Nghệ An kiên quyết đình chỉ cơ sở karaoke không đảm bảo phòng cháy chữa cháy
UBND Nghệ An vừa yêu cầu mở đợt cao điểm kiểm tra phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở karaoke, vũ trường, quán bar trên địa bàn tỉnh.
Từ ngày 12-18/9, Công an tỉnh Nghệ An đã chủ trì, huy động tối đa lực lượng phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 221/424 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường và các cơ sở kinh doanh tương tự.
Theo đó, Công an tỉnh Nghệ An đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành triển khai công tác kiểm tra, phúc tra đối với cơ sở có tồn tại, vi phạm. Tiếp tục rà soát, phân loại các cơ sở có nguy cơ cháy cao, nhất là dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar. Kịp thời chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm và xử lý nghiêm các vi phạm về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.
“Kiểm tra tập trung vào công tác thường trực bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy; việc trang bị và hoạt động của các phương tiện phòng cháy chữa cháy; lối ra thoát nạn; hệ thống điện, sử dụng điện; kỹ năng phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng cháy chữa cháy cơ sở…”, văn bản nêu.
Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai tổng kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở karaoke, bar, pub, vũ trường trên toàn tỉnh. Đến nay, bước đầu kiểm tra, hướng dẫn đối với 100% cơ sở thuộc loại hình vũ trường, quán karaoke và các cơ sở vui chơi, giải trí.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Tổ chức thực tập, diễn tập chữa cháy cứu nạn, nâng cao chất lượng huấn luyện nghiệp vụ, nhất là tại các cơ sở nằm sâu trong ngõ hẻm, cơ sở cháy có nhiều khói, khí độc.
Từ ngày 12/9 đến hết ngày18/9, Công an tỉnh Nghệ An đã chủ trì, huy động tối đa lực lượng phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra 221/424 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường. Qua đó, đã tiến hành xử phạt các trường hợp vi phạm; tạm đình chỉ và yêu cầu tạm ngừng hoạt động 45 cơ sở không duy trì các điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình hoạt động, vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tỉnh Nghệ An cho hay, trên địa bàn hiện có 424 cơ sở thuộc loại hình cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC, trong đó: 421 cơ sở kinh doanh karaoke, 2 cơ sở bar, 1 cơ sở pub. Đây là loại hình kinh doanh thường xuyên tập trung đông người, đồng thời, luôn tồn chứa lượng lớn các chất dễ cháy như: Vật liệu cách âm, cách nhiệt, vải, đồ nhựa, gỗ, giấy, linh kiện điện tử, xăng, dầu,… và sử dụng nhiều thiết bị điện có thể phát sinh nguồn nhiệt, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Đơn cử, cơ sở kinh doanh karaoke T.O tại huyện Nghĩa Đàn với quy mô 10 phòng hát, đồng thời là nhà ở của chủ hộ, tuy nhiên, chưa được trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, lối thoát nạn ở tầng 1 chưa đảm bảo theo kích thước. Cũng tại địa phương này, cơ sở kinh doanh karaoke T.N, tại khu vực tầng 2 chưa có lối thoát nạn.
Hay như tại cơ sở karaoke T.H trên đường Trần Cảnh Chân, karaoke H.Đ trên đường Trường Chinh (thành phố Vinh), hệ thống cửa ra vào tại các phòng hát chưa được mở theo hướng thoát nạn, chưa trang bị dụng cụ tháo dỡ khi có sự cố... Tại cơ sở karaoke S.Đ ở huyện Anh Sơn hệ thống điện chưa đảm bảo, đường dây đấu nối các thiết bị điện đi nổi, không bố trí âm tường.
Thượng tá Nguyễn Đình Hạnh - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Nghệ An cho biết: Kế hoạch kiểm tra vẫn đang được triển khai và sẽ duy trì thường xuyên, với mục tiêu phát hiện, xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm, quyết tâm hạn chế đến mức thấp nhất nguyên nhân dẫn đến cháy, nổ xảy ra tại các cơ sở kinh doanh loại hình dịch vụ này.
Qua kiểm tra, tại các địa điểm kinh doanh dịch vụ karaoke tại Nghệ An, điều dễ nhận thấy là các cơ sở này được thiết kế dạng hình hộp, với đặc thù là nơi thường tập trung đông người đến vui chơi, giải trí. Phần lớn các phòng hát đều có thiết kế kín, hành lang đi lại nhỏ hẹp; cách âm bằng các vật liệu dễ cháy như mút, xốp, da… Cùng với đó, việc sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt lớn với hệ thống âm thanh, hệ thống đèn laser hoạt động liên tục; tình trạng khách hàng sử dụng bật lửa thắp nến tổ chức sinh nhật, hút thuốc lá... diễn ra phổ biến nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.
Chưa kể, các cơ sở kinh doanh karaoke lại thường nằm trong khu vực đông dân cư, phía mặt trước các cơ sở kinh doanh thường bị che chắn kín mít bởi hệ thống biển quảng cáo tấm lớn, nhiều quán karaoke lắp đặt bảng quảng cáo che kín mặt tiền, ban công của quán, lối thoát hiểm bị hạn chế. Khi xảy ra cháy, lực lượng chữa cháy, cứu nạn cứu hộ không thể tiếp cận, phải đục tường, phá khung bảng quảng cáo mới phun nước được vào trong, gây cản trở quá trình chữa cháy, cứu nạn.
Ngoài ra, so với các cơ sở kinh doanh karaoke được xây mới với quy mô lớn, có thiết kế đồng bộ và thường có khuôn viên rộng, ngoài hệ thống thang máy, thang bộ trong tòa nhà, còn có cầu thang sắt được bố trí ở ngoài làm lối thoát nạn, cùng với đó là hệ thống báo cháy tự động…thì tại các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ, trong đó không ít cơ sở là nhà ở kết hợp kinh doanh lại bộc lộ rõ nhiều tồn tại, bất cập.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số tồn tại, bất cập phổ biến như không trang bị, lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy; cửa thoát nạn, lối thoát nạn, cầu thang thoát nạn không đủ kích thước, số lượng; trang bị phương tiện PCCC không đủ hoặc không đồng bộ; không duy trì chế độ hoạt động thường xuyên của phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn; bố trí sắp xếp vật tư, vật dụng cản trở công tác cứu nạn, chèn, chặn cửa thoát nạn...
Hoàng Trinh