Ngày xuân ôn lại chuyện cũ

Một buổi sáng mùa xuân đẹp trời, theo chân anh Mai Xuân Hiến, bí thư Đảng ủy xã Gia Xuân (Gia Viễn), chúng tôi đến thăm thôn Đồng Xuân, nơi sinh ra ông Mai Văn Ổn, một nhân vật từng được nhắc đến nhiều lần vì chiến công 'cứu tên phi công Mỹ' trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt của nhân dân ta.

Dân quân Hà Nội cứu sống John McCain. Ảnh tư liệu

Dân quân Hà Nội cứu sống John McCain. Ảnh tư liệu

Trong ngôi nhà thờ họ khang trang, ông trưởng họ Mai Văn Nghiệp tự hào nói " Đây chính là dòng họ của ông Mai Văn Ổn". Không khó khăn để chúng tôi nhận ra chân dung người anh hùng trong bức ảnh lớn treo trang trọng trên tường. "Người hùng" nhỏ bé nhưng rắn rỏi, bắt tay tươi cười bên vị tướng John McCain, cựu thượng nghị sĩ Hoa Kì. Bức ảnh được chụp trong chuyến thăm Việt Nam năm 2009 của ông John McCain. Trong chuyến viếng thăm lần này, ông McCain đã tới thăm nhà tù Hỏa Lò và tìm gặp lại người đã từng cứu sống mình năm 1967.

Trong cuốn hồi kí của mình, ông John McCain kể lại sự kiện đáng nhớ này như sau:

Đó là ngày 26 Tháng 10 năm 1967. Tôi đang bay ngay trên bầu trời trung tâm Hà Nội đan chéo đầy hỏa tiễn trong phi vụ thứ 23 của mình, thì bị một hỏa tiễn Nga kích thước cỡ cột điện thoại tung cánh phải chiếc Skyhawk ném bom tôi bay. Phi cơ bổ nhào từ cao độ khoảng 4,500 feet xuống đất, bị đảo ngược lại, gần như chúi thẳng đầu xuống đất. Tôi kéo cần bung dù thoát hiểm. Lực phóng làm tôi bị bất tỉnh vì tốc độ gió đâu khoảng 500 knot (chú KTT: 926 km/giờ). Lúc đó tôi không nhận thức được, nhưng chân phải ngay quanh đầu gối và ba nơi trên cánh tay phải cùng cánh tay trái của tôi đã bị gãy. Tôi tỉnh lại ngay trước khi cánh dù của tôi rơi xuống một hồ nước ngay một góc của Hà Nội, một trong những hồ họ gọi là Hồ Tây . Mũ phi công và mặt nạ dưỡng khí của tôi đã bị thổi bay đâu mất. Tôi chạm mặt nước và bị chìm xuống đáy. Tôi nghĩ rằng hồ sâu khoảng 15 feet, cũng có thể 20. Tôi chòi chân phía dưới để nổi lên mặt nước. Lúc đó tôi không cảm thấy bất kỳ đau đớn nào. Tôi hít một hơi không khí và bắt đầu chìm xuống lại. Tất nhiên là vậy vì tôi đang mang đồ bay và các thiết bị trên người nặng ít nhất cũng 50 lbs. Tôi chìm xuống và cố gắng chòi lên mặt nước lần nữa. Tôi không thể hiểu tại sao tôi không thể sử dụng chân phải hay tay của mình. Tôi choáng váng, trồi lên lần nữa và lại bị chìm xuống. Lần này thì tôi không thể trồi lên lại mặt nước. Mang chiếc áo phao cứu sinh trên người, tôi cúi xuống dùng miệng kéo dây và cuối cùng cũng nổi lên lại mặt nước.

Ông Mai Văn Ổn (người bên trái) gặp lại phi công Mỹ - người mình đã cứu sống trong chiến tranh. Ảnh tư liệu

"Khi đó ông Ổn đang trú ẩn trong một căn hầm bên bờ hồ Trúc Bạch. Nhìn thấy chiếc dù rơi xuống nước, bất chấp đạn pháo từ hai phía đang rất ác liệt, ông lao ra bơi xuống hồ, mang theo một đoạn luồng dài chừng 3m. Khi ông Ổn bơi ra đến giữa hồ, viên phi công đã bắt đầu chìm. Ông Ổn kịp nắm những sợi dây dù kéo viên phi công nổi lên và đẩy cho ông ta đoạn cây luồng. Viên phi công bám được vào khúc luồng và được người thanh niên đẩy vào phía bờ với sự trợ giúp của một số người dân sống ven hồ lúc đó." Ông Nghiệp nhớ lại. Câu chuyện này đã được ông Mai Văn Ổn kể lại trong cuộc gặp gỡ với ông John McCain. Cựu binh Mỹ cùng phu nhân đã thực sự vui mừng khi gặp lại đúng vị ân nhân của mình và đã trân trọng tặng ông Mai Văn Ổn một kỉ vật, đó là chiếc phù hiệu thượng nghị sỹ Hoa Kỳ.

"Thật ra ông chú tôi không phải đến lúc cứu ông John McCain mới bộc lộ phẩm chất dũng cảm. Thời chống Pháp, ông từng tham gia đội Biệt động Sài Gòn ở miền Nam, từng tham gia đánh vào kho xăng của địch ở Đồng Nai." Sau này, ông trở về Bắc, sống ở Hà Nội và giữa những ngày Hà Nội chống Mỹ ác liệt, ông lại có "duyên" với viên Thiếu tá không quân lực lượng Hải quân Hoa Kỳ, trở thành một người hùng thầm lặng, cứu sống nhân vật cực kì quan trọng trong phong trào phản đối chiến tranh tại Việt Nam những năm 70, vận động việc bãi bỏ lệnh cấm vận của Mỹ với Việt Nam của chính quyền tổng thống Clinton và thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Câu chuyện sôi nổi nhắc lại chiến công của ông Mai Văn Ổn thủa nào lắng xuống, ông Nghiệp trầm ngâm: "chiến tranh kết thúc lâu rồi, nhiều nhà báo cũng đã tới phỏng vấn chú tôi về câu chuyện cứu người năm đó. Rồi mọi chuyện cũng sẽ bị lãng quên. Là con cháu, tôi muốn tái hiện lại chiến công của cha ông bằng một bức tranh, để sau này thế hệ sau còn nhớ được. Khi chúng tôi thành người thiên cổ, e rằng sẽ không ai còn nhớ về "mối duyên" của họ nữa"…

Bên hồ Trúc Bạch ngày nay có một bức tượng nhỏ tôn vinh chiến công bắn hạ máy bay của McCain năm xưa. "Quân và dân thủ đô Hà Nội đã bắt sống phi công John Sidney McCain", dòng chữ trên tượng viết. "Đây là một trong 10 máy bay bị bắn hạ cùng ngày". Câu chuyện về người cứu sống John McCain thì chỉ còn lưu lại trên mặt sách báo và những tấm ảnh trong bảo tàng.

Ông Jonh McCain, ông Mai Văn Ổn đều đã trở thành người thiên cổ, có người còn tiếp tục được nhắc đến tên vì công lao của họ nhưng cũng có những con người bình dị đã kết thúc sứ mệnh của mình giản đơn như bao nhiêu con người bình dị khác. Nếu họ có cơ duyên gặp lại nhau ở một nơi nào đó, hi vọng đó không phải là một nơi có chiến tranh.

Bài, ảnh: Mai Thị Hồng Quế

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ngay-xuan-on-lai-chuyen-cu/d20230203154657801.htm