Nghệ danh đâu phải chiếc áo
Nghệ danh Tây hóa và rối não đang được giới nghệ sĩ trẻ trong làng nhạc ưa chuộng. Trào lưu này nóng sốt đến nỗi loạt nghệ sĩ vốn đã thành danh thi nhau bỏ nghệ danh cũ để đổi lấy nghệ danh mới Tây không ra Tây, ta không ra ta.
Xưa rồi trào lưu đặt nghệ danh đẫm chất diễm tình, kiếm hiệp Trung Quốc như Nhật Kim Anh, Nhật Tinh Anh, Ưng Hoàng Phúc, Châu Gia Kiệt, Quách Thành Danh… hay nửa Tây, nửa ta như Jolie Phương Trinh, Noo Phước Thịnh, Wanbi Tuấn Anh, Akira Phan… Điểm sơ những tên tuổi mới nổi trong làng nhạc những năm qua có thể thấy nghệ danh của họ đều “Tây toàn tập”: Amee, Mono, Wren Evans, Jack, Orange, Suboi, Binz, Karik, Erik, Chi Pu, Min, Jun, Isaac, Hooligan… Dù theo đuổi dòng ballad, pop hay rap, R&B…, nghệ danh của họ hiếm khi xuất hiện tiếng Việt. Ngoài ca sĩ, giới nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc cũng chuộng tên Tây như Only C, Mr Siro, Slim V, Onionn, Triple D, Mew Amazing, Rhymastic…
Nếu nghệ danh chỉ thuần Tây, khán giả vẫn hiểu nghĩa và cách phát âm. Đằng này có không ít nghệ sĩ sáng tạo ra những nghệ danh khó đỡ. Chẳng hạn W/n là nghệ danh của Nguyễn Quý Cao Nguyên, K-ICM của Nguyễn Bảo Khánh, V# của Phạm Thị Yến Vi, JUUN D của Đặng Quang Dũng, 24k.Right của Vũ Ngọc Chương, Czee của Lương Trần Phú Thiện... Nhiều khán giả bối rối không biết nên đọc loạt nghệ danh này như thế nào cho đúng. Số khác thì gây rối não bằng nghệ danh viết liền không dấu như HIEUTHUHAI hay gán ký tự vô tên chính như Tlinh, MiiNa…
Không khó để lý giải vì sao trào lưu đặt nghệ danh Tây hóa lên ngôi. Phần lớn nghệ sĩ trẻ đều cho rằng họ làm thế trước mắt để tên tuổi không đụng nghệ sĩ khác, lại mang khí chất xịn sò, sang chảnh cuốn hút giới trẻ. Nó còn thể hiện sự sáng tạo, cá tính của người nghệ sĩ. Lý do thứ ba chính là mục tiêu chinh phục thị trường âm nhạc quốc tế. Đặt nghệ danh Tây giúp họ dễ làm việc với đối tác nước ngoài hoặc tiếp cận khán giả ngoại quốc.
Độ chịu chơi và phá cách của dàn “tân binh” khiến những “cựu binh” đứng ngồi không yên. Dù đã gây dựng được ít nhiều tên tuổi trong lòng công chúng bằng nghệ danh cũ thuần Việt nhưng họ vẫn quyết đổi nghệ danh mới. Tham gia gameshow “Anh trai vượt ngàn chông gai” năm nay, ca sĩ Trọng Hiếu ra mắt với nghệ danh lạ hoắc: (S)TRONG. Tương tự, cậu bé Nguyễn Quang Anh- quán quân “Giọng hát Việt nhí” mùa đầu, đổi nghệ danh thành Rhyder khi tham gia “Anh trai say hi” 2024. Hoạt động nghệ thuật trong nước sau thời gian dài vắng bóng, Hương Tràm xuất hiện với diện mạo khác lạ cùng nghệ danh Charmy Phạm. Gần đây ca sĩ Mỹ Lệ trở lại và đặt nghệ danh mới khá khó hiểu OMileh.
Những nghệ sĩ vốn sở hữu nghệ danh nửa Tây, nửa ta như Soobin Hoàng Sơn, Hoàng Touliver… thì xóa bỏ hoàn toàn dấu tích tiếng Việt trong nghệ danh cũ dù cái tên ấy đã gắn bó với họ một chặng đường dài. Soobin Hoàng Sơn đổi thành Soobin, Hoàng Touliver thành Touliver. Ngay cả rapper Dế Choắt, thí sinh chiến thắng “Rap Việt” mùa đầu cũng đổi thành DC, mất hẳn cái tên thuần Việt dễ gần. Quán quân trong cuộc đua đổi nghệ danh chính là Hoài Lâm. Chàng ca sĩ vốn nổi tiếng với các bài hát ăn khách như “Buồn làm chi em ơi”, “Hoa nở không màu” bỗng trở nên xa lạ khi trở lại với tên gọi Young Luuli . Nghệ danh mới chưa kịp phủ sóng thì học trò cưng của danh hài Hoài Linh lại chuyển sang dùng cái tên lắt léo Yun Tulo.
Rũ bỏ nghệ danh cũ để chạy theo nghệ danh mới thời thượng, đa số nghệ sĩ muốn đánh dấu bước ngoặt mới trong sự nghiệp. Hương Tràm đằm thắm với những bản ballad da diết như “Em gái mưa”, “Duyên mình lỡ”… đã trở thành quá khứ, nhường chỗ cho Charmy Phạm đầy gợi cảm, nóng bỏng với dòng nhạc dance sôi động. “Hoàng tử ballad” Soobin Hoàng Sơn chỉ lấy mỗi tên Soobin nhằm chuyển hướng sang dòng R&B chất ngầu. Hoài Lâm đổi thành Young Luuli khi rời hẳn thể loại trữ tình, bolero để theo đuổi rap.
Số nghệ sĩ khác lại cảm thấy tên tuổi cũ chưa đủ sức bùng nổ, đưa họ lên hàng sao hạng A nên tìm mọi cách thay nghệ danh mới như một kiểu đổi phong thủy. Trọng Hiếu, Dế Choắt rơi vào trường hợp này. Nhiều năm hoạt động âm nhạc nhưng sự nghiệp của Trọng Hiếu vẫn lẹt đẹt. Anh không sở hữu quá nhiều bản hit, không đắt show như ca sĩ trẻ khác. Riêng Dế Choắt thì cho biết: “Sau chương trình “Rap Việt”, tôi đã có khoảng thời gian loay hoay và băn khoăn với câu hỏi "mình là ai và mình phải làm gì". Sau một năm tìm kiếm cho câu trả lời thì tôi đã quyết định thay đổi bản thân không chỉ trong bài hát mà còn chính với cái tên Dế Choắt. Nếu ở cái tên Dế Choắt khán giả có thể thấy được sự quen thuộc, gần gũi thì với DC là sự hiện đại, phóng khoáng và mang hơi hướng quốc tế. DC cũng thể hiện mong muốn của tôi trong việc bứt phá bản thân và mang âm nhạc Việt ra quốc tế".
Tuy nhiên, số ca sĩ nhờ đổi nghệ danh mà đổi vận rất hiếm. Orange là trường hợp hiếm hoi vượt được vũ môn. Trước khi gắn bó với nghệ danh Orange, cô ca sĩ của MV “Người lạ ơi” vốn biết đến với tên thật Khương Hoàn Mỹ. Giải thích về lý do đổi nghệ danh, cô cho hay: “Khi tôi còn tham gia các cuộc thi, cũng có một bộ phận khán giả biết đến cái tên Khương Hoàn Mỹ. Tuy nhiên, cái tên này lại bị rơi vào thế lưng chừng, khán giả chỉ biết đến tên chứ không nhớ cá tính âm nhạc của tôi ra sao. Chỉ đến khi đổi nghệ danh là Orange và thể hiện ca khúc “Người lạ ơi”, khá nhiều người biết đến tôi và tôi cũng khẳng định được màu sắc riêng của mình”. Khách quan mà nói, sự nổi tiếng của Orange đến từ bài hát của nhạc sĩ Châu Đăng Khoa hơn là cái tên thời thượng của cô. Nhưng có lẽ từ khi đổi nghệ danh, cô đã biết cách làm mới hình ảnh bằng vẻ ngoài phớt đời, thời trang nên được chú ý hơn là thời mới vô nghề.
Còn đa số nghệ sĩ đổi nghệ danh để cải vận, danh tiếng của họ không có nhiều tiến triển ở thị trường trong nước chứ đừng nói thị trường quốc tế. Ngay cả giới nghệ sĩ “tân binh”, dù nghệ danh rất Tây, rất sang chảnh nhưng giấc mơ ra biển lớn không hề dễ dàng. Trớ trêu ở chỗ những nhạc sĩ, ca sĩ hay bắt tay với ngoại quốc, đưa tên tuổi mình ra thế giới hầu hết lại toàn mang nghệ danh thuần Việt như Mỹ Tâm, Đinh Hương, Thanh Bùi, Sơn Tùng, Hồ Ngọc Hà, Mỹ Anh…
Trong khi đó, tác dụng ngược của hiện tượng “thay nghệ danh như thay áo” hiển hiện trước mắt. Dù thay nghệ danh xoành xoạch nhưng đến nay danh tiếng của ca sĩ Hoài Lâm vẫn chìm nghỉm giữa bức tranh nhạc Việt đa sắc. Khán giả vẫn gọi Hương Tràm là Hương Tràm dù lần nào lên sân khấu, cô cũng giới thiệu mình là Charmy Phạm. Loạt bài hát mới của cô không được đón nhận như các sản phẩm trước đó, thậm chí còn bị khán giả chê bai, tẩy chay. Đổi sang (S)TRONG nhưng từ khi tham gia show “Anh trai vượt ngàn chông gai”, đến nay, con đường âm nhạc của Trọng Hiếu vẫn khá “chông gai”.
Chạy theo nghệ danh ngoại và rối não, nghệ sĩ dường như chưa lường hết hậu quả. Những cái tên dù rõ “kêu” nhưng khó hiểu, rối rắm khiến công chúng khó nhớ, khó định vị. Do đó, sản phẩm nghệ thuật của họ khó lan tỏa nếu không quá nổi bật. Với nghệ sĩ “cựu binh” đổi nghệ danh mới theo trào lưu sính ngoại, cái giá phải trả nhiều khi còn đắt hơn nghệ sĩ “tân binh”. Bởi nghệ danh mới đặt họ trở lại vạch xuất phát và giết chết phiên bản cũ đã từng tạo ấn tượng với khán giả. Họ phải làm lại từ đầu với phương châm “bình mới rượu mới”. Nếu hướng đi tiếp theo không thực sự bứt phá khỏi hình tượng cũ hay vượt mặt các gương mặt trẻ đương thời thì nghệ danh mới vốn lắt léo, khó hiểu sẽ chôn vùi sự nghiệp của họ rất nhanh.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nghe-danh-dau-phai-chiec-ao-i748852/