Ngày làm việc thứ ba kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh khóa XI: Giải quyết nhiều vấn đề còn vướng mắc

Sáng 10-12, kỳ họp thứ 16 HĐND tỉnh, khóa XI (nhiệm kỳ 2016-2021) tiếp tục phiên làm việc với nội dung báo cáo kết quả thảo luận tổ; các đại biểu thảo luận chung tại hội trường và lãnh đạo một số sở, ngành giải đáp những vấn đề còn tồn tại.

Có 126 lượt ý kiến tham gia thảo luận

Tại kỳ họp, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh Vũ Tiến Anh thông tin: Sau phiên thảo luận tổ đã có 126 lượt ý kiến tham gia với nhiều vấn đề được đại biểu của 5 tổ quan tâm. Hầu hết các ý kiến xoay quanh một số nội dung về: quản lý bảo vệ rừng, tình hình nợ thuế, môi trường đầu tư cho doanh nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, xây dựng nông thôn mới, tài nguyên, môi trường… Các đại biểu cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tỉnh ta đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển, an ninh-chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đóng góp về những vướng mắc, tồn tại trong năm qua.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường. Ảnh: Đức Thụy

Lĩnh vực nông nghiệp nhận được nhiều ý kiến, kiến nghị tại phần thảo luận. Một số đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai gây ra theo đúng quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về thực hiện hỗ trợ kịp thời, trực tiếp bằng tiền hoặc bằng giống cây, gia súc, gia cầm, hiện vật theo nhu cầu hỗ trợ của người dân. Việc phát triển rau, củ, quả có Nghị quyết Tỉnh ủy ban hành nhưng trong báo cáo UBND tỉnh chưa thể hiện đầy đủ chiến lược về vấn đề này, nhất là chính sách thu hút doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra cho người dân sản xuất rau, củ, quả. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng: Việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP chỉ mới thực hiện chính sách hỗ trợ khoán bảo vệ rừng. Các chính sách còn lại như: Khoanh nuôi tái sinh có trồng rừng bổ sung; hỗ trợ trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ; hỗ trợ trồng rừng phòng hộ; trợ cấp gạo trồng rừng thay thế nương rẫy; chính sách tín dụng trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện…

Nhiều đại biểu nhận định, hiện nay một số dự án trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư, xây dựng như: Nhà ở xã hội; khu xử lý tái chế rác thải; khu hỏa tang… Do đó đề nghị UBND tỉnh quan tâm, đẩy mạnh việc quy hoạch và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công dự án khu công nghiệp Nam Pleiku để sớm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư trong tỉnh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Theo một số đại biểu, các địa phương khi triển khai thực hiện chương trình kiên cố hóa giao thông cần lựa chọn loại kết cấu áo đường cho phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất và nhu cầu sử dụng của từng địa phương; vận động người dân xây dựng hệ thống thoát nước, hệ thống cọc tiêu, biển báo và thường xuyên duy tu bảo dưỡng để tăng tuổi thọ của công trình…

Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được nhiều đại biểu đề cập. Theo đó, đa số các ý kiến tập trung đề nghị tỉnh có giải pháp quyệt liệt, xây dựng chương trình hành động về phòng, chống tội phạm ma túy đang có dấu hiệu xâm nhập vào trường học, các khu vực đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Song song với đó, hiện nay tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người đồng bào DTTS để lừa ký chuyển nhượng giấy CNQSDĐ cho các đối tượng lừa đảo đã xuất hiện ở một số địa phương...

Đề xuất nhiều giải pháp thiết thực

 Ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phát biểu thảo luận. Ảnh: Đức Thụy

Ông Phạm Duy Du-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh phát biểu thảo luận. Ảnh: Đức Thụy

Tiếp tục phiên thảo luận chung tại hội trường, nhiều nội dung quan trọng cũng được các đại biểu làm rõ và quan tâm nêu ý kiến, kiến nghị. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 12.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng (CNQSD) đất còn tồn đọng, chưa giao cho chủ sử dụng đất, tập trung chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số do không có tiền nộp các khoản nghĩa vụ của chủ đất. Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phạm Duy Du, nêu rõ: Tính đến 31-12-2019, toàn tỉnh cấp giấy CNQSD đất đạt 96%. Nguyên nhân tồn đọng có nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan, trong đó việc tuyên truyền của các địa phương còn hạn chế. Thời gian tới, Sở sẽ phối với với các địa phương tiếp tục rà soát phân loại hồ sơ xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng này. Đối với các hồ sơ đủ điều kiện thì tuyên truyền người dân đến nhận, còn những hồ sơ không đủ điều kiện, sở sẽ cùng với các bên liên quan tìm hướng giải quyết phù hợp. Bên cạnh đó, ông Du thông tin thêm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành chức năng chuyển Văn phòng Đăng ký đất đai về cấp huyện quản lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cấp huyện trong việc cấp giấy CNQSD đất và giải quyết tranh chấp đất đai của địa phương.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trương Văn Đạt đề nghị: Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đấy đai phối hợp với địa phương nhanh chóng xử lý tình trạng tồn đọng giấy CNQSD đất trong thời gian tới. Trong thời gian chờ các cấp có thẩm quyền phê duyệt chuyển Văn phòng Đăng ký đấy đai về các huyện quản lý, Sở Tài nguyên và Môi trường cần chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đấy đai thực hiện tốt công tác phối hợp với địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

 Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phát biểu thảo luận. Ảnh: Đức Thụy

Ông Nguyễn Văn Hoan-Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phát biểu thảo luận. Ảnh: Đức Thụy

Vấn đề xin chủ trương chuyển đổi hơn 4,7 nghìn ha rừng nghèo địa phận xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) để đảm bảo tiến hành giai đoạn 3 của Dự án Công trình thủy lợi Ia Mơr là sắp xếp, ổn định dân cư vùng biên giới và hệ thống kênh, vùng tưới cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Làm rõ vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hoan, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết: UBND tỉnh đã thành lập Hội đồng thẩm định theo Quyết định số 528/QĐ-UBND về việc giao Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở ngành liên quan và chính quyền địa phương tổ chức thẩm định hồ sơ theo quy định tại Nghị định số 83/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, Hội đồng thẩm định do Giám đốc sở nông nghiệp làm chủ tịch đã báo cáo kết quả lên UBND tỉnh để trình Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội xin quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Bên cạnh đó, ông Hoan cũng trả lời ý kiến của các đại biểu về các chính sách thu hút doanh nghiệp để hỗ trợ đầu ra cho người dân sản xuất rau, củ, quả. Trong năm 2020, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai nhiều giải pháp phát triển rau, hoa, quả theo hướng bền vững, trong đó tập trung hướng dẫn các địa phương phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… gắn với doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu. Điển hình như Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Công ty Cổ phần Nafoods Tây Nguyên, Công ty Hoàng Anh Gia Lai với diện tích cây ăn quả tăng từ 11.749 ha năm 2019 lên 18.188 ha trong năm nay. Theo định hướng đến năm 2025, Gia Lai sẽ phát triển 100.000 ha cây ăn quà và trở thành trung tâm cây ăn quả của cả nước; phát triển hình thành vùng rau lớn của cả nước, sản xuất theo tiêu chuẩn sạch và gắn với thị trưởng tiêu thụ có sự tham gia đầu chuỗi của các doanh nghiệp như (Công ty DOVECO Gia Lai, Tập đoàn Lộc Trời…)

Ngoài ra, lãnh đạo Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương cũng đã trả lời, giải đáp nhiều thắc mắc của các đại biểu liên quan đến vấn đề thu hút đầu tư, tiến độ xây dựng Khu công nghiệp Nam Pleiku, tỉnh trạng phát triển điện năng lượng mặt trời và hướng xử lý pin năng lượng sau khi hết hạn sử dụng,…

Chiều nay (10-12), kỳ họp sẽ bước vào buổi làm việc cuối với các nội dung: các đại biểu tiếp tục thảo luận chung tại Hội trường và thực hiện chất vấn, trả lời chất vấn, thông qua nghị quyết và tiến hành bế mạc.

Gia Lai Điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc nội dung kỳ họp.

DUNG TẤN

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/8301/202012/ngay-lam-viec-thu-ba-ky-hop-thu-16-hdnd-tinh-khoa-xi-giai-quyet-nhieu-van-de-con-vuong-mac-5713766/