Ngày đầu Đà Nẵng nới lỏng một số hoạt động
Sau 20 ngày thực hiện biện pháp 'ai ở đâu ở yên đó', ngày 5-9, Đà Nẵng nới lỏng một số hoạt động, chuyển sang trạng thái chống dịch mới.
Gia hạn giấy đi đường
Theo ghi nhận, lượng phương tiện giao thông trên đường hôm nay (5-9) có phần tăng hơn mọi khi. Có nhiều trường hợp người dân sử dụng giấy đi đường quá hạn trong ngày đầu TP Đà Nẵng nới lỏng giãn cách, phần lớn là cán bộ, nhân viên tại các công ty và nhân viên giao hàng. Tuy nhiên, đến 9 giờ cùng ngày, các chốt kiểm soát nhận được thông tin chỉ đạo gia hạn giấy đi đường đối với nhân viên các doanh nghiệp chưa đổi kịp giấy mới, thời gian đến sáng 6-9.
Các địa phương "vùng xanh" đã tổ chức các tổ kiểm soát lưu động để kiểm tra những người lưu thông qua địa bàn. Theo ông Nguyễn Phúc Bảo Nam, Chủ tịch UBND phường Nam Dương, vì là địa bàn "vùng xanh" nên UBND phường đã thành lập 5 tổ kiểm soát lưu động trên địa bàn bên cạnh các chốt kiểm tra cứng.
"Các trường hợp ra đường phải có phiếu đi chợ, có giấy đi đường QR code. Các trường hợp từ địa bàn "vùng vàng", "vùng đỏ" không được tới địa bàn "vùng xanh" nếu không có lý do chính đáng và không tuân thủ các quy định về bảo hộ và thời gian lưu lại địa bàn sẽ được mời quay trở lại", ông Nam cho hay.
Cũng từ hôm nay (5-9), các tiệm tạp hóa trên tuyến đường lớn thuộc "vùng vàng" và "vùng xanh" được mở cửa. Ngày đầu mở lại, các tiệm tạp hóa tấp nập người mua. Vì vậy, chủ quán giăng dây ngăn cách và liên tục nhắc nhở người dân giữ khoảng cách, xếp hàng để đảm bảo an toàn.
Dù các phường, xã "vùng xanh" đã cho các quán ăn bán mang về. Tuy nhiên, trong sáng nay, ghi nhận tại các phường, xã "vùng xanh", đa số hàng quán vẫn đóng cửa im lìm, chưa mở bán.
Ngày đầu người dân "vùng xanh" đi chợ
Tại chợ Hàn (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu), một số người dân đại diện hộ gia đình thuộc "vùng xanh" cũng bắt đầu đi chợ ngày đầu. Phía bên ngoài cổng vào, Ban quản lý cũng bố trí ghế ngồi để người dân chờ vào chợ. Lực lượng bảo vệ tiến hành quét QR code phiếu đi chợ và gọi người dân vào chợ.
Đang kiểm kê từng món hàng và chuẩn bị khởi động xe về nhà, bà Nguyễn Thị Lan (trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, 21 ngày phong tỏa, dù có tổ dân phố hỗ trợ cung ứng nhưng không thể đầy đủ như bình thường khi bản thân tự đi chợ.
“Dù phải thức dậy sớm, chờ đợi khá lâu để được vào nhưng được tự đi chợ, mua sắm thực phẩm cho cả gia đình là tôi phấn khởi lắm", bà Lan nói.
Theo ông Nguyễn Thu, Phó Trưởng Ban Quản lý chợ Hàn, số lượng tiểu thương lần này bố trí gấp đôi những ngày trước với khoảng 20 tiểu thương, nguồn hàng rất dồi dào, đảm bảo phục vụ đầy đủ người dân đi chợ với tần suất 5 ngày 1 lần. Các quầy hàng được bố trí tấm chắn, xen kẽ nhau, quầy cách quầy để đảm bảo an toàn.
"Chúng tôi cũng bố trí người dân mua hàng theo một đường thẳng, vào bằng một lối và ra bằng một lối riêng để đảm bảo an toàn. Trong một thời điểm, chỉ có 5 người mua sắm, nhân viên Ban quản lý sẽ điều tiết số lượng thông qua bộ đàm", ông Thu cho hay.
Ông Thu cũng cho biết, theo quy định người dân ở "vùng xanh" chỉ được đi chợ trong khu vực trên địa bàn phường họ sinh sống. Tuy nhiên, một số phường ở "vùng xanh" như phường Phước Ninh, Nam Dương hiện nay chưa mở lại chợ tạm. Vì vậy, trong ngày đầu, Ban quản lý chợ linh động cho phép những người này được đi chợ, bởi họ đi chợ theo đúng ngày, nếu hôm nay không đi được thì sau 5 ngày nữa mới đi lại.
Bên cạnh đó, các chợ trên địa bàn "vùng vàng" hiện vẫn duy trì bán hàng thông qua tổ dân phố. Nhiều trường hợp người dân ở "vùng xanh" cầm phiếu đi chợ đến chợ Cồn (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) ở "vùng vàng" để mua sắm nhưng được bảo vệ giải thích và mời về, hướng dẫn đi chợ ở "vùng xanh".
Sau khi được cho phép đi chợ Hàn, ông Trần Ngọc Đức, người dân trú phường Phước Ninh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) cho biết, địa phương nên kèm theo danh sách các chợ tạm, cửa hàng tiện lợi hoặc các chợ đang mở cửa trong phạm vi được phép đi.
“Tôi cũng nghĩ cần có một kênh thông tin cập nhật người dân vùng xanh phường nào có thể đi chợ nào, trong trường hợp chợ trên địa bàn chưa hoạt động hay có ca nhiễm nên dừng hoạt động thì cũng nên cập nhật biện pháp để người dân đi chợ đúng nơi, tránh tốn công sức quay đầu về nhà hoặc tìm chợ khác để đi”, ông Đức cho hay.
Hiện tất cả các cửa hàng tiện lợi, siêu thị... vẫn duy trì việc bán hàng thông qua tổ dân phố, khu dân cư và nhận đơn đặt hàng online. Tại siêu thị Big C Đà Nẵng, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận khoảng 2.000 đơn đặt hàng. Nguồn hàng ở đây rất phong phú, từ các mặt hàng thực phẩm tươi sống đến đồ khô, gia vị, nhu yếu phẩm... Nhiều thời điểm, trang đặt hàng quá tải bởi cùng một lúc có nhiều người tham gia đặt hàng.
Theo bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc Siêu thị Big C Đà Nẵng, việc cấp mỗi tổ dân phố chỉ một giấy đi đường, có thể đại diện mua hàng cho nhiều hộ tại siêu thị giúp giảm tải áp lực của siêu thị bởi mỗi ngày một nhân viên siêu thị có thể giải quyết từ 10-30 đơn hàng. Đồng thời, việc cấp như vậy cũng giãn tần suất mua hàng, thời gian chờ của người dân khi đặt hàng sẽ không quá lâu.
"Nếu cấp một tổ dân phố chỉ một giấy đi đường, đại diện tổ dân phố có thể đến mua hàng cho đại diện khoảng 50 hộ/1 lần/1 buổi tại siêu thị. Nhân viên siêu thị sẽ có lực lượng bố trí vào các khâu thanh toán, đóng gói và hỗ trợ vận chuyển. Như vậy, việc mua bán sẽ nhanh chóng, tiện lợi hơn", bà Thủy đề xuất.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/ngay-dau-da-nang-noi-long-mot-so-hoat-dong-759299.html