Ngày này năm xưa: Ám ảnh trận sóng thần tàn phá hàng loạt

Ngày 26/12/2004, trận động đất mạnh nhất thế giới trong vòng 40 năm xảy ra ở dưới biển, ngoài khơi đảo Sumatra, Indonesia và tạo ra những bức tường nước khổng lồ ập vào bờ biển của một loạt quốc gia.

Nó đã tạo ra một trận sóng thần chết người, cướp đi mạng sống của khoảng 230.000 người và gây cảnh tàn phá kinh hoàng trên diện rộng, suốt từ Somalia ở phía đông châu Phi tới Sumatra ở Đông Nam Á.

Theo cộng đồng khoa học, trong khi phần lớn các trận động đất chỉ kéo dài vài giây, thì trận động đất Sumatra-Andaman kéo dài gần 10 phút, gây ra các trận động đất khác ở xa tận Alaska và khiến toàn trái đất dịch chuyển ít nhất vài centimet, theo History.

Tâm chấn động đất nằm cách Sumatra khoảng 160km, ở phần cuối phía tây của khu vực được biết tới với tên gọi Vành đai lửa (nơi thường có các hoạt động địa chấn dày đặc). Khu vực này cũng là nơi hứng chịu hơn 80% các trận động đất lớn trên thế giới. Kể từ năm 1990, khi việc đo đạc chính xác bắt đầu được thực hiên, chỉ có 3 hoặc 4 trận động đất mới có thể sánh được với sức mạnh của những lần địa chấn xảy ra ở Sumatra-Andaman.

Ước tính, trận động đất trên đã khiến thềm biển của Ấn Độ Dương dâng cao khoảng 3m, làm một khối lượng nước cực lớn bị dịch chuyển. Kết quả là một trận sóng thần khủng khiếp ập vào các bờ biển ở Ấn Độ Dương, tấn công Somalia, Indonesia, Sri Lanka, nam Ấn Độ, Thái Lan và gây ngập một loạt đảo, gồm cả Maldives.

Ở các vùng nước sâu, các đợt sóng thần hầu như không thể nhận biết được và nó thường vô hại, song ở các vùng nước nông, gần bờ biển, sóng thần thường di chuyển chậm lại và tạo ra những đợt sóng hủy diệt cực lớn.

Dù các nhà khoa học đã thông báo về trận động đất khoảng 15 phút trước khi nó xảy ra, nhưng không có hệ thống cảnh báo sóng thần nào được lắp đặt ở Ấn Độ Dương, vốn dùng để theo dấu những trận sóng thần có thể xảy ra.

Một hệ thống cảnh báo được thiết lập ở Thái Bình Dương, nơi hầu hết các trận sóng thần xảy ra, hồi giữa những năm 1950 đã chứng tỏ sự hiệu quả trong việc giảm thiểu thương vong do sóng thần gây ra. Tuy nhiên, việc thiết lập hệ thống cảnh báo là rất khó cũng như tốn kém. Vì vậy, hệ thống này chưa được lắp đặt ở Ấn Độ Dương, khu vực khá nghèo trên thế giới.

Trong vòng 30 phút, sóng thần ập vào Sumatra và trong vòng 2h, nó tấn công bờ biển của Thái Lan, Sri Lanka, nam Ấn Độ. Dù có khoảng cách về thời gian, nhưng hầu hết các nạn nhân đều không biết sóng thần đang chuẩn bị ập tới.

Các báo cáo ban đầu đánh giá không đúng con số thương vong do sóng thần gây ra. Mọi việc trở nên rõ ràng hơn vài ngày sau đó. Sóng thần đã gây ra một thảm họa khủng khiếp chưa từng có, ước tính 230.000 người chết, hơn một triệu người mất nhà cửa.

Hàng nghìn người, hầu hết bị cuốn ra ngoài biển, không bao giờ được tìm thấy. Theo các báo cáo, 1/3 số nạn nhân là trẻ em, số người chết là nữ cũng nhiều hơn nam vì thời điểm sóng thần xảy ra, nam giới hầu hết đang làm việc ở vùng nước sâu - nơi được coi là khá an toàn. Ngoài người dân bản địa, khoảng 9.000 người, chủ yếu là người châu Âu, đã thiệt mạng khi đi nghỉ mát tại khu vực bị sóng thần tấn công.

Dù không nhận được cảnh báo chính thức của chính phủ về thảm họa sắp ập tới, một số cộng đồng có thể đọc được những dấu hiệu của thiên nhiên và đi sơ tán. Ở đảo Simeulue, nơi từng bị sóng thần tấn công, người dân đã nhận biết được những dấu hiệu nguy cơ sóng thần sau khi động đất xảy ra. Họ đã di chuyển tới vùng đất cao và sống sót.

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/ho-so/ngay-nay-nam-xua-am-anh-tran-song-than-tan-pha-hang-loat-496672.html