Ngày xưa…giá rét

1.Nằm trong chăn ấm đệm êm bây giờ, đôi khi tai tôi vẫn văng vẳng tiếng gió rít qua khe giại, tiếng lách tách từ đống giấm giữa nhà để chống chọi với những ngày đông giá rét khi xưa.

Củi để đốt sưởi phải là những cây gỗ không có dầu, tương đối chắc mới cháy lâu, than mới đượm và không bị khói. Củi phơi thật khô sau đó xếp vào thùng rác hoặc chỗ cao ráo có mái che để khi cần mang ra dùng, còn hàng ngày chỉ đun rơm rạ, cây ngô hoặc cây muồng (có nơi gọi là điền thanh). Quanh năm trồng cấy trong đồng, ngoài bãi chất đốt hàng ngày không thiếu nhưng riêng củi thì nhà nào cũng dự trữ phòng khi có việc hoặc những hôm giá rét, tết nhất mới đem ra dùng.

Khi quần áo không đủ mặc, chăn không đủ đắp trong những ngày đông tháng giá cách giữ ấm tốt nhất là dùng lửa. Nhiều gia đình đốt đống giấm từ ngày này qua ngày khác để giữ ấm không khí trong nhà. Và để mỗi khi đi làm đồng về sà xuống hơ bàn tay nhăn nheo, tê cứng vào đống lửa xuýt xoa: rét…rét!

Nhiều nhà quây luôn cái ổ rơm bên cạnh chui vào ngủ cho ấm. Ngủ ổ rơm thì nhặm khắp người, lắm khi còn bị bọ mạt cắn dấm rứt cả đêm không ngủ được. Nhưng vì nhà nào cũng đông người, không đủ, thậm chí là không có chăn nên ổ rơm là cách tốt nhất để có giấc ngủ đỡ giá rét. Khi đó, nhà nào có chăn bông, nhất là lõi 5 cân vỏ con công nữa thì oách nhất làng.

Buổi tối, quanh đống lửa mọi người hay nói chuyện công việc đồng áng. Bà tôi hay bấm đốt ngón tay rồi lẩm bẩm mùng bốn ngâm thóc, mùng sáu gieo mạ. Chú tôi gạt than, lôi khoai lang trong gầm giường ra nướng. Rít xong điếu thuốc lào, chủ bảo mai cày nốt ruộng rau xanh. Tôi chẳng bận tâm, cứ ngồi bó gối hau háu nhìn vào đống lửa chờ bao giờ chú bảo chín rồi là cầm que cời bới khoai.

2.Cái rét vẫn tiếp tục theo tôi khi rời quê cùng bố mẹ đến chỗ ở mới để đi học. Thời bao cấp khó khăn, nhà lại đông con nên tấm áo ấm mùa đông cũng phải luân phiên mặc đi mặc lại. Mẹ mua của những người đi Liên Xô về được mấy lạng len đan mỗi đứa một cái áo. Đang tuổi ăn tuổi lớn, chẳng mấy mùa đông mà áo len của mấy anh em lại ngắn cũn cỡn.

“Giải pháp” tối ưu là đổi áo để đứa nào cũng có cái mặc. Cứ đứa lớn chuyển áo cho đứa bé hơn và cuối cùng chỉ đứa lớn nhất không có áo và chiếc áo thừa ra là của đứa bé nhất. Mẹ mua thêm đôi ba lạng len, dỡ chiếc áo cũ ra đan lại là tôi (lớn nhất) lại có áo mặc.

Áo mặc đi mặc lại khi dỡ ra len bợt đứt từng đoạn. Khi đan, mẹ khéo léo giấu những mối nối vào trong. Len không đủ đan áo một màu, mẹ đan thành áo ba khoang, trông cũng lạ mắt. Còn áo của mấy đứa em gái, mẹ điểm cho mấy hình trước ngực, chúng thích quá cứ rét là đòi mặc áo “ông tây bà đầm”.

Những chiếc áo mỏng không ngăn được cái giá rét những ngày nhiệt độ xuống thấp. Những đứa trẻ trong khu tập thể bọn tôi đứa nào cũng có một cái ống bơ sữa bò đục lỗ dưới đáy và lỗ 2 bên để xỏ dây đồng vào làm quai xách. Lúc nấu cơm gắp mấy hòn than vào, bẻ thêm ít củi vụn để lên trên là thành cái lò sưởi di động. Lúc nào cần ấm thì quay mấy vòng, lửa bùng lên, mấy đứa xúm lại hơ tay cho khỏi cóng.

Mùa đông cũng là lúc vườn rau lang lụi dần. Mấy đứa trẻ trong khu tập thể chiều nào cũng tát cạn cả giếng để tưới rau nhưng cũng không đủ cho lợn ăn. Vậy là những buổi không phải đi học, bọn trẻ rủ nhau đi kiếm rau vừng, rau rệu về cho lợn. Nhà nào cũng kiếm, có buổi chiều chẳng đủ nồi cám hôm sau, lũ trẻ lại rủ nhau đi mò tóc tiên.

Hồ Tam Giác cũng vơi, mấy đứa bọn tôi mò ra cả Đầm Diệu lấy tóc tiên. Có hôm trời lạnh như cắt, đứng trên bờ mà đã run lập cập nhưng không lấy thì lợn mai không có gì ăn nên mấy đứa cắn răng cởi quần áo cầm tải ào xuống nước. Ngụp lặn một hồi thì người tê đi, cảm giác lạnh cũng không còn nữa. Đầm Diệu nhiều tóc tiên, lấy một loáng là đầy tải. Lúc lên bờ mới thực sự thấy lạnh. Toàn thân run cầm cập, tôi xỏ tay vào cái áo len mãi không được. Cố kéo áo xuống cho khỏi rét thì… toạc, cái áo len toang thành mấy mảnh.

3. Khi đi làm, tôi và một đồng nghiệp ở nhờ trên gác xép của cơ quan. Căn phòng thấp được bưng bằng gỗ nhưng có nhiều khe hở gió lùa lạnh buốt khi đông về. Chiếc giường rải mành trúc và tấm chăn chiên mỏng cũng giúp chúng tôi qua mấy mùa đông. Căn phòng ấy còn là chỗ trú ngụ của nhiều đồng nghiệp khi đi cơ sở về muộn, nơi có những đêm đồng nghiệp tôi vo viên tờ bản thảo viết dở vứt vào góc phòng rồi viết lại để cho ra đời những phóng sự “để đời”.

Giờ thì đã khác. Cái rét còn thất thường hơn xưa do biến đổi khí hậu nhưng mọi người cảm thấy bình thường vì nhà cửa kín đáo, quần áo ấm, chăn đệm không thiếu. Điều hòa hai chiều, quạt sưởi, đèn sưởi dễ dàng mua nên không cần dùng lửa để sưởi ấm nữa. Nhiều người còn muốn được trải nghiệm cảm giác rét buốt khi đi săn tuyết vùng cao. Đài báo hôm qua Mẫu Sơn 0 độ, đỉnh Phan Xi Păng âm 6 độ. Dòng người đổ về Mẫu Sơn nườm nượp, đường tắc cả đoạn dài.

Ở những nơi vùng cao đó, còn những đồng bào không có điều kiện để mua sắm quần áo, trang thiết bị sưởi chống rét. Sẻ chia để đồng bào có áo ấm chúng ta sẽ ấm lòng hơn.

Xuân Hòa

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/73908/ngay-xua%E2%80%A6gia-ret.html