'Ngày xưa có một chuyện tình' đại diện Việt Nam tranh giải tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII

Thông tin từ Ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII) cho biết, đại diện duy nhất của Việt Nam tranh giải ở hạng mục phim dài là bộ phim 'Ngày xưa có một chuyện tình' của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, dựa trên tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Đây cũng là phim được chọn chiếu khai mạc HANIFF VII.

Chính thức ra mắt tại các rạp chiếu phim toàn quốc từ 01/11, nhưng ngay từ những suất chiếu sớm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã được khán giả nồng nhiệt đón nhận và nhanh chóng tạo viral trên mạng xã hội.

Nhà báo Phong Điệp đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh về bộ phim mới của anh đang thu hút được sự quan tâm của khán giả.

Tận cùng lại là cảm giác rất bình yên...

Bạn có thể chia sẻ đôi chút về ê-kíp làm phim “Ngày xưa có một chuyện tình” - những người đã góp phần tạo nên thành công ngày hôm nay?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh sinh năm 1986 tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh (hiện là Trường đại học Sân khấu-Điện ảnh TP Hồ Chí Minh) anh tiếp tục hoàn thành chương trình thạc sĩ mỹ thuật chuyên ngành sản xuất phim tại Đại học Austin (Mỹ).

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Nhà sản xuất, đạo diễn hình ảnh Nguyễn Trinh Hoan là người đã ấp ủ dự án từ khi sách “Ngày xưa có một chuyện tình” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra đời năm 2016. Anh muốn kể một câu chuyện về tình bạn, tình yêu, về cuộc sống ở vùng quê nhiều năm trước mà anh đã trưởng thành.

Nhà biên kịch, nhà sản xuất Nhi Bùi và biên kịch Đỗ Hoa Trà là người đã tìm ra hướng chuyển thể cho tác phẩm, bảo đảm tinh thần của câu chuyện và góc nhìn trong tác phẩm. Hai cộng sự này cũng đã khéo léo tìm ra các sự kiện để phát triển tâm lý nhân vật đường dây kịch tính.

Nhà sản xuất Phan Gia Nhật Linh có lẽ người tỉnh táo nhất trong ê-kíp. Anh ấy đã giúp bộ phim có được sự chặt chẽ nhưng vẫn hiệu quả về cảm xúc trong quá trình dựng phim. Tôi cũng có dịp được làm với Quyền Ngô, cộng sự dựng phim lâu năm của mình, người đã tìm ra lời giải về dựng phim cho nhiều phân đoạn đòi hỏi nhịp dựng về cảm xúc. Âm nhạc được soạn bởi Phil Chapavich Temnitikul, một nhà soạn nhạc trẻ người Thái Lan với nét nhạc trong sáng, lãng mạn và nhiều dư âm.

Bối cảnh trong phim được dàn dựng công phu. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Bối cảnh trong phim được dàn dựng công phu. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Theo dõi bộ phim có thể nhận thấy sự dụng công, tỉ mỉ của đạo diễn khi làm sống lại bối cảnh, đời sống của vùng thôn quê Việt Nam khi chưa bị làn sóng đô thị hóa ùa vào, mà rất có thể với nhiều người trẻ hôm nay không khỏi thấy lạ lẫm.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Vâng chúng tôi luôn cố gắng tái tạo lại gần nhất không khí, cảm giác của thời gian đã qua, của một thời đại mà chúng ta thương nhớ hoặc với khán giả trẻ là những điều họ chưa từng trải qua.

Trong quá trình chọn cảnh, chúng tôi chọn được những ngôi nhà còn lưu giữ trong nó cả kiến trúc, nước sơn, sàn gạch và cả những vật dụng cũ. Căn nhà giữ nguyên vẹn tinh thần của thời gian như chính cách nó đang được chăm sóc và lưu giữ bởi người lớn tuổi, trong khi những người trẻ đã ở xa nơi đô thị. Bên cạnh đó, tổ thiết kế mỹ thuật còn đi dạo làng xóm các khu vực để xin mua lại, mượn những vật dụng cũ còn sót lại, bao gồm cả chiếc chạn, cái đèn bàn, đồng hồ, bình nước… Đó là một sự kỳ công nho nhỏ nhưng hiệu quả.

Bộ ba Miền-Phúc-Vinh trong phim nhận được nhiều lời khen của khán giả. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Bộ ba Miền-Phúc-Vinh trong phim nhận được nhiều lời khen của khán giả. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Bộ ba Vinh-Miền-Phúc đã thực sự ghi điểm trong lòng khán giả. Trong đó Ngọc Xuân vai Miền là được ví như làn gió mới, mang đến cho người xem nhiều cảm xúc...

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Tôi nhớ lần đầu tiên Ngọc Xuân lên thử vai, cô ấy mặc một chiếc áo màu đỏ để ra vẻ gái quê nhưng chưa ra. Tôi đã buồn cười trước sự “giả hiệu” này. Tuy vậy, phần thử vai vẫn thú vị bởi Xuân cho thấy phản ứng của mình trước tình huống. Những lần sau đó, Xuân không cố gắng tỏ ra mình từ làng quê đến nữa mà cứ từ từ chuyển mình vào nhân vật. Khi những cảm xúc và sự nhạy cảm đã có, Xuân đã dành thời gian để hiểu hơn về cuộc sống ở nông thôn, cách con người nơi đây hòa mình vào khung cảnh, cách tương tác với bạn diễn và cả đạo cụ và cô trở thành Miền.

Giãi bày thông qua tác phẩm

Nhận lời thực hiện bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” khai thác “vũ trụ văn học” của Nguyễn Nhật Ánh bạn có thấy mình bị áp lực hay không?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Thực tình khi đó tôi cảm thấy khá thoải mái. Tuy không nhiều áp lực song tôi vẫn tự đặt cho bản thân mục tiêu phải tái khám phá một câu chuyện tình có mô tuýp không mới, kể nó với tất cả sự lãng mạn, thuần khiết và dữ dội, đẹp và buồn như chính tình yêu. Bên cạnh đó, tôi muốn làm đậm hơn ngôn ngữ điện ảnh, phong cách cá nhân qua bộ phim này. Quá trình làm phim chúng tôi tiếp cận bộ phim bằng tất cả sự chân thành, kỹ lưỡng, có lo lắng, hoang mang trong một vài thời điểm nhưng tận cùng lại là cảm giác rất bình yên.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. (Ảnh: NVCC)

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh và nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. (Ảnh: NVCC)

Vậy trong tác phẩm lần này bạn tự cảm thấy hài lòng nhất ở điểm nào để cho thấy một “bản sắc Trịnh Đình Lê Minh” không thể lẫn với ai khác?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Tôi vẫn thuộc kiểu đạo diễn chú ý vào những chi tiết nhỏ trong cuộc sống mà chúng ta thường bỏ qua, thường bất ngờ và rung cảm bởi những điều thường bỏ lỡ nay bỗng phát hiện, vẫn luôn tò mò và khám phá những điều mình chưa biết. Tôi mong mọi người thấy được sự dữ dội trong sự bình thản, sự êm đềm trong nỗi day dứt.

Bạn từng chia sẻ rằng: “Làm phim cũng như là cách đối diện với nỗi đau của mình và từng ngày được chia sẻ, được chữa lành”...

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Tôi tin rằng nhờ làm phim, tôi tìm ra được chính mình, như một nghệ sĩ và một con người. Có những nỗi niềm chỉ có thể giãi bày thông qua tác phẩm, có những cảm xúc chỉ có thể chia sẻ thông qua hình ảnh trên phim. Tôi xem mỗi bộ phim, khi được bật lên, là cách nhà làm phim đối thoại với khán giả của mình. Khi được đối thoại, cho dù đã không còn ở đây nữa, hay đối diện trực tiếp, nhà làm phim vẫn thực sự thở và sống, dấu vết của họ vẫn ở lại.

Thời gian qua, nhiều người biết đến Trịnh Đình Lê Minh với vai trò là một giảng viên. Vậy có gì khác biệt giữa “Minh làm phim” và “Minh trên bục giảng”?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Tôi thấy mình giống nhau dù là nhà làm phim hay là một giảng viên. Tôi tự cho mình nhiều phần vị tha và nhẫn nại để đi đến tận cùng của bộ phim hay khiến sinh viên của mình vỡ ra vài điều. Tuy nhiên có lẽ cũng có những điểm khác biệt như khi làm phim, tôi hướng vào trong mình để tìm cách kết nối với nhân vật, với bối cảnh, để hiểu và cảm thông, còn khi đi dạy, tôi phải hướng hoàn toàn ra bên ngoài đến với người học.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh hướng dẫn diễn viên thực hiện một phân cảnh trong phim. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh hướng dẫn diễn viên thực hiện một phân cảnh trong phim. (Ảnh: Đoàn làm phim)

Điện ảnh Việt Nam đang xuất hiện một thế hệ làm phim trẻ tài năng và dồi dào năng lượng sáng tạo. Là một gương mặt trong đội ngũ này, tự bạn nhận thấy điểm mạnh nhất và cũng là điểm khác biệt lớn nhất của thế hệ mình với các thế hệ trước?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Tôi nhận thấy thế hệ của mình nằm ở thời điểm giao thoa giữa những giá trị cũ và mới, giữa việc sống trong sự yên bình hay tiếng ồn, giữa việc hướng vào bên trong hay mở ra ngoài bởi đời sống đô thị hay mạng xã hội. Chúng tôi cũng có nhiều sự loay hoay và hoang mang khi sống trong buổi giao thời. Tất cả những trải nghiệm đó có thể làm nên một thế hệ mang được những giá trị cũ đến thời hiện đại bằng góc nhìn và giọng kể của mình. Tựu trung lại, có lẽ chúng tôi chính là những cầu nối…

Các tác phẩm nổi bật của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: "Thưa mẹ con đi" (giải thưởng Phim xuất sắc nhất tại LHP Reeling 2020, Giải khán giả bình chọn tại Toronto Asia Film Festival, Philadelphia Asian American Film Festival 2020), "Bằng chứng vô hình" (giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII). Trịnh Đình Lê Minh còn tham gia giảng dạy, viết sách,...

Phim “Ngày xưa có một chuyện tình” tham gia tranh tài tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII. Nhân đây bạn có thể chia sẻ đánh giá của mình đối với cơ hội của phim Việt Nam trên thị trường quốc tế?

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh: Tôi hy vọng “Ngày xưa có một chuyện tình” sẽ góp phần như là “cửa ngõ” Việt Nam cho những khán giả quốc tế, khiến họ thấy nhiều hơn về một Việt Nam êm đềm của 20, 30 năm trước, khác với sự sôi động của thời đại bây giờ. Và quan trọng, tôi mong một sự kết nối về tình cảm dù ngôn ngữ, văn hóa khác nhau. Sự ảnh hưởng của phim Việt trên thị trường quốc tế hiện còn khiêm tốn. Tôi mong mỏi bằng một cách nào đó, phim Việt sẽ có vị trí ở thị trường quốc tế, trước mắt là ở khu vực Đông Nam Á.

Xin cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!

Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII diễn ra từ ngày 7 đến 11/11/2024. Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sẽ có 42 bộ phim Việt Nam tham gia ở các hạng mục Phim dài dự thi, Phim ngắn dự thi và Phim Việt Nam đương đại.

Phong Điệp

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ngay-xua-co-mot-chuyen-tinh-dai-dien-viet-nam-tranh-giai-tai-lien-hoan-phim-quoc-te-ha-noi-lan-thu-vii-post842626.html