Ngày cuối năm buồn bên dòng sông Ghép

Có lẽ cả cuộc đời sau này, chị Loan sẽ không thể quên cái cảm giác mất mát khi biết vì cứu gia đình mình, có một gia đình khác đã mất đứa con chỉ trước thềm năm mới vài ngày.

Chị Loan có thể sẽ không thể quên tiếng hét thất thanh của đứa con gái nhỏ khi bị trượt chân ngã xuống lòng sông, gương mặt của Hải khi em đang cố gắng cứu cả 3 mẹ con, rồi giây phút người ta bảo với chị ân nhân của gia đình mình đã qua đời vì chết đuối, hay là cái cảm giác mất mát khi biết vì cứu gia đình mình, có một gia đình khác đã mất đứa con chỉ trước thềm năm mới...

Chị Lê Thị Loan là giáo viên trường THCS xã Hải Châu, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Hôm nay chị không đến trường giảng dạy như thường lệ. Trong căn nhà cấp 4 nằm sát bên quốc lộ 1A, nhiều người đang tới thăm hỏi ba mẹ con cô giáo vừa thoát khỏi cánh tay của tử thần.- Chị có biết tên của ân nhân mình? - Chúng tôi hỏi chị Loan.

- Có chứ, em Hải, 22 tuổi - Chị trả lời ngay - Tôi biết nhà Hải ở xã Hải Ninh. Cậu ấy đang là sinh viên trường Đại học kinh tế kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

Hai ngày trước, đúng 23 tháng Chạp, chị Loan cùng hai con gái, đứa lớn 14 tuổi, đứa bé 9 tuổi, ra bờ sông Ghép cách nhà 1 cây số để thả cá chép cúng ông Công ông Táo.

Khi người mẹ còn đang mải miết với đồ lễ, thì đứa con gái nhỏ trượt chân, ngã xuống sông. Vội vàng vứt hết đồ đạc, lao xuống sống cứu con, chị dần bị cuốn vào vòng nước xoáy. Thấy em và mẹ gặp nạn, cô con gái lớn cũng nhảy xuống cứu. Cả ba mẹ con vùng vẫy trong vòng nước...

- Tôi tỉnh dậy đã thấy mình nằm ở Trạm y tế xã. Ơn giời, 2 con tôi không sao. Chúng còn sống và đang nằm ở viện tuyến trên.

“Hải vì cứu 3 mẹ con mà đuối nước, đã qua đời”, người ta nói với chị như vậy.

- Tâm trạng của tôi đang tệ lắm. 3 mẹ con còn sống đổi lại cái chết của một người khác. Tai nạn tới quá nhanh. Cả đêm tôi không thể nhắm mắt vì ám ảnh.

Cảm giác nhẹ nhõm khi biết hai đứa trẻ của mình an lành không sao giúp chị Loan khỏi bồn chồn. Biết nhà Hải đang lo hậu sự cho em, chị xin được tới nhà em phúng viếng.

- Vì mẹ con tôi mà cậu ấy mất mạng. Tôi áy náy, biết ơn và thật sự không biết làm sao để trả ơn gia đình em. Tôi tin vào nhân quả. Đợi đám tang xong, tôi sẽ xin nói chuyện với bố mẹ Hải. Tôi mong cô chú được cho tôi tới lui như con cháu để chăm sóc và báo đáp.

'Vì cứu 3 mẹ con tôi, em Hải đã ra đi' Trong ngôi nhà tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), cô giáo Loan liên tục lau nước mắt, kể về buổi chiều đau thương khi em Hoàng Đức Hải dũng cảm cứu 3 mẹ con chị trên sông Ghép.

Chị Loan khóc thành tiếng, rồi vớ tờ giấy ăn đưa lên má mà không kịp chặn dòng nước mắt. Chỉ tiếp chúng tôi một lúc mà trước mặt chị đã là một đống giấy bị vo nhàu, đẫm nước. Những lời hỏi thăm của họ hàng, chòm xóm khiến chị vừa được an ủi, vừa đau đớn. Chị thấy sức lực mình như cạn kiệt.

Rời nhà chị Loan, chúng tôi tự hỏi khi nào người mẹ mới có thể quên đi mất mát này, và hiểu được rằng thật ra không phải vì chị mà gia đình Hải mất con vào những ngày cận Tết.

Trưa 23 tháng Chạp, Hoàng Đức Hải, 22 tuổi, thấy chậu cá bố mua về chưa ai động tới nên rủ em gái cùng ra sông phóng sinh. Vừa tới nơi, thấy tiếng hô hào có người chết đuối, vội vàng bỏ lại xe và cô em gái ở trên bờ, Hải nhanh chân cởi mũ bảo hiểm, bỏ lại đôi giày, rồi nhảy xuống nước cứu người.Bờ sông Ghép đang xôn xao vui vẻ bởi tiếng huyên náo thả cá, mang theo bao lời ước nguyện về một năm mới an lành may mắn, cùng mong muốn bỏ lại sau lưng những xui xẻo của năm cũ, bỗng nhốn nháo, căng thẳng vì tai nạn bất ngờ.

Biết anh trai bơi không giỏi, Hương (em gái Hải) khuyên anh đừng xuống nước mà để gọi người khác giúp đỡ. Nhưng chàng trai dũng cảm vẫn đi và nói “Để anh cứu họ”. Hương không ngờ đó là câu nói cuối cùng của Hải, và bóng lưng chạy trên cầu Ghép trưa hôm đó cũng là lần cuối em được nhìn thấy anh trai mình còn sống.

30 phút sau khi Hải lao xuống sông, lần lượt 3 nạn nhân được đưa lên bờ.

Em Lê Ngọc Vương (20 tuổi, sinh viên Đại học Mỏ địa chất Hà Nội) và em Lê Bá Khánh (15 tuổi, học sinh THCS Hải Châu) - những người cùng tham gia giải cứu cũng đã thoát khỏi dòng nước.

Hàng trăm ánh mắt trên cầu ngóng trông. Riêng Hương, em quỳ sụp xuống, chắp tay cầu nguyện xin điều kỳ diệu hãy xảy ra.

- Em đã tin nếu cứ nhìn chăm chú xuống mặt sông, anh trai em sẽ xuất hiện, được đưa lên bờ, dù ướt lạnh và có thể bị sặc nước, nhưng vẫn còn sống và khỏe mạnh - cô gái nhắm chặt mắt, kể.

Thế nhưng Hương lại được báo tin là anh mình đã đuối sức, rồi bị xoáy sông cuốn trôi. Chàng trai 22 tuổi đã qua đời sau khi cứu sống được chị Loan và hai con gái.

- Nó diễn ra nhanh lắm. Từng người được đẩy lên. Cáng cấp cứu được đưa tới. Họ được bế, cõng, đưa lên xe đi mất. Còn anh em thì không thấy đâu. Em cứ khóc và van mọi người cứu anh em với. Thời gian cứ trôi. Rồi có người bảo anh em đi rồi.

Chỉ vài tiếng trước, Hương còn là cô bé nhỏ nép trong vòng tay anh trai, vui vẻ cười đùa ngồi sau lưng Hải trên đường đi từ nhà ra cầu Ghép, tay vẫn ôm chậu cá. Những chú cá chép của gia đình còn chưa được thả. Lời ước nguyện của Hương chưa được ai lắng nghe. Hương mất anh trai.

Trước cửa ngôi nhà nhỏ nằm tại thôn Hồng Kỳ, chiếc rạp được dựng vội để lo hậu sự cho chàng trai 22 tuổi dũng cảm. Trong nhà, ông Hoàng Đức Thơ và bà Lê Thị Hải, cha mẹ Hải, gào khóc gọi con. Nỗi đau bất ngờ đến quá nhanh. Những bậc sinh thành vẫn chưa thể tin họ đã mất đi đứa con trai yêu quý chỉ sau một buổi trưa đi thả cá. Đau đớn xen lẫn bàng hoàng, họ thay nhau ngất lịm.- Thằng bé đang học khoa Điện - Điện tử. Trọ ở Hà Nội nhưng nó tiết kiệm lắm. Bố gửi cho 1 triệu thì tiêu 500.000 đồng, còn lại để dành, ngoài ra thì đi làm để kiếm thêm tiền sinh hoạt phí. Mỗi lần về quê là lại xách nào gạo, cá khô, tôm khô ra để ăn dần. Có đợt còn mang cả khoai theo để luộc ăn buổi sáng.

Ông Hoàng Đức Ca, chú ruột Hải thay mặt anh chị tiếp khách, kể. Mất mát đến quá nhanh khiến nếp nhăn trên gương mặt ông thêm hằn sâu. - Thằng bé đang tìm việc làm thêm. Bố mẹ kinh tế khó khăn, em gái ít tuổi, năm sau còn thi đại học. Ai chứ riêng Hải không bao giờ để bố mẹ phải suy nghĩ hay lo lắng.

Ông Ca tiếp tục những câu chuyện lặng lẽ về người cháu ngoan hiền, khỏe mạnh. Chàng trai sinh ra và lớn lên ở vùng biển nghèo, với nhiều ước mơ và dự định, với tấm lòng và sự tử tế, đã mãi xa người thân chỉ cách Tết đúng 1 tuần.

Theo lời kể của gia đình, nếu không gặp nạn thì buổi tối ngày hôm đó Hải đã mời bạn bè đến liên hoan. Bữa ăn sẽ có cá gọi và tôm tít, hai món cậu rất thích, được chính bố mua về.

Hai hôm nay, trang cá nhân của những người bạn của Hải đều thay đổi thành màu đen, để thay cho chiếc băng tang và lời chia buồn của họ tới cậu.

- Nó không thích màu đen, thích màu xanh cơ, biết bọn em để màu đen có khi lại không thích chị ạ. Chậu tôm tít nó định chiêu đãi cả bọn ở kia kìa, chưa kịp ăn bữa tất niên mà nó đã đi rồi - một người bạn của Hải lặng lẽ.

- Hàng xóm ở đây ai mà không biết Hải. Nó đi học thì thôi, chứ cứ về nhà là ông Thơ được nhờ. Có bận cậu ấy còn chạy xe máy ra Sầm Sơn, cách nhà gần 50 cây, để mua sứa về cho bố mẹ bán kiếm lời - ông Lê Quang Tư, sống ở sát vách nhà Hải, vừa giúp gia đình bắc rạp, vừa nói.

Tới thăm hỏi và chia buồn với gia đình Hải, ông Hoàng Văn Tùng, Phó chủ tịch UBND xã Hải Ninh, vẫn chưa hết bàng hoàng. Hành động dũng cảm, xả thân cứu ba mẹ con cô giáo Loan của Hải khiến những người tới thắp hương cho em không khỏi đau xót.

Đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã đến thăm hỏi, chia buồn với cha mẹ Hải. Ông mong gia đình sớm vượt qua đau thương, mất mát. Tỉnh Thanh Hóa cũng truy tặng bằng khen cho gia đình để ghi nhận hành động dũng cảm của Hải.

Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa Lê Văn Trung đã truy tặng huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm cho chàng trai 22 tuổi vì hành động quên mình cứu người. Một ngày sau, 10/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định truy tặng Bằng khen của Thủ tướng cho em và gửi hỗ trợ để chia sẻ với gia đình...

- Chiếc bằng khen chỉ là một nghĩa cử để tôn vinh hành động đáng khâm phục của Hải. Chúng tôi muốn được vinh danh em - Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa Lê Văn Trung xúc động nói.

Đối với các bậc sinh thành, chiếc bằng khen, huy hiệu dũng cảm, hay những lời chia buồn không thể làm dịu đi nỗi đau mất đi đứa con. Chỉ còn vài ngày nữa là bước sang năm mới, nhưng tại nhà Hải không có một cành đào, cành mai. Không gian thấm đẫm nỗi buồn, sự mất mát. Tiếng nức nở không thể kìm nén chốc chốc lại vang lên.

Tết đã gần nhưng sao thật xa với ngôi nhà nhỏ ở xã Hải Ninh.

Đám tang đẫm nước mắt của nam sinh Hoàng Đức Hải Người thân, bạn bè... khóc hết nước mắt sau hành động quên mình để cứu 3 mẹ con nữ giáo viên của nam sinh Hoàng Đức Hải.

Nguyễn Dương - Ngân Giang

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/ngay-cuoi-nam-buon-ben-dong-song-ghep-post818722.html