Nghệ An: Tích cực hưởng ứng cuộc vận động 'Học sinh nói không với điện thoại trong buổi học'

Trong tháng 10, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cùng Công đoàn ngành Giáo dục đã phối hợp phát động cuộc vận động 'Học sinh Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học'. Hưởng ứng cuộc vận động này, các trường đã tích cực triển khai và có những chuyển biến rõ nét.

Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đánh cờ trong giờ ra chơi.

Học sinh Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng đánh cờ trong giờ ra chơi.

Ông Đặng Văn Hải - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An chia sẻ: “Gần một tháng triển khai cuộc vận động “Học sinh Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học”, chúng tôi rất phấn khởi khi các trường hưởng ứng tích cực, được sự đồng tình cao của phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo. Ở nhiều trường, việc học sinh không dùng điện thoại trong buổi học đã đi vào nền nếp, nhiều học sinh không còn mang điện thoại đến trường, học sinh trò chuyện, tương tác trực tiếp với nhau nhiều hơn, giờ ra chơi sôi nổi hơn. Triển khai cuộc vận động do Sở và Công đoàn ngành phát động, 100% các trường THPT đã hưởng ứng, ký cam kết thực hiện; Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành, thị đều có văn bản chỉ đạo thực hiện”.

Gần một tháng nay, tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng - trường có số lượng học sinh đông nhất tỉnh Nghệ An với 61 lớp, trên 2.800 học sinh, việc vận động học sinh không dùng điện thoại trong buổi học đã được thực hiện đồng bộ, thay cho trước đó, chỉ một nửa số lớp trong trường thực hiện.

Ngay khi Sở và Công đoàn ngành triển khai cuộc vận động, nhà trường đã tổ chức lễ hưởng ứng và cho đại diện học sinh ký cam kết thực hiện. Vì số lượng học sinh đông, phải học hai ca nên khó cho việc tập trung tất cả học sinh để tuyên truyền, vận động, do đó, nhà trường lựa chọn cách thức phân cấp. Đó là mời bí thư, lớp trưởng của các lớp tập trung để tuyên truyền về cuộc vận động, sau đó cán bộ lớp sẽ về triển khai cho cả lớp, đảm bảo thông tin đầy đủ, sâu sát đến từng học sinh.

Khi triển khai, các lớp sẽ thảo luận, đề xuất cách thức sử dụng điện thoại phù hợp nhất. Và cách thức phổ biến để thực hiện là đầu buổi học, từng học sinh sẽ đưa điện thoại cho tổ trưởng bỏ vào giỏ của tổ mình, sau đó bỏ vào hộp khóa lại, cuối buổi các tổ trưởng nhận máy về và đưa lại cho các bạn trong tổ.

Các lớp cũng thống nhất, hai cán bộ lớp là bí thư và lớp trưởng được giữ điện thoại của mình để học sinh và phụ huynh có thể liên hệ khi cần và để nắm được các thông báo của giáo viên để thông tin cho cả lớp. Việc học sinh không dùng điện thoại trong buổi học đã được các lớp triển khai nền nếp.

Em Nguyễn Đình Hải, lớp 10D2, Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ: “Trước đó, khi để điện thoại trong người, một số bạn có thể sử dụng trong giờ học, dù giáo viên nhắc nhở. Giờ ra chơi thì dường như cả lớp tập trung vào điện thoại để xem thông tin, vào các trang mạng xã hội và chơi game. Từ khi không dùng điện thoại trong buổi học, các bạn trong lớp tập trung học tập hơn, không bị phân tâm, trò chuyện với nhau nhiều hơn. Ban đầu một số bạn chưa quen, cảm giác hơi khó chịu bởi đã quen dùng, thậm chí là lệ thuộc điện thoại. Nhưng đến giờ cơ bản các bạn đã quen và thấy bình thường. Giờ ra chơi, các bạn ra sân trường, chơi một số bộ môn đơn giản như cờ vua, cờ tướng, cờ caro, cầu lông, bóng chuyền hơi,...”.

Giờ ra chơi, học sinh không còn dùng điện thoại, tập trung ra sân trường vui chơi.

Giờ ra chơi, học sinh không còn dùng điện thoại, tập trung ra sân trường vui chơi.

Thầy Phan Xuân Hoài Linh - Bí thư Đoàn Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng chia sẻ, khi nhà trường triển khai vận động, khuyến khích học sinh không dùng điện thoại trong buổi học, phần lớn phụ huynh và học sinh đồng tình, ủng hộ bởi vì thấy được những tác động tiêu cực của việc dùng điện thoại thường xuyên, nhất là ngay trong buổi học của học sinh. Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh và học sinh chưa đồng tình, chưa quan tâm, phối hợp, do đó, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền, vận động để phụ huynh và học sinh hiểu rõ, tạo sự đồng thuận, thống nhất để đi vào thực hiện nền nếp, từng bước tạo sự chuyển biến rõ nét.

Cũng theo thầy Phan Xuân Hoài Linh, việc tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về việc sử dụng điện thoại cần phải có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội; phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài để giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh về ý thức, trách nhiệm sử dụng điện thoại. Trong đó, chú trọng trang bị kiến thức cho học sinh để các em hiểu, làm chủ được bản thân, sử dụng điện thoại đúng mục đích; nhận diện thông tin xấu độc, những tác hại của việc “nghiện” dùng điện thoại, lệ thuộc điện thoại; giáo dục các em tăng sự tương tác, giao lưu trực tiếp, tập trung học tập, rèn luyện về thể chất, đạo đức, phát triển toàn diện.

Là trường được Sở và Công đoàn ngành Giáo dục lựa chọn tổ chức Lễ phát động động “Học sinh Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học”, cô Phạm Thị Tuyết Mai - Hiệu trưởng Trường THPT Nghi Lộc 3 phấn khởi cho biết: Cuộc vận động đã mang lại hiệu ứng rất tích cực.

Theo cô Mai, những năm trước, nhà trường đã tăng cường tuyên truyền về việc không dùng điện thoại trong giờ học và hai năm nay, nhà trường có quy định học sinh không dùng điện thoại trong giờ học nếu không được giáo viên đồng ý.

Sau khi có phát động của ngành, nhà trường đã củng cố lại quy định, tổ chức triển khai bài bản hơn, có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh, đồng thời thêm quy định ra chơi cũng không dùng điện thoại

Các lớp đã chi tiết hóa chủ trương phát động; tổ chức ký cam kết giữa đại diện học sinh, phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm về việc không dùng điện thoại trong buổi học; quy định việc thực hiện cũng linh động theo tình hình thực tế của từng lớp

Điện thoại của học sinh được chia theo tổ và bỏ vào trong tủ.

Điện thoại của học sinh được chia theo tổ và bỏ vào trong tủ.

Hiện nay, 36 lớp với 1.655 học sinh Trường THPT Nghi Lộc 3 đã đồng thuận thực hiện. Giờ ra chơi ở trường giờ đây rộn ràng hơn, các em vui vẻ trò chuyện, cười đùa, nhiều học sinh ra sân trường nhảy dây, đá cầu, đăng ký hát,...

“Từ việc không dùng điện thoại, tăng cường tương tác và hoạt động đã tạo nên một không khí năng động, tích cực, vui vẻ trong trường học. Nhiều phụ huynh đồng tình, ủng hộ, ghi nhận, đó là những điều rất đáng mừng”, cô Phạm Thị Tuyết Mai chia sẻ.

Cuộc vận động “Học sinh Nghệ An nói không với điện thoại trong buổi học” sẽ được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An cùng với Công đoàn ngành tổ chức sơ kết hằng năm, qua đó sẽ biểu dương, khen thưởng cho các tập thể và cá nhân triển khai tốt cuộc vận động.

Mai Liễu

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/nghe-an-tich-cuc-huong-ung-cuoc-van-dong-hoc-sinh-noi-khong-voi-dien-thoai-trong-buoi-hoc-180224.html