Ngày không tiền mặt: An toàn hơn khi quan tâm đến bảo mật thông tin cá nhân
Chuyên gia an toàn thông tin cho rằng, bảo mật rất quan trọng thanh toán không dùng tiền mặt, có tới 62% các vụ mất an toàn từ phía người sử dụng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cùng Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã lựa chọn ngày 16/6 hàng năm là Ngày không tiền mặt, để khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tiền mặt hiện là phương thức thanh toán phổ biến, chiếm khoảng 90% các giao dịch hàng ngày. Đa số các giao dịch dưới 100.000 đồng đều được người dân thanh toán bằng tiền mặt. Thanh toán điện tử hay còn gọi là thanh toán không dùng tiền mặt thường được sử dụng trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, rạp chiếu phim… với các máy cà thẻ POS hoặc MPOS.
Vì thế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Công ty Cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) đã lựa chọn ngày 16 tháng 6 hàng năm là “Ngày không tiền mặt”, nhằm tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ tài chính trực tuyến, thành toán qua thẻ, khuyến khích, thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người sử dụng.
Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam NAPAS - cho biết, đối với lĩnh vực ngân hàng và tài chính, chúng ta triển khai hạ tầng rất tốt về mặt hạ tầng, công nghệ. Đến bây giờ, tôi tin rằng về mặt trình độ, hạ tầng công nghệ cũng như là các sản phẩm dịch vụ của ngành ngân hàng của Việt Nam cũng đang phát triển ở mức độ tương đương với mặt bằng của khu vực cũng như trên thế giới.
“Tuy nhiên, thay đổi thói quen của người sử dụng là một thách thức rất lớn. Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng và công ty tài chính có những chương trình để mà triển khai thay đổi nhận thức và cũng như những chương trình truyền thông rộng rãi hơn với người dân, để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt” - ông Nguyễn Quang Minh nói.
“Ngày không tiền mặt” 16 tháng 6 cũng là một trong những hoạt động góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ tại Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016 - 2020. Tính đến cuối năm 2018, cả nước đã có hơn 18.500 điểm ATM, khoảng 243.000 máy POS. Trong quý 1 năm nay, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý trên 37 triệu giao dịch, với giá trị gần 21 triệu tỷ đồng, tăng hơn 23% số giao dịch so với quý 1 năm 2018.
Theo ông Phạm Tiến Dũng – Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Việt Nam nằm trong Top 3 của các nước trong khu vực có tiến triển nhanh nhất về thanh toán điện tử, sau Trung Quốc và Thái Lan, với tỷ lệ là 61%. Nếu ai đã trả tiền điện, tiền điện thoại bằng các dịch vụ của ngân hàng rồi, của Fintech rồi, thì chắc chắn không bao giờ quay trở lại trả bằng tiền giấy. Vì làm sao, vì thanh toán cực kỳ tiện. Cho nên rào cản lớn nhất chỉ là thói quen.
“Chúng ta cần đi vào truyền thông, nếu không thì không thay đổi được. Và chúng tôi đang bàn với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số là phải có câu chuyện về niềm tin của khách hàng với các doanh nghiệp thương mại điện tử, đó là giao hàng không đúng, hàng xấu không đổi được, chụp ảnh một đường làm một đường… Tất cả những câu chuyện đấy thì chúng ta phải nhận diện ra, để chúng ta cùng làm và giải quyết những câu chuyện như thế, để đảm bảo cho niềm tin của người tiêu dùng” - ông Phạm Tiến Dũng cho biết.
Để thay đổi thói quen, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng khi thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có sự phối hợp chặt chẽ với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương nâng cao vai trò quản lý. Việc quản lý, giám sát chặt các đơn vị bán hàng trực tuyến, các website thương mại điện tử, các sàn giao dịch thương mại điện tử… sẽ kéo người tiêu dùng đến với thanh toán điện tử. Bên cạnh đó, việc yêu cầu các website bán hàng trực tuyến, các chủ cửa hàng kinh doanh online trên website, trên mạng xã hội phải đăng ký với Bộ Công Thương.
Ông Nguyễn Kỳ Minh - Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công thương cho rằng, cần kiểm soát chặt chẽ thông tin khách hàng. Tên tuổi, địa chỉ, đặc biệt là số điện thoại, địa chỉ email và những thông tin rất nhạy cảm hơn nữa, ví dụ như thông tin về thanh toán, thông tin về tài khoản, rồi là những tài khoản online của chúng ta cũng phải rất có ý thức bảo vệ những thông tin này, cung cấp ở một mức độ chúng ta có thể kiểm soát được.
“Các đối tượng lừa đảo thường tận dụng cơ hội bằng cách tận dụng khai thác từ một trong những nguồn lớn là từ chính thông tin cá nhân của người tiêu dùng. Do vậy, lời khuyên đầu tiên tôi nghĩ là người tiêu dùng cần biết cách để tự bảo vệ thông tin của mình, bằng cách là không cung cấp thông tin cá nhân một cách tùy tiện. Cái thứ hai là người tiêu dùng cần phải đặc biệt cảnh giác với hình thức lừa đảo mà yêu cầu chúng ta phải cung cấp thông tin, cung cấp tài khoản, mật khẩu, hoặc là cung cấp thế chấp hay là nhắn tin chuyển tiền” - ông Nguyễn Kỳ Minh nói.
Trong tháng 5 vừa qua, hệ thống theo dõi của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đã phát hiện 739 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin của Việt Nam. Với 5 loại hình tấn công nhiều nhất là tấn công thu thập thông tin; vi phạm chính sách an toàn thông tin; tấn công leo thang đặc quyền; tấn công từ chối dịch vụ và tấn công bằng đến mã độc. Lợi dụng sở thích của người sử dụng khi đưa thông tin, đăng ảnh, clip… lên mạng xã hội, tội phạm mạng đã tạo nên những đường link giả, file chứa virus… lừa người sử dụng click vào, để cài mã độc.
Người sử dụng chỉ cần dùng thiết bị cá nhân kết nối vào các mạng wifi công cộng hoặc kết nối vào mạng ở cơ quan, thì mã độc đó đã có thể lây lan vào hệ thống máy chủ nội bộ hoặc ngược lại sẽ bị lây thêm virus vào thiết bị cá nhân.
Ông Nguyễn Quốc Thanh – Chuyên gia tư vấn bảo mật Công ty Trend Micro tại Việt Nam phân tích: Mang thiết bị của bản thân mình vào môi trường của doanh nghiệp. Ví dụ như bạn mang cái máy này vào môi trường này, bạn kết nối wifi chẳng hạn thì sau khi kết nối xong thì cái máy này là một thành phần trong hệ thống mạng. Thì liệu mình có biết được là cái máy này có đang phát tán cái mã độc nào hay là đang bị những cái máy đã bị nhiễm virus ở trong hệ thống này xâm nhập hay không? Đây cũng là một thách thức.
“Vậy ngoài biện pháp công nghệ ra, thì con người và quy trình cũng phải đảm bảo. Ví dụ như, mình lên các ngân hàng chẳng hạn sẽ thấy thường họ tách bạch ra, ví dụ hệ thống wifi dùng riêng cho khách hàng, hệ thống wifi dành riêng cho nhân viên nội bộ… Đấy là biện pháp để giải quyết bài toán liên quan đến thiết bị cá nhân” - ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết.
Cùng với việc nâng cao nhận thức để người sử dụng không dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân, không kết nối Internet khi không biết hệ thống wifi có an toàn hay không… Việc tạo dựng niềm tin cho khách hàng tham gia thanh toán trực tuyến cũng là vấn đề cần được quan tâm. Ví dụ các sàn giao dịch thương mại điện tử muốn khuyến khích khách hàng thanh toán trực tuyến có thể sử dụng các phương thức thanh toán tạm giữ, cam kết hoàn tiền… nếu khách hàng nhận được không đúng như mô tả.
Để hưởng ứng Ngày không tiền mặt 16/6, các ngân hàng thương mại cùng hàng loạt website thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, các đơn vị trung gian thanh toán... đang tổ chức nhiều chương trình khuyến mại như thanh toán bằng thẻ ngân hàng./.