Ngày Quốc khánh đầu tiên tại Sài Gòn và công tác trị an cho Lễ Độc lập

Chào mừng ngày Quốc khánh đầu tiên của dân tộc, tại Sài Gòn, buổi lễ mít-tinh và biểu tình được tổ chức bởi Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ, ứng vào ngày chủ nhật. Lễ đài được dựng trên đường Norodom, tức đường Cộng Hòa phía sau Nhà thờ Đức Bà (nay là đường Lê Duẩn, Q1, TPHCM). Công tác trị an với sự tham gia của Quốc gia Tự vệ cuộc Nam Bộ (công an) được triển khai.

Niềm vui ngày Độc lập

Không khí ngày 2-9-1945 ra sao? Xem Hồi ký 1925 - 1964 của Nguyễn Kỳ Nam, ta như hình dung cận cảnh ngày lịch sử ấy: "Trong thành phố, nhà nhà đều treo đủ 5 sắc cờ, ăn mừng ngày Độc lập"..., "trên các đường phố, hàng ngàn biểu ngữ, đủ màu sắc, với 5 thứ tiếng: Việt, Anh, Nga, Hoa, Pháp nêu những câu: "Độc lập hay là chết", "Đả đảo thực dân Pháp", "Việt Nam độc lập muôn năm"...

Kế hoạch là 2 giờ chiều bắt đầu lễ, ứng với giờ tổ chức Lễ Độc lập ngoài Hà Nội, nhưng không khí náo nức đã diễn ra từ trước đó. Nhà báo Trần Tấn Quốc trực tiếp tham gia ngày trọng đại này, đã ghi lại trong tác phẩm Saigon Septembre 45 những ấn tượng của mình: Ngay từ 9 giờ sáng, nơi đại lộ Cộng Hòa, dân quân từ khắp nơi đã kéo về. "Mới 12 giờ trưa, dưới bóng mặt trời đứng bóng, các đoàn thể dân chúng, các toán dân quân lũ lượt từ trong các trụ sở ở châu thành, từ các vùng ngoại ô kéo về đại lộ Cộng Hòa".

Đồng bào và các lực lượng cách mạng tại lễ mít-tinh ngày 2-9-1945 ở Sài Gòn

Trong Việt Nam máu lửa, Nghiêm Kế Tổ gọi đó là một cuộc mít-tinh vĩ đại, với số lượng tham gia là hàng chục vạn người. Báo Cờ giải phóng số 20 ra ngày 27-9-1945 ghi là 50 vạn, còn Ung Ngọc Ky đưa ra số liệu tới cả triệu người. Quần chúng tham dự đứng hàng dài thành một biển người, với đủ các thành phần, lực lượng khác nhau.

Trong chương trình Lễ Độc lập, theo kế hoạch, đồng bào Sài Gòn và Nam bộ sẽ qua sóng phát thanh nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập từ Hà Nội. Ấy nhưng sự cố diễn ra, như lời Trần Tấn Quốc là không bắt được luồng điện 32 thước từ Hà Nội qua đài Bạch Mai (tên của Đài Tiếng nói Việt Nam lúc ấy đặt tại Bạch Mai).

Lúc ấy, đông đảo nhân viên của Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ có mặt trên lễ đài. Biểu ngữ giăng trước lễ đài bằng tiếng Anh: "Independence or Death" (Độc lập hay là chết). Giờ phút trọng đại lịch sử để nghe tuyên bố của Hồ Chủ tịch về việc khai sinh một nước Việt Nam mới độc lập, tự do từ bản Tuyên ngôn độc lập không thực hiện được. Trước sự chờ đợi của đông đảo đồng bào, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ Trần Văn Giàu đại diện chính quyền bước lên phía trước phát biểu.

Dẫu không chuẩn bị giấy tờ, diễn văn, không biết được nội dung bản Tuyên ngôn độc lập đang vang lên nơi vườn hoa Ba Đình, nhưng là một nhà cách mạng với nhãn quan chính trị tinh nhạy, lý luận sắc bén nên "tuy ứng khẩu (ông không chuẩn bị trước bài phát biểu) nhưng ý tưởng của ông sâu sắc, giọng của ông hùng hồn, bài nói của ông thu hút tâm hồn cả triệu người có mặt trong buổi lễ".

Đồng chí Trần Văn Giàu (bên phải)

Đồng chí Trần Văn Giàu (bên phải)

Sự thu hút ấy bởi nhiều lẽ. Cái giọng diễn thuyết hùng hồn từ tâm thế của một người dân độc lập, một người đại diện chính thể mới; sự thu hút ấy còn ở nội dung súc tích, đủ đầy mà phản ánh được những nét cơ bản của Tuyên ngôn độc lập ngoài Hà Nội như sự đồng thanh tương ứng.

Bài nói ấy khẳng định sự thay đổi vận mệnh quốc gia - dân tộc từ thuộc địa thành độc lập, từ quân chủ sang dân chủ cộng hòa, đồng thời cũng cảnh báo trước những khó khăn với thù trong giặc ngoài đe dọa, khẳng định ý chí quyết tâm "thề cương quyết đứng bên cạnh Chính phủ, chống mọi sự xâm lăng, dầu chết cũng cam lòng"..., "dân tộc Việt Nam chúng tôi có quyền sống độc lập, tự do. Độc lập, tự do của chúng tôi không trái với độc lập, tự do của bất cứ một dân tộc nào khác"...

Theo Saigon Septembre 45, sau lời phát biểu của ông Trần Văn Giàu là lời thề phụng sự Tổ quốc do Nguyễn Lưu đọc, với những cam kết không đi lính, không làm việc, không bán lương thực, không dẫn đường cho Pháp, ủng hộ Chính phủ lâm thời. Tiếp theo là cuộc biểu dương lực lượng của dân quân. Từ đại lộ Cộng Hòa, một tốp di chuyển xuống đường Ba-lê Công xã (đường Catinat, nay là Đồng Khởi), một tốp vào đường Yersin, với những biểu ngữ: "Độc lập hay là chết", "Đả đảo thực dân Pháp"...

Quốc gia Tự vệ cuộc và hoạt động bảo vệ ngày Ðộc lập

Ðể ngày Ðộc lập của dân tộc được diễn ra trọn vẹn, chính quyền đã thực hiện công tác chuẩn bị rất chu đáo. Hoạt động trật tự trị an được lên kế hoạch tối đa, với sự tham gia của các lực lượng vũ trang, gồm: Quốc gia Tự vệ cuộc, dân quân cách mạng, Thanh niên Tiền phong... Trong hồi ký Việt Nam máu lửa, Nghiêm Kế Tổ ghi: "Các đoàn thể đã tề tựu đủ mặt: Thanh niên Tiền phong, Cao Ðài, Hòa Hảo, Ðệ Tứ, Phục quốc, Bình Xuyên"..., "thêm vào những tổ chức đó, còn có cảnh sát súng ống tề chỉnh".

Báo Cờ giải phóng số 20 trong bài Giặc Pháp nấp sau phái bộ Anh để phá rối ở Nam Bộ chỉ rõ, trong ngày 2-9-1945, giữa lúc nhân dân Sài Gòn đang nô nức trong không khí của ngày Lễ Ðộc lập thì sau đó, kiều dân Pháp và tù binh Anh đã có hành động khiêu khích, bắn vào hơn 50 vạn dân chúng đang dự Lễ Ðộc lập.

Trước sự gây hấn vô lý ấy, "Ðoàn tự vệ Việt Nam có trách nhiệm bảo toàn tính mạng cho trên nửa triệu con người tay không, có cả đàn bà, trẻ con và những người già yếu, đã bắt buộc đối phó lại". Kết quả, có 47 người chết và bị thương. Riêng đối với những kẻ gây hấn, Ðoàn tự vệ đã bắt, tống giam 20 tên người Pháp và tống giam, diệt 7 kẻ khiêu khích.

Đại lộ Norodom (đường Lê Duẩn hiện nay) - nơi diễn ra Lễ Độc lập 2-9-1945

Đại lộ Norodom (đường Lê Duẩn hiện nay) - nơi diễn ra Lễ Độc lập 2-9-1945

Báo Cứu quốc số 35 ra ngày 5-9-1945, trong mục "Tin tức" cũng đưa tin về sự vụ này và nói rõ việc gây hấn ấy xuất phát từ Câu lạc bộ Nordom bắn vào đoàn mít-tinh ngày Độc lập: "Đội xung phong của Chính phủ lập tức tiến tới bao vây và bắt được ngót 30 Pháp kiều cùng một số Việt gian".

Đoàn tự vệ Việt Nam hay Đội xung phong được đề cập ở trên chính là lực lượng của Quốc gia Tự vệ cuộc, tức lực lượng công an lúc bấy giờ. Báo Cứu quốc số 35 cho hay, trước đó vào ngày 29-8, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh lâm thời Nam Bộ kiêm Ủy viên quân sự Trần Văn Giàu đã tuyên bố việc liên quan về vũ trang. Trong đó, có nội dung liên quan đến lực lượng công an: "Đổi Ty Công an và Ty Cảnh sát ra thành Quốc gia Tự vệ cuộc".

Sự tồn tại của Quốc gia Tự vệ cuộc được sự xác nhận của nhiều nhân chứng lịch sử lúc bấy giờ. Hồi ký Cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định (1945 - 1954) của Phạm Văn Chiêu (Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chánh tỉnh Gia Định từ tháng 9-1945 đến năm 1952) cho biết, sau Tổng khởi nghĩa, ở cấp xã của tỉnh Gia Định đã có Ủy ban nhân dân xã bên cạnh Ủy ban Việt Minh và Quốc gia Tự vệ cuộc xã.

Qua xem bài Lời khen ngợi Thanh niên Tiền phong trên Báo Điển tín ra ngày 5-9-1945, ta còn được biết, lực lượng Thanh niên Tiền phong cũng tham gia công tác trị an mang tính hỗ trợ: "Giúp việc canh gác công sở nếu cảnh sát và bảo an cần dùng". Và trong ngày 2-9 lịch sử tại đường Norodom, trong ký ức Trường Sơn Chí Ung Ngọc Ky còn nhớ, lực lượng Thanh niên Tiền phong đứng không xa lễ đài bao nhiêu, cũng như tham gia trấn áp kẻ thù khi chúng nổ súng.

Đồng chí Trần Văn Giàu cùng đồng đội, đồng chí

Đồng chí Trần Văn Giàu cùng đồng đội, đồng chí

Ngày Lễ Độc lập còn có lực lượng dân quân cách mạng đông đảo. Theo Báo Cứu quốc số 35, trong ngày 2-9 tại Sài Gòn, lực lượng dân quân cách mạng đã biểu dương lực lượng lúc 9 giờ tại sân Nhà thờ Đức Bà. Dẫu trang bị còn nghèo nàn, nhưng theo Ung Ngọc Ky, "vì đó là lực lượng vũ trang của ta lần đầu tiên xuất hiện" trước công chúng nên thu nhận cái cảm xúc khó tả, "đồng bào ta rất xúc động, phấn khởi và tự hào". Lực lượng dân quân cách mạng ngày hôm ấy được Saigon Septembre 45 cung cấp thông tin theo lời ông Trần Văn Giàu là 4 sư đoàn, một con số rất đáng kể.

Vậy là trong Lễ Độc lập tại Sài Gòn 75 năm trước, lực lượng vũ trang của ta, trong đó có Quốc gia Tự vệ cuộc - Công an Nam Bộ đã kề vai sát cánh cùng chính quyền và nhân dân tổ chức ngày Quốc khánh đầu tiên trong lịch sử dân tộc, góp phần biểu dương lực lượng, sức mạnh quân dân trước kẻ thù.

Trần Đình Ba

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/ngay-quoc-khanh-dau-tien-tai-sai-gon-va-cong-tac-tri-an-cho-le-doc-lap_98094.html