Nghệ An nỗ lực tìm thị trường cho sản phẩm OCOP

Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An đã từng bước đến tay người tiêu dùng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cũng như quốc tế biết đến và sử dụng…

Điểm sáng sản phẩm OCOP

Triển khai Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021- 2025, tính đến nay Nghệ An có 567 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 37 sản phẩm đạt 4 sao và 529 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Toàn tỉnh cũng có 110 hợp tác xã, 59 công ty cổ phần, doanh nghiệp, 55 tổ hợp tác và 122 hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP…

Hiện, Nghệ An đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển sản phẩm OCOP, cụ thể đứng thứ 2 về số lượng sản phẩm OCOP. Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An cho biết, phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An có ít nhất 650 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có ít nhất 4 sản phẩm đạt hạng 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 30% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng, tương đương 134 sản phẩm. Đồng thời, Nghệ An ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu từng sản phẩm.

Tại xứ Nghệ, đến nay chương trình OCOP đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 2.300 lao động thường xuyên và 1.800 đến 2.000 lao động thời vụ, với thu nhập bình quân 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nhất là phát huy vai trò lao động nữ và lao động đồng bào dân tộc thiểu số. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Nhiều sản phẩm OCOP đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Nghệ An đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển sản phẩm OCOP.

Nghệ An đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước về phát triển sản phẩm OCOP.

Đặc biệt, sự phát triển của các sản phẩm OCOP đã gắn với khai thác vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý như: Cam Vinh, gừng Kỳ Sơn; gà đồi Thanh Chương, gạo Vĩnh Hòa, lạc Diễn Châu… Có thể nói việc thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm ở Nghệ An đã góp phần phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương, từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, đáp ứng nhu cầu thị trường…

Nỗ lực mở rộng thị trường

Để chương trình OCOP phát triển bền vững, việc kết nối, mở rộng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng. Bởi vậy, trong thời gian gần đây việc chủ động liên kết, tìm kiếm đầu ra sản phẩm OCOP được các ban, ngành, địa phương ở Nghệ An hết sức quan tâm.

Để đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng, UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Văn phòng Điều phối nông thôn, Sở Công thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm kết nối giao thương các sản phẩm OCOP, để người tiêu dùng địa phương, trong nước và quốc tế nhận diện thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP…

Trên thực tế, nhiều năm qua, các hoạt động xúc tiến thương mại đã được ngành nông nghiệp, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, Sở Công thương, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Nghệ An… triển khai đa dạng với nhiều hình thức, trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử.

Qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP tỉnh Nghệ An đã từng bước đến tay người tiêu dùng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh cũng như quốc tế biết đến và sử dụng… Theo đại diện Hợp tác xã Dược liệu Phủ Quỳ (thị xã Thái Hòa), mặc dù hợp tác xã còn non trẻ (thành lập năm 2020), nhưng đến nay đã có 7 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Trong đó, việc tham gia trưng bày gian hàng với các đơn vị trong và ngoài tỉnh là hoạt động rất thiết thực, giúp hợp tác xã thay đổi tư duy trong việc phát triển sản phẩm, tiếp cận thị trường…

Việc chủ động liên kết, tìm kiếm đầu ra sản phẩm OCOP được các ban, ngành, địa phương ở Nghệ An hết sức quan tâm.

Việc chủ động liên kết, tìm kiếm đầu ra sản phẩm OCOP được các ban, ngành, địa phương ở Nghệ An hết sức quan tâm.

Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong truyền thông, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử đang giúp các sản phẩm OCOP ở địa phương vươn xa hơn. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP của tỉnh đã từng bước đến tay người tiêu dùng, được người tiêu dùng biết đến và sử dụng.

Với nhiều nỗ lực đến nay Nghệ An đã có trên 20 cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đã thực hiện ký kết nguyên tắc đưa sản phẩm vào một số hệ thống phân phối hàng hóa lớn. Có 268 sản phẩm OCOP được đưa vào các siêu thị, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) như, sản phẩm trà dược liệu Pù Mát, sản phẩm từ sen của HTX Sen Quê Bác, bánh đa Đô Lương, lạc Diễn Châu, thủy, hải sản Biển Quỳnh và Cửa Lò, giò bê Nam Đàn...

Đặc biệt, một số sản phẩm OCOP của nghệ An đến nay đã xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như sản phẩm mây, tre đan Đức Phong đã được xuất khẩu sang thị trường các nước như Pháp, Đức…; rau mùi Diễn Thái (Diễn Châu) đã được xuất sang thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản; sản phẩm nước mắm Vạn Phần (Diễn Châu) xuất khẩu sang Nhật Bản; sản phẩm thủy, hải sản Biển Quỳnh xuất khẩu sang Mỹ…

Để tiếp tục tìm chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm OCOP, ông Nguyễn Văn Đệ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu các đơn vị liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức nghiên cứu để tiếp tục tham mưu, đề xuất với lãnh đạo UBND tỉnh, các Bộ, ngành Trung ương về các chủ trương, giải pháp phù hợp để tập trung tăng cường hoạt động phát triển liên kết chuỗi giá trị và tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Trong đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh cần tiếp tục chủ động, triển khai nhiều hoạt động, lồng ghép các chương trình hỗ trợ, cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, của tỉnh để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng được các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cần tập trung tư vấn định hướng mô hình sản xuất, kết nối vùng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa; tổ chức cho các hợp tác xã, đơn vị thành viên có sản phẩm, hàng hóa tham gia quảng bá, tìm kiếm và mở rộng thị trường…

Nghi Lộc

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nghe-an-no-luc-tim-thi-truong-cho-san-pham-ocop-152973.html