Ngậy thơm cá thính Tử Đà

PTĐT - Bên mâm cơm những ngày giá lạnh cuối năm của nhiều gia đình ở vùng quê trung du Phú Thọ thường xuất hiện món ăn gần gũi, thân thuộc mà đậm đà khó quên, đó là cá thính chua nướng, rán vàng giòn ngậy thơm.

PTĐT - Bên mâm cơm những ngày giá lạnh cuối năm của nhiều gia đình ở vùng quê trung du Phú Thọ thường xuất hiện món ăn gần gũi, thân thuộc mà đậm đà khó quên, đó là cá thính chua nướng, rán vàng giòn ngậy thơm. Xuân này, niềm vui như nhân lên trong lòng mỗi người dân xã Bình Phú, huyện Phù Ninh khi nghề làm cá thính truyền thống sau năm tháng bị mai một nay được khôi phục và mang nhãn hiệu tập thể cá thính Tử Đà, hứa hẹn trở thành sản phẩm đặc sản có giá trị trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập.

Ngày đầu xuân, chúng tôi tìm về xã Bình Phú, ghé thăm cơ sở sản xuất cá thính Phúc Sen ở thôn Răm để được tận mắt chứng kiến những công đoạn chế biến cá kỳ công của người dân nơi đây. Đôi tay thoăn thoắt vào mẻ cá mới, chị Trịnh Thị Sen - chủ cơ sở sản xuất cá thính Phúc Sen chia sẻ: “Để cho ra một mẻ cá thính đúng vị đòi hỏi lắm công phu, tỷ mỉ, trong đó lựa chọn nguyên liệu là khâu quan trọng. Loại cá làm thính ngon thường là cá mè, chim hay trôi nhân được nuôi thả ở đầm tự nhiên, khi mổ phải còn tươi sống thì thịt cá ăn sẽ không bị bở. Tỷ lệ muối dùng ướp cá tùy thuộc vào thời tiết mà có sự điều chỉnh phù hợp. Sau 3 ngày ướp muối, cá được đem trộn bột thính làm từ ngô rang thơm nghiền nhỏ. Từng lớp cá đặt vào chum sành, nhét rơm và mo cau lên trên, rồi đặt úp lên trên một khay nước muối loãng làm sao để không cho cá, rơm bên trong chum bị thấm nước. Đặc biệt, mỗi lớp cá thính thường kèm một lớp lá ổi tươi không chỉ giúp cá nhanh chua mà còn giảm độ tanh, tạo mùi thơm riêng đặc trưng cho cá thính Tử Đà”.

4 năm gần đây, nghề làm cá thính đã mang lại thu nhập chính cho gia đình chị Sen. Trung bình mỗi năm cơ sở sản xuất của chị chế biến khoảng 1,5 tấn cá tươi, trừ chi phí thu lãi hơn 100 triệu đồng. Sản phẩm cá thính Phúc Sen từng tham gia tại gian trưng bày của huyện Phù Ninh dịp Lễ hội Đền Hùng; hội nghị kết nối cung – cầu sản phẩm nông sản tỉnh Phú Thọ năm 2019; hội nghị xúc tiến du lịch và trao giải cuộc thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2019.

Xã Tử Đà cũ (nay sáp nhập với xã Bình Bộ và Vĩnh Phú gọi là xã Bình Phú) có điều kiện thuận lợi phát triển nghề nuôi thủy sản do sở hữu nhiều đầm tự nhiên diện tích rộng hàng chục ha như: Đầm Nợ, đầm Cả, đầm Vang… cùng nhiều ao, hồ. Nghề làm cá thính cũng bắt nguồn từ đó. Theo lời kể của các cụ cao tuổi, vào mùa thu hoạch cá, nhất là vụ đông, cá tươi nhiều bán không hết. Để bảo quản cá trở thành nguồn thực phẩm dự trữ, người dân trong xã đã nghĩ ra cách muối chua cá bằng muối và bột thính. Trước kia, chỉ ít hộ làm nhỏ lẻ chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt gia đình, còn nay, nghề làm cá thính phát triển mở rộng với hơn 50 hộ sản xuất bán ra thị trường. Mặc dù sản phẩm ít được bày bán trong các cửa hàng, cửa hiệu, không biển quảng cáo phô trương, song theo những người làm nghề cá chua, sản xuất đến đâu bán hết đến đó, chủ yếu bán cho các nhà hàng, khách thấy ngon đặt mua làm quà biếu, cứ thế người nọ mách người kia giúp sản phẩm dần tìm được chỗ đứng trong lòng thực khách.

Xuất phát từ chủ trương mỗi xã xây dựng nông thôn mới gắn với sản phẩm đặc thù địa phương nên chính quyền xã đã lựa chọn xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá thính. Bước tiến mới cho đặc sản cá thính Tử Đà là tháng 7-2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020, năm 2019: Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tử Đà” cho các sản phẩm cá thính xã Tử Đà, huyện Phù Ninh. Đó là cơ hội để sản phẩm cá thính khẳng định vị trí trên thị trường, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.Hồng NhungTrình bày: Ngọc Tùng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dat-nguoi-phu-tho/202001/ngay-thom-ca-thinh-tu-da-168675