Nghề của lương tâm và trách nhiệm

ĐBP - Nghề báo là một nghề cao quý, phải chịu đựng gian khổ, nguy hiểm, phải chấp nhận mọi rủi ro, thậm chí có thể hi sinh. Nhà báo là người sống ở đầu nguồn sự kiện, thu thập tin tức nóng hổi nhất để đưa tin. Muốn tìm hiểu sự thật, để phản ánh trên báo chí, nhà báo phải vất vả, chịu đựng nhiều gian khổ, bị sức ép từ nhiều phía và phải lao tâm, lao lực khi có những thế lực không muốn cho nhà báo biết và viết ra sự thật đó. Ðể tìm hiểu và viết lên sự thật, nhà báo ngoài khả năng, kỹ năng viết báo, họ còn phải là người trong sáng về lương tâm, đạo đức, có tinh thần trách nhiệm rất cao với Ðảng với nhân dân. Nhiệm vụ của nhà báo là góp phần thúc đẩy xã hội tốt đẹp hơn, cương quyết chống lại cái xấu, cái ác, nhằm đấu tranh, bảo vệ 'chân, thiện, mỹ'. Những nhà báo chân chính họ không ngại hi sinh, mất mát, gian khổ để đi tìm và nói lên sự thật. Bản lĩnh chính trị và sự dũng cảm của nhà báo được thể hiện ngay trong tác phẩm báo chí của họ. Ở đó nhà báo tỏ rõ quan điểm và thái độ của mình với những quan điểm sai trái, lệch lạc, đồng thời lên án phê phán những hiện tượng tiêu cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân và đường lối chủ trương của Ðảng, chính sách của Nhà nước, đó là phẩm chất chính trị của người làm báo.

Phóng viên tác nghiệp tại lễ kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ; 110 năm Thành lập tỉnh và 70 năm Thành lập Ðảng bộ tỉnh. Ảnh: Hải Yến

Phóng viên tác nghiệp tại lễ kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ; 110 năm Thành lập tỉnh và 70 năm Thành lập Ðảng bộ tỉnh. Ảnh: Hải Yến

Cùng với bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp là yêu cầu hết sức quan trọng đối với mỗi nhà báo. Ðạo đức báo chí là đạo đức nghề nghiệp mang tính đặc thù do nghề nghiệp báo chí quy định. Mỗi nhà báo phải tự rèn luyện và tự điều chỉnh mình để có trách nhiệm cao hơn phục vụ Ðảng và nhân dân. Tuy nhiên, đối với những người làm báo ở thời nào và lúc nào cũng vậy, có những nhà báo tốt và có những nhà báo chưa tốt, thậm chí nhân danh nhà báo để làm những điều xấu. Chính sự vô đạo đức, phai mờ lương tâm của họ, thường được thể hiện trong những bài viết thiếu chính xác, không trung thực nên đã gây ra tác hại và có tác động xấu, không những hại cho một người mà cho nhiều người, cho xã hội, đôi khi họ còn đổi trắng thay đen, tiếp tay với kẻ ác, kẻ xấu, thậm chí đồng lõa với bọn tội phạm và đã trở thành tội phạm. Hoạt động của nhà báo chủ yếu là thông tin, bình luận. Mà tiêu chuẩn cao nhất của thông tin là nhanh, chân thật và chính xác, đó là 3 tiêu chí thể hiện rõ nhất bản chất của nhà báo về chất lượng báo chí. Nếu báo chí đưa tin thiếu chính xác và không chân thật thì sẽ gây sự ngờ vực, thiếu lòng tin ở người đọc. Nếu thông tin chậm thì giá trị của bài báo sẽ không có ý nghĩa của thông tin. Nhà báo thực hiện được 3 yếu tố nhanh, chân thật, chính xác là thể hiện tố chất của một nhà báo tài năng và sẽ thu hút được sự chú ý của người đọc. Chính họ đã thâu tóm vào mình sức sống, hơi thở của cuộc sống để làm nên sức mạnh của báo chí. Nếu trong một bài báo thiếu đi hơi thở cuộc sống, tính chân thật và độ chính xác, thì bài báo đó chỉ là những câu chữ, trang giấy vô hồn. Báo chí là kênh thông tin quan trọng, nên trách nhiệm của nhà báo không đơn thuần là phản ánh hiện thực đời sống xã hội mà ở đó còn có ý thức công dân, trách nhiệm chính trị đối với xã hội và cộng đồng, góp phần tạo nên không khí dân chủ, phấn khởi, tin tưởng trong các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng và triển vọng phát triển của đất nước, nhằm xây dựng xã hội Việt Nam ngày càng lớn mạnh, tiến bộ, đậm đà bản sắc dân tộc.

Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, xin gửi đến những người làm báo trong cả nước một tình cảm sâu sắc và lòng tin tuyệt đối, đối với những người làm báo Việt Nam chân chính, mong rằng nhà báo mãi mãi là những người “Mắt sắng, lòng trong, bút sắc” như nhà báo Hữu Thọ hằng mong muốn; góp phần cùng toàn Ðảng, toàn dân ta thực hiện nhanh chóng mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Võ Hoàng Nam

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/169999/nghe-cua-luong-tam-va-trach-nhiem