Ngày làm việc thứ 2, kì họp thứ 13, HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII: Thảo luận nhiều nội dung quan trọng về phát triển KT-XH của tỉnh

Tiếp tục chương trình kì họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa VII, hôm nay 5.12.2019, dưới sự chủ trì của UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng và các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu tiến hành thảo luận nhiều nội dung quan trọng về phát triển KT-XH của tỉnh.

> Một số đề xuất của đại biểu HĐND tỉnh Quảng Trị tại kì họp thứ 13

Hình ảnh một số đại biểu tham gia thảo luận:

 Bí thư Tỉnh ủy , Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng chủ trì thảo luận- Ảnh: Thành Dũng

Bí thư Tỉnh ủy , Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng chủ trì thảo luận- Ảnh: Thành Dũng

 Đại biểu Phạm Ngọc Minh, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng- Ảnh: Thành Dũng

Đại biểu Phạm Ngọc Minh, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng- Ảnh: Thành Dũng

 Đại biểu Phan Ngọc Tư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh- Ảnh: Thành Dũng

Đại biểu Phan Ngọc Tư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh- Ảnh: Thành Dũng

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Trần Huy đã báo cáo giám sát các chính sách do HĐND tỉnh ban hành liên quan đến vấn đề đất đai, tài nguyên, khoáng sản; chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp giai đoạn 2018 - 2021; chính sách khuyến công và công tác quản lí nhà nước đối với chế biến gỗ, gỗ dăm trên địa bàn tỉnh.

Ngay sau khi HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết, UBND tỉnh đã kịp thời giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và các cơ quan chuyên môn liên quan tham mưu xây dựng và ban hành quyết định, kế hoạch triển khai thực hiện. Căn cứ các quyết định, kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ngành địa phương đã chủ động xây dựng đề xuất nội dung, lựa chọn mô hình, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nên đem lại hiệu quả cao. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số vấn đề hạn chế như: 99 dự án với tổng diện tích hơn 3.900 ha chưa thực hiện; 169 dự án sử dụng đất có thiếu sót, tồn tại, vi phạm pháp luật đất đai như không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích hoặc chậm tiến độ.

Dành nhiều thời gian để thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu tham dự đã có nhiều ý kiến rất tâm huyết, trách nhiệm, sâu sát với tình hình phát triển KT-XH, QP-AN của tỉnh.

Đại biểu Đào Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy Cam Lộ cho rằng thời gian tới cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đẩy mạnh cải cách hành chính, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư, tăng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, thực hiện giao chỉ tiêu, giao việc bằng cam kết kết quả thực hiện cuối cùng; rà soát các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển, có sự phân công trách nhiệm thực hiện và trách nhiệm về ngân sách, tránh tình trạng dưới chờ ngân sách trên; xử lí hiệu quả các điểm yếu kém ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Năm 2020 cần tập trung để tạo đà bứt phá cho thời kì phát triển mới, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp (công nghiệp điện năng lượng, công nghiệp chế biến nông sản, may mặc, phân bón và máy móc nông nghiệp).

Trong phát triển dịch vụ, du lịch cần xác định rõ sản phẩm du lịch - dịch vụ riêng có, hấp dẫn để cạnh tranh, đưa vào quảng bá, thu hút khách du lịch. Cùng với đó, xác định rõ chủ trương thúc đẩy và trách nhiệm vụ thể của từng cấp, ngành trong mối liên kết vùng.

Về nông nghiệp, cần tập trung hơn nữa cho khâu quản trị sản xuất, là nội dung cốt lõi của tái cơ cấu thay vì quá nặng việc chuyển giao kĩ thuật. Tập trung cho sản phẩm chủ lực có giá trị gia tăng cao, sản phẩm có thị trường tốt nhờ tính đặc thù, sản phẩm OCOP…

Các đại biểu HĐND tỉnh: Phạm Ngọc Minh, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng; Phan Ngọc Tư, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Linh; Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đặt ra những vấn đề cần quan tâm trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh như: Việc xây dựng các lộ trình tiếp theo cho những huyện về đích nông thôn mới như thế nào; việc thực hiện tiêu chí trường THPT đạt chuẩn quốc gia để xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới còn khó khăn, đề nghị các địa phương cần quan tâm đầu tư về hệ thống cơ sở vật chất đạt chuẩn. Đối với huyện Vĩnh Linh do có 2 xã miền núi rất khó khăn về cơ sở hạ tầng, điều kiện sản xuất cũng như đời sống của người dân nên rất cần sự hỗ trợ của tỉnh.

Những vấn đề các đại biểu quan tâm về Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương được Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe giải trình cụ thể. Sau khi huyện Cam Lộ đạt chuẩn NTM, theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và PTNT thì lộ trình tiếp theo là các huyện Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng có điều kiện để hoàn thành xây dựng NTM hơn nên cần có sự tập trung chỉ đạo của tỉnh, sự đầu tư tập trung nguồn vốn và giải pháp huy động sức dân tham gia xây dựng.

Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương trên tập trung các nguồn lực đầu tư để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, phấn đấu xây dựng các huyện này đạt chuẩn trong thời gian sớm nhất.

Cũng liên quan đến vấn đề xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng báo cáo những kết quả quan trọng trong quá trình xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT. Theo đó, sự phát triển kinh tế ngành nông nghiệp vừa tạo ra sự đa dạng các sản phẩm vừa chú trọng đi vào chiều sâu để nâng cao giá trị gia tăng như chương trình phát triển rừng gỗ lớn FSC, chương trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản…

Bên cạnh việc ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông nghiệp, tỉnh cũng ban hành các quy định hạn chế các ngành chế biến nông, lâm, thủy sản mang tính ngắn hạn như không cho cấp phép thêm các cơ sở chế biến gỗ dăm. Tuy nhiên, sự nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả cao, bảo vệ môi trường, tạo sản phẩm sạch còn chưa nhiều, chưa tạo ra được sản phẩm hàng hóa lớn. Vì thế, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng như các địa phương cần quan tâm chỉ đạo để kết quả tốt đẹp của các mô hình sản xuất phải được nhân rộng.

Giải thích về một số chỉ tiêu phát triển kinh tế, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Huy cho rằng, việc đề ra chỉ tiêu GRDP trên 8,5% là chỉ tiêu bắt buộc. Bởi nếu tỉnh không phấn đấu đạt chỉ tiêu đó thì ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch, mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra cho cả nhiệm kì 2015- 2020 là trên 7,5- 8%. Giải pháp để đạt mục tiêu này có nhiều hướng, thứ nhất là về khu vực nông, lâm nghiệp tăng 4,5%, không phát triển phân tán mà đi vào mô hình có hiệu quả để nhân rộng. Đến nay, có hơn 16 mô hình mới, 40 sản phẩm OCOP, trong đó có 20 sản phẩm đã được công nhận và được thị trường tiêu thụ tốt.

Trong nông nghiệp, ngoài sản phẩm OCOP có các mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn cho hiệu quả cao. Lâm nghiệp sản xuất rừng gỗ lớn phát huy tốt. Về công nghiệp và xây dựng có hơn 60 dự án có quy mô đang đầu tư xây dựng trên địa bàn, thời gian tới đi vào hoạt động sẽ tạo ra tăng trưởng, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách. Chỉ tiêu dịch vụ tăng 7-7,5% là phù hợp vì nếu tăng thêm thì phải từ dịch vụ thương mại, du lịch chứ dựa vào các dịch vụ từ y tế, giáo dục… thì khó đột phá.

Chủ tịch UBMTTQVN huyện Triệu Phong Trần Việt Dũng, đại biểu HĐND tỉnh đơn vị huyện Triệu Phong, cho rằng trong phát triển kinh tế tỉnh đã có nhiều chủ trương giải pháp nhưng cần lưu ý và tập trung chỉ đạo các giải pháp thu ngân sách, nhất là đối với các dự án thu hút đầu tư để tránh tình trạng doanh nghiệp sản xuất, tạo ra giá trị gia tăng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhưng lại nộp ngân sách cho tỉnh khác.

Việc thu hút đầu tư trên địa bàn cũng cần có đánh giá tác động môi trường. Vấn đề thu hút đầu tư cần quan tâm đẩy mạnh nhưng không phải thu hút bằng mọi giá mà cần tính toán kĩ sự tác động môi trường cũng như những đóng góp cho ngân sách tỉnh và giải quyết việc làm mà dự án đó mang lại.

Về vấn đề nhiều dự án được cấp phép đầu tư nhưng không thực hiện, có dự án đã hơn 5 năm như dự án xây dựng cụm công nghiệp Đông Gio Linh của Công ty TNHH Hoàng Khang với diện tích 50 ha đã hơn 5 năm vẫn không thực hiện, tỉnh cho phép gia hạn nhiều lần nhưng khả năng khởi động là rất khó. Vì thế, đại biểu Nguyễn Thiên Bình, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Gio Linh cho rằng nên kiên quyết xử lí dứt điểm dự án này để có hướng đầu tư mới, tạo điều kiện cho các làng nghề, cơ sở sản xuất trên địa bàn vùng Đông Gio Linh có mặt bằng sản xuất với đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng và xử lí môi trường.

Về vấn đề quản lí đất của các dự án đã được giao đất, cho thuê đất, báo cáo giám sát của HĐND tỉnh nêu rõ: Từ năm 2013 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 114 quyết định thu hồi đất và tiến hành giao đất cho 279 dự án, cho thuê đất 271 dự án. HĐND tỉnh đã ban hành 6 nghị quyết tổng thể chấp thuận thu hồi đất của 913 dự án.

Nhiều dự án không đủ năng lực thực hiện như các dự án cây xăng của công ty xăng dầu; dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt của Công ty Cổ phần Bình Hà; Khu Chăn nuôi công nghệ cao của Công ty ISEFOOD của Nhật Bản; Cụm công nghiệp Đông Gio Linh của Công ty TNHH Hoàng Khang…Các dự án đã hoàn thành thủ tục thuê đất, có dự án gia hạn nhiều lần…

Đến tháng 7/2019, có 169 dự án sử dụng đất có thiếu sót, tồn tại, vi phạm pháp luật đất đai với diện tích gần 37 triệu m2 với các hình thức sai phạm như: Không sử dụng đất, chậm tiến độ sử dụng đất, sử dụng đất không hiệu quả, lấn chiếm đất, sử dụng đất không đúng mục đích. UBND tỉnh đã thu hồi 76 dự án, cho phép gia hạn 20 dự án, có 50 dự án khắc phục các thiếu sót, tồn tại…

Ngày mai 6.12.2019, kì họp thứ 13, HĐND tỉnh tiếp tục ngày làm việc cuối cùng. Báo Quảng Trị Online sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.

Thái Hòa- Nhơn Bốn

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=144398