Nghệ An: Thủy sản khó tìm về thị trường nội địa

Thời điểm này xuất khẩu thủy sản gặp khó, các doanh nghiệp trên địa bàn chuyển hướng phục vụ thị trường nội địa. Nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An cũng đã đi 'chinh phục' thị trường xuất khẩu nhưng hành trình chuyển hướng về nội địa của các doanh nghiệp này lại khá gian nan.

Tăng phân phối, tiêu thụ nội địa

Trước tình hình dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại tại các nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường chính, truyền thống mà các doanh nghiệp trực tiếp tham gia xuất khẩu thủy sản gặp khó, giải pháp trước mắt đó là tăng cường phân phối, tiêu thụ nội địa đối với mặt hàng này.

 Các DN chuyên xuất khẩu ở địa phương đang cố gắng đưa ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng trong nước

Các DN chuyên xuất khẩu ở địa phương đang cố gắng đưa ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng trong nước

Đơn cử Công ty CP Biển Quỳnh (TX Hoàng Mai), hiện cung cấp 10 sản phẩm vào chuỗi siêu thị BigC trên cả nước và hệ thống trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An; trong đó, có sản phẩm chả cá trích đạt tiêu chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 sao. “Thị xã Hoàng Mai là một trong những điểm đến về du lịch biển của tỉnh Nghệ An, bởi vậy công ty đang hướng đến các sản phẩm hải sản khô có lợi thế đặc trưng của địa phương (mực khô, cá trỏng khô…) đáp ứng thị trường tiêu dùng và khách du lịch làm quà biếu, tặng”, anh Hồ Mạnh Hoàn - Giám đốc Công ty CP Biển Quỳnh - cho biết.

Thực tế cho thấy, các sản phẩm chế biến ở Nghệ An hiện nay chủ yếu vẫn chế biến thô, làm sản phẩm truyền thống phơi khô, hấp sấy nên giá trị kinh tế chưa cao. Trong khi đó, các địa phương ven biển hầu hết chưa có cơ sở chế biến tập trung. Các cơ sở sản xuất chế biến nhỏ lẻ hiện có nhu cầu muốn mở rộng sản xuất, đầu tư lắp đặt dây chuyền công nghệ hiện đại nhưng không có diện tích để đầu tư, mở rộng. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ các sản phẩm hải sản chế biến lại không ổn định. Một số sản phẩm trước đây là phơi khô hấp sấy xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, còn các sản phẩm có giá trị gia tăng vì công nghệ chưa đảm bảo nên chưa thể xuất khẩu sang các nước tiên tiến như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Thời gian qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường lớn là Trung Quốc đóng cửa nên việc xuất khẩu thủy sản của thị xã Hoàng Mai, thị xã Cửa Lò cũng rất khó khăn. Thay vì trước đây, Trung Quốc chấp nhận cho thương lái xuất khẩu tiểu ngạch thì nay họ buộc phải xuất khẩu chính ngạch. Việc này cũng đồng nghĩa sản phẩm thủy sản của người dân phải có đầy đủ hồ sơ thủ tục xuất nhập khẩu, hải quan, đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế… Điều này khiến cho sản phẩm của địa phương gặp muôn vàn khó khăn.

Cách nào để chinh phục lại thị trường trong nước?

Nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản đang nỗ lực định vị thương hiệu tại thị trường nội địa bằng cách phát triển những dòng sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng. Dẫu vậy, điều này không hề dễ dàng. Bên cạnh đó, với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, nếu muốn phát triển thêm thị trường nội địa, cũng cần có thời gian và kế hoạch để từng bước chuyển hướng, xây dựng dòng sản phẩm phù hợp.

 Ngành thủy sản Nghệ An không dễ khi tìm về thị trường nội địa

Ngành thủy sản Nghệ An không dễ khi tìm về thị trường nội địa

Thị xã Hoàng Mai (Quỳnh Lưu - Nghệ An) đang khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị hiện đại nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đối với chế biến, thị xã quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, anh Hồ Mạnh Hoàn, Giám đốc Công ty CP Biển Quỳnh (Hoàng Mai) nhấn mạnh, các doanh nghiệp cần truyền thông nhiều hơn nữa về quy trình để tạo niềm tin với người tiêu dùng. Xây dựng dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thói quen của người Việt. Sản phẩm chả cá trích của Công ty cổ phần Biển Quỳnh đạt sản phẩm OCOP 4 sao, trong năm 2020, thị xã Hoàng Mai chỉ đạo mở rộng sản phẩm này thêm 10 sản phẩm (chả mực, tôm tít chế biến, mực một nắng, cá thu một nắng, nước mắm Quỳnh Dỵ…) để chứng nhận sản phẩm OCOP… Đẩy mạnh truyền thông cũng chính là cách mà công ty đã chủ động triển khai, với quyết tâm chinh phục người tiêu dùng trong nước.

Anh Hoàn cho biết thêm: “Việc cần làm trước mắt là xây dựng thương hiệu hải sản Hoàng Mai, thu hút đầu tư dự án khu chế biến tập trung, ưu tiên các dự án có quy mô lớn, cam kết thực hiện bảo vệ môi trường. Hiện dự án Nhà máy chế biến nông sản, thủy sản Nghi Sơn Food Group tại xã Quỳnh Vinh với tổng vốn đầu tư 65 tỷ đồng đang trong quá trình xúc tiến để đầu tư vào Hoàng Mai".

Về định hướng lâu dài, theo ông Nguyễn Chí Lương – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nghệ An, để chinh phục thị trường nội địa, ngành thủy sản cần gia tăng chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm; sản xuất, nuôi trồng, chế biến thủy sản cần bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Hoàng Trinh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-an-thuy-san-kho-tim-ve-thi-truong-noi-dia-143066.html