Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam

Ngày hội thu hút hơn 2.000 vận động viên, diễn viên, nghệ nhân đến từ 9 huyện miền núi và 2 đoàn vận động viên thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự và Công an tỉnh tham gia.

Tiết mục “Sắc màu văn hóa miền núi Quảng Nam” trong đêm khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các huyện miền núi lần thứ XX, năm 2023. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Tiết mục “Sắc màu văn hóa miền núi Quảng Nam” trong đêm khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các huyện miền núi lần thứ XX, năm 2023. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Với chủ đề: "Sắc màu văn hóa miền núi Quảng Nam," tối 17/8, tại thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch các huyện miền núi Quảng Nam lần thứ XX năm 2023 đã được khai mạc.

Diễn ra từ ngày 15-21/8, Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XX năm 2023 có sự tham gia của hơn 2.000 vận động viên, diễn viên, nghệ nhân đến từ 9 huyện miền núi và 2 đoàn vận động viên thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh.

Các vận động viên tham gia thi đấu ở các môn Bóng đá, Bóng chuyền, Cầu lông, Đẩy gậy, Kéo co, Bắn ná, Bắn nỏ; trình diễn nhiều hoạt động văn hóa-nghệ thuật như dệt thổ cẩm, điêu khắc, ẩm thực truyền thống, các hoạt động thi đấu thể thao, leo núi, tọa đàm phát triển du lịch miền núi, những trò chơi dân gian, biểu diễn trang phục truyền thống, các làn điệu dân ca độc đáo của từng dân tộc.

Các đoàn tham gia ngày hội còn trưng bày sản phẩm OCOP, triển lãm ảnh về văn hóa, con người, giới thiệu ẩm thực của đồng bào các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu chia sẻ sự kiện được tổ chức định kỳ 4 năm/lần là dịp tôn vinh, quảng bá và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc miền núi Quảng Nam; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa," gắn với Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại."

Ngày hội cũng là dịp để các cơ quan, đoàn thể phát hiện tài năng, năng khiếu văn hóa, văn nghệ, thể thao để bồi dưỡng phát triển phong trào cơ sở; tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện tập trung, nâng cao trình độ chuyên môn, bổ sung lực lượng nòng cốt của tỉnh tham gia biểu diễn, thi đấu tại khu vực, quốc gia, quốc tế trong thời gian tới.

Các đơn vị tham gia nhận cờ lưu niệm của Ban tổ chức . Ảnh: (Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Các đơn vị tham gia nhận cờ lưu niệm của Ban tổ chức . Ảnh: (Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XX năm 2023 còn là dịp để đồng bào các dân tộc giao lưu, học hỏi và cùng nhau giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, lịch sử cách mạng. Đây cũng là cơ hội để nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh thể hiện những giá trị đặc trưng độc đáo, sự đa dạng và phong phú của các loại hình văn hóa thông qua những bộ trang phục, làn điệu dân ca, phong tục, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống như Lễ mừng lúa mới, Lễ khai năm mới tạ ơn rừng, Lễ cúng đất lập làng, Lễ cúng máng nước, Nghi lễ dựng cây nêu, Nghi lễ cầu mưa cùng với các làng nghề, các môn thể thao dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số Cơtu, Giẻ Triêng, Xơ Đăng, Cor, Bhnoong... sinh sống dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, qua những Ngày hội Văn hóa-Thể thao và Du lịch được tổ chức trong nhiều năm, các giá trị văn hóa đã và đang được xây dựng thành những sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn các huyện miền núi và của tỉnh.

Nhiều điểm du lịch, sản phẩm du lịch được du khách trong nước và quốc tế đón nhận như Làng du lịch dựa vào cộng đồng Cơ Tu, Làng dệt Zơra (huyện Nam Giang), Làng du lịch Bhờ Hôồng, Đhrôồng (huyện Đông Giang), Làng văn hóa du lịch Làng cổ Lộc Yên (huyện Tiên Phước), Làng du lịch cộng đồng Đại Bình (huyện Nông Sơn), Làng Văn hóa Cao Sơn, Làng Mường (huyện Bắc Trà My), Làng du lịch cộng đồng Mô Chai (huyện Nam Trà My), Làng Văn hóa cộng đồng Ta Lang, Làng Pơ’ning (huyện Tây Giang), Khu du lịch bảo tồn văn hóa Bhnong (huyện Phước Sơn), Khu di tích Phước Trà (Hiệp Đức), Khu du lịch sinh thái Cổng trời Đông Giang. Đây là nguồn tài nguyên quý giá đang được tỉnh Quảng Nam khai thác bền vững trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch xanh của địa phương./.

Màn múa hát tập thể các điệu múa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam trong đêm khai mạc. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Màn múa hát tập thể các điệu múa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam trong đêm khai mạc. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN)

Đoàn Hữu Trung (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ngay-hoi-van-hoathe-thao-va-du-lich-cac-huyen-mien-nui-tinh-quang-nam/889693.vnp