, khi tuyến tàu điện ngầm số 5 của Seoul Metro mở rộng và có các ga mới ở Hanam, chúng tôi nhận được nhiều cuộc gọi từ cư dân Seoul quan tâm đến việc chuyển đến đây”, nhà môi giới bất động sản ở Namyangju, điểm đến phổ biến khác của những người Seoul dự định di cư, cho biết.

Nhiều người Seoul chuyển đến Namyangju đã cao tuổi và muốn ổn định cuộc sống sau khi nghỉ hưu. Họ không còn sống với con cái và tìm kiếm sự yên bình trong phần đời còn lại.

Ngoài Hanam và Namyangju, nhiều người Seoul chuyển đến Hwaseong, Gimpo, Siheung và các thành phố mới phát triển khác ở Gyeonggi. Không chỉ tìm kiếm căn hộ rẻ hơn, họ còn muốn nơi ở giá cả phải chăng và chất lượng.

Vẫn cần đi lại

Báo cáo của Viện Seoul, trung tâm nghiên cứu về các vấn đề đô thị do chính quyền Seoul điều hành, đưa ra phân tích chi tiết vào tháng trước về việc người dân ở Seoul chuyển đến Gyeonggi.

Trong số 2.085 đối tượng được khảo sát vào tháng 3, hầu hết mua căn hộ có diện tích lớn hơn ở Gyeonggi nhưng không từ bỏ nơi làm việc hoặc trường học tại Seoul.

Trong số dân cư chuyển từ Seoul đến Gyeonggi 5 năm qua, những người ngừng thuê để mua nhà riêng tăng từ 30% lên 46,2%; nâng cấp chất lượng không gian sống cũng tăng từ 42,6% lên 66,8%; chuyển đến khu dân cư lớn hơn bằng cách dọn tới Gyeonggi chiếm 62,46%, trong khi chỉ 28,46% di chuyển theo hướng ngược lại.

Tuy nhiên, hơn 46% vẫn dựa vào Seoul để duy trì cuộc sống hoặc học tập. Hơn 36% tiếp tục đến Seoul để làm việc hoặc đi học sau khi chuyển đến Gyeonggi. Hơn 50% tới Seoul ít nhất một lần mỗi tuần và hơn 81% đến mỗi tháng một lần.

 Người trẻ không còn sống ở Seoul nhưng vẫn cần đi lại để làm việc hoặc học tập. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

Người trẻ không còn sống ở Seoul nhưng vẫn cần đi lại để làm việc hoặc học tập. Ảnh: Kim Hong-ji/Reuters.

Năm 2020, 124.870 người rời bỏ Seoul, trong khi 75.886 người chuyển đến. Hầu hết dân cư mới đều ở độ tuổi 20 với lý do chuyển đến là làm việc và học tập. Lợi thế duy nhất của việc sống ở Seoul là tiết kiệm thời gian di chuyển bằng phương tiện công cộng đến trường học hoặc nơi làm việc.

“Sự suy giảm dân số của Seoul liên tục diễn ra trong thời gian khá dài. Với sự phát triển đất đai ở các thành phố Gyeonggi đang diễn ra, xu hướng này sẽ còn tiếp diễn”, Park Hyeong-soo, Chủ tịch Viện Seoul, nói.

“Thực tế, nhiều người ở Gyeonggi vẫn đến Seoul để làm việc và học tập. Chính quyền Seoul cần cung cấp nhà ở chất lượng, giá cả phải chăng hơn cho nhóm này thông qua các dự án tái phát triển và tái thiết đất đai, cũng như giới thiệu chương trình tài chính mới cho những người chọn sinh sống ở Seoul theo hợp đồng thuê hàng tháng hoặc jeonse”, ông nói thêm.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ngay-cang-kho-song-o-seoul-post1325003.html