Ngày làm việc đầu tiên ở các địa phương mới sáp nhập: Nghiêm túc và hiệu quả

Theo ghi nhận của phóng viên, không khí ngày làm việc đầu tiên tại các đơn vị hành chính mới sáp nhập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa diễn ra nghiêm túc, hiệu quả, đặc biệt là tại bộ phận tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính.

Công sở làm việc của thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).

Thực hiện Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 ngày 16-10-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong những ngày qua, tại các địa phương có đơn vị hành chính cấp xã phải sáp nhập đã tiến hành công bố thành lập đảng bộ và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-12-2019. Đồng thời, tiến hành kỳ họp HĐND lần thứ nhất bầu các chức danh HĐND,UBND theo quy định tại Điều 83 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Sau khi bầu xong các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, ngày 2-12-2019, các xã, phường, thị trấn mới trên địa bàn tỉnh bắt đầu làm việc. Theo ghi nhận của phóng viên, không khí ngày làm việc đầu tiên tại các đơn vị hành chính mới nghiêm túc, hiệu quả, đặc biệt là tại bộ phận tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính.

UBND xã Long Anh (TP Thanh Hóa) họp triển khai công việc trong ngày làm việc đầu tiên sau khi sáp nhập.

Xã Long Anh (TP Thanh Hóa) được thành lập trên cơ sở sáp nhập 2 xã Hoằng Anh và Hoằng Long. Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, dân chủ, công khai, xã Long Anh đã tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND xã, nhiệm kỳ 2016-2021. Tại kỳ họp trên, các đại biểu HĐND xã đã tiến hành bầu các chức danh: Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND xã; Trưởng, Phó ban Kinh tế và ban Pháp chế HĐND xã; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã và thành viên UBND xã. Đúng 7 giờ 30 phút sáng 2-12-2019, chúng tôi có mặt tại xã Long Anh, tất cả cán bộ, công chức đã đến công sở làm việc đông đủ. Cùng với không khí làm việc nghiêm túc là những lời chào, những cái bắt tay thắm tình đồng chí giữa cán bộ, công chức của 2 địa phương cũ, dưới “mái nhà chung” xã Long Anh. Có những đồng chí vốn đã quen người, biết tên và có những cán bộ, công chức giờ mới gặp lần đầu, nhưng trên tất cả là tinh thần đoàn kết, thân thiện vì dân phục vụ. Trước khi vào làm việc chuyên môn, UBND xã Long Anh tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ đến cán bộ, công chức, cũng như những công việc trọng tâm, cần làm trong ngày đầu tiên sáp nhập. Chủ tịch UBND xã Long Anh, Lê Văn Cường chủ trì cuộc họp đã quán triệt: “Quán triệt đến cán bộ, công chức không phân biệt cũ, mới, mà cần phát huy tinh thần đoàn kết đồng chí, giúp đỡ nhau trong công việc”. Trong ngày làm việc đầu tiên sau khi sáp nhập, chính quyền xã ưu tiên giải quyết mọi thủ tục hành chính của các tổ chức, công dân. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để hoàn thành thủ tục, hồ sơ bàn giao, tiếp nhận địa phương cũ và thông qua nội quy, quy chế cơ quan để cán bộ, công chức khi mới sáp nhập về nắm được. Đối với công tác bố trí, sắp xếp công việc của đội ngũ cán bộ, công chức, đảng ủy, UBND xã Long Anh thống vẫn được giữ nguyên các bộ phận chuyên môn của 2 địa phương cũ để ổn định bộ máy và sự thuận lợi trong thực nhiệm vụ được giao.

Công chức bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Thực hiện Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 ngày 16-10-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xã Hoằng Đức sáp nhập với xã Hoằng Minh, lấy tên gọi chung là xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa); công sở làm việc đặt tại xã Hoằng Minh. Ngay trong buổi sáng ngày làm việc đầu tiên, tất cả cán bộ, công chức, viên chức xã Hoằng Đức cũ đã có mặt đúng và trước giờ làm việc tại công sở mới với khí thế háo hức, phấn khởi. Anh Lê Tuấn Sơn, cán bộ văn phòng cho biết: “Hôm nay là ngày làm việc đầu tiên tại trụ sở mới, tôi đến từ rất sớm, trước giờ làm việc để chuẩn bị. Công việc của tôi là giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Do sáp nhập nên toàn bộ công dân của xã Hoằng Minh cũ tôi chưa biết. Vì thế, trước khi giải quyết thủ tục cho người dân, tôi giới thiệu tên mình, hỏi tên và địa chỉ của công dân để làm quen. Đồng thời, tôi lấy phiếu khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của công dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước sau sáp nhập để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân”.

Để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân, đúng giờ làm việc buổi sáng, bộ phận “một cửa” đã có mặt đầy đủ để tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính. Bác Đỗ Đình Hải, thôn Phúc Thọ, xã Hoằng Đức vừa làm xong thủ tục cấp bản sao trích lục khai sinh, cho biết: “Dù tôi phải đi xa hơn để giải quyết thủ tục hành chính nhưng tôi được hướng dẫn tận tình, hồ sơ giải quyết nhanh, không phải chờ đợi lâu. Tôi hài lòng với tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ, công chức ở đây”.

Thăm quan một vòng các phòng làm việc và trao đổi với đồng chí Lê Trung Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Đức, chúng tôi được biết, ngày đi làm đầu tiên sau sáp nhập, các bộ phận đều vào vị trí làm việc với tinh thần nghiêm túc. Trừ một số người nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định số 108/NĐ-CP của Chính phủ, toàn bộ cán bộ, công chức đều giữ nguyên, ai làm việc chuyên môn của người đó, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc. Mọi tổ chức, cá nhân đến giao dịch đều được tiếp đón chu đáo. Chiều cùng ngày, Ban Thường vụ Đảng ủy xã sẽ họp để triển khai một số nội dung quan trọng cho thời gian tới.

Thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của 2 xã Quảng Phong và Quảng Tân. Ngay trong sáng 2-12, tất cả cán bộ, công chức, viên chức đã có mặt đầy đủ, đúng giờ quy định để bắt đầu một ngày làm việc mới. Ban Thường vụ Đảng ủy thị trấn Tân Phong đã họp giao ban, chuẩn bị các nội dung cho việc bàn giao, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu, công việc theo đúng tiến độ; rà soát lại toàn bộ danh sách cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để sắp xếp công việc cho phù hợp. Các bộ phận chuyên môn khác cũng bắt tay vào thực hiện phần việc của mình. Đồng chí Phạm Thị Mai, Bí thư Đảng ủy thị trấn Tân Phong, cho biết: “Ngày đầu tiên đi làm sau sáp nhập, chúng tôi đã thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, quán triệt cán bộ, công chức, viên chức chấp hành nghiêm nội quy, giờ giấc làm việc, nêu cao tinh thần, trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. Ngay trong buổi sáng, Chủ tịch UBND thị trấn Tân Phong cũng đã tổ chức họp giao ban để giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận chuyên môn. Quan điểm của cán bộ, công chức, viên chức thị trấn Tân Phong là mọi công việc phải được giải quyết thật hiệu quả. Đặc biệt, những việc liên quan trực tiếp đến người dân phải ưu tiên giải quyết trước với mong muốn mọi người dân đều hài lòng.

Giống với nhiều địa phương khác trong tỉnh, huyện vùng cao Thường Xuân đã tiến hành nhập toàn bộ 46,76 km2 diện tích tự nhiên, 3.667 người của xã Xuân Cẩm vào thị trấn Thường Xuân. Sau khi nhập, thị trấn Thường Xuân mới có 49,53 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 9.330 người. Ngay trong buổi làm việc đầu tiên, cán bộ, công chức thị trấn thực hiện nghi lễ chào cờ. Sau đó, đảng ủy, UBND thị trấn tổ chức hội nghị giao ban để bàn bạc, thống nhất việc thực hiện tổng hợp, kiểm kê tài chính, hồ sơ và cơ sở vật chất của 2 địa phương cũ, cũng như sắp xếp, bố trí nơi làm việc cho cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, thị trấn đã bố trí cán bộ tiếp dân và thực hiện việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân. Đồng chí Lương Văn Long, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: “Việc sáp nhập xã Xuân Cẩm về thị trấn Thường Xuân được cán bộ, đảng viên và nhân dân thống nhất, ủng hộ cao, vì mục tiêu phát triển chung của địa phương”.

Thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14 ngày 16-10-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thanh Hóa, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 234/KH-UBND về việc triển khai thực hiện. Theo đó, yêu cầu đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy trong hệ thống chính trị ở các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp; không làm xáo trộn đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân và sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Đồng thời thực hiện công tác bàn giao, tiếp nhận nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số và toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan của các cơ quan, đơn vị ở các đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp về đơn vị hành chính mới; đảm bảo đúng quy định của pháp luật; chặt chẽ, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm. Trong giai đoạn này, các cấp ủy, chính quyền tại các đơn vị hành chính cấp xã mới sắp xếp, sáp nhập cần tập trung cao công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ổn định tình cơ sở, đồng thời tổ chức thực hiện tốt các hoạt động, bảo đảm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2019, triển khai kịp thời các nhiệm vụ công tác năm 2020, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo Nghị quyết số 786/NQ-UBTVQH14, tỉnh Thanh Hóa tiến hành sắp xếp 143 đơn vị hành chính cấp xã thành 67 đơn vị và thành lập thị trấn Nưa trên cơ sở nguyên trạng xã Tân Ninh (huyện Triệu Sơn), giảm 76 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 11,9% đơn vị), trong đó, các địa phương có số đơn vị hành chính cấp xã giảm nhiều là các huyện Thọ Xuân (giảm 11 đơn vị), Hoằng Hóa (giảm 6 đơn vị), Hà Trung (giảm 5 đơn vị),....

Trần Thanh – Thu Vui

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/ngay-lam-viec-dau-tien-o-cac-dia-phuong-moi-sap-nhap-nghiem-tuc-va-hieu-qua/111183.htm