Nghề giáo - tự hào và trách nhiệm

Với truyền thống 'tôn sư trọng đạo', từ xưa đến nay, vai trò của người thầy trong xã hội ta luôn được đề cao. Nghề giáo thực sự trở thành nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Đó cũng là niềm tự hào để các thầy giáo, cô giáo ở khắp mọi miền đất nước vượt qua khó khăn, vững bước trong sự nghiệp “trồng người” đầy vẻ vang với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11), Báo Quân đội nhân dân giới thiệu một số ý kiến của các nhà giáo xung quanh vấn đề này.

GS, TS NGUYỄN VĂN MINH, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội: Giá trị cao quý của người thầy còn mãi

Đối với nghề giáo, ý nghĩa thiêng liêng là bồi đắp cả về nhân cách và trí tuệ cho học sinh, để mai này các em dù có làm nghề gì cũng đều là những người có tình yêu thương, có khát vọng, có trách nhiệm và dám dấn thân cho những gì tốt đẹp, là những công dân có đầy đủ phẩm chất, năng lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là điều mà mỗi nhà giáo cảm thấy tự hào.

Thời đại ngày nay, khoa học công nghệ phát triển nhanh, tác động lên mọi mặt đời sống xã hội; kinh tế tri thức đang lên ngôi, giao thoa văn hóa đang diễn ra. Công dân tương lai đòi hỏi nhiều tố chất. Do đó, giáo dục đòi hỏi những thay đổi phù hợp với thời đại, mặt khác phải giữ được cốt cách, bản sắc của dân tộc. Yêu cầu này đặt ra rất nhiều thách thức đối với người thầy. Giá trị cao quý của người thầy là mãi mãi, nhưng muốn làm tốt thiên chức của mình thì người thầy cần học hỏi không ngừng và thay đổi từ nhận thức đến hành động. Người thầy phải biết vấn đề nào mình trình bày, hướng dẫn, vấn đề nào học sinh có thể tìm hiểu; thay đổi vai trò từ thuyết giảng sang hướng dẫn, nêu vấn đề... Về giáo dục nhân cách, học sinh ngày nay chịu tác động đa chiều, việc định hình giá trị chân chính cho học sinh đòi hỏi người thầy không chỉ hiểu biết sâu mà còn phải đủ rộng và có những nền tảng đủ chắc chắn mới có thể định hướng cho học sinh.

Làm thầy là chọn cách tiếp cận, khơi dậy khát khao; hướng con người đến hành động cao cả, đối tượng là con người nên đó là nghề cao quý, nhưng để làm tốt là cả một quá trình tự học, tự rèn luyện, tự hoàn thiện rất gian nan. Làm thầy là sự tự học suốt đời để luôn làm mới mình, từ đó mới có thể làm tốt thiên chức "trồng người".

ĐỨC TUẤN (ghi)

 Học viên Cao đẳng Kỹ thuật hàng không, Trường Sĩ quan Không quân trong giờ học lý thuyết. Ảnh: ĐÀO CHƯƠNG HẠ

Học viên Cao đẳng Kỹ thuật hàng không, Trường Sĩ quan Không quân trong giờ học lý thuyết. Ảnh: ĐÀO CHƯƠNG HẠ

Thầy giáo ĐỖ TẤN NGỌC, Phó hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (tỉnh Quảng Ngãi): Hạnh phúc khi học trò trưởng thành

Đến nay, tôi đã có 25 năm công tác tại Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, ngôi trường từng có nhiều học sinh còn hạn chế cả về học lực và hạnh kiểm. Vì vậy, công việc chủ nhiệm và dạy học của tôi gặp không ít khó khăn. Nhưng là người thầy, tôi tự nhủ cần kiên trì, cố gắng trong nhiệm vụ dạy chữ và dạy người. Có những em học sinh cá biệt khiến tôi mất ăn mất ngủ để tìm các biện pháp uốn nắn, giáo dục phù hợp, hiệu quả nhất.

Thời gian thấm thoát trôi, bao thế hệ học trò của tôi đã ra trường. Có dịp gặp lại, tôi rất vui mừng và tự hào vì nhiều cô, cậu học trò quậy phá, cá biệt ngày nào... giờ đã thay đổi, trưởng thành. Các em lễ phép, ngoan hiền, chững chạc. Hầu hết các em đã xây dựng được cuộc sống gia đình ấm êm, công việc ổn định, có một số em nhanh nhẹn, ăn nên làm ra, cuộc sống khá giả. Vào những dịp lễ, tết, đặc biệt là Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi nhận được nhiều lời chúc mừng của các thế hệ học trò. Điều đó khiến tôi rất vui, nhưng tôi mừng và hạnh phúc nhất là các em đã trưởng thành. Vì thế, tôi càng thêm tự hào về học sinh của mình, về nghề giáo mà mình đã chọn, đồng thời tự nhủ phải tiếp tục phấn đấu và cống hiến.

SÔNG TRÀ (ghi)

Trung tá NGUYỄN ĐÌNH LÝ, Phó trưởng bộ môn Đường lối quân sự, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Trường Đại học Cần Thơ: Tự hào là người thầy "hai vai"

Từ cán bộ quân sự chuyển sang làm công tác giảng dạy, tôi gặp không ít khó khăn. Nhưng trước nhiệm vụ của người lính, người thầy, tôi chỉ có thể tiến bước. Bộ môn Đường lối quân sự vốn khô khan, khó học nên chúng tôi phải tìm cách để “mềm hóa”, giúp sinh viên không cảm thấy nhàm chán, khó tiếp thu.

Tuy nhiên, nhằm giúp sinh viên hiểu rõ hơn về môi trường quân đội, bảo đảm chất lượng học tập, chúng tôi duy trì rất nghiêm túc về thời gian, tác phong, kỷ luật... Cùng với đó, mỗi giáo viên luôn gương mẫu trong duy trì điều lệnh, kỷ luật, tác phong; tích cực học tập nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt. Nhờ tuân thủ nghiêm túc quy trình huấn luyện, kịp thời kiểm tra, uốn nắn nên các năm qua, 100% sinh viên đều đạt yêu cầu trở lên; tỷ lệ khá, giỏi khóa sau đều cao hơn khóa trước.

QUANG ĐỨC (ghi)

Thiếu tá VŨ HỒNG THANH, giảng viên Khoa Thiết bị hàng không, Trường Sĩ quan Không quân: Trách nhiệm trước đồng chí, đồng đội

Tôi rất vinh dự, tự hào khi được là giảng viên của Trường Sĩ quan Không quân-ngôi trường có bề dày truyền thống về đào tạo phi công, sĩ quan chỉ huy tham mưu kỹ thuật và nhân viên các chuyên ngành kỹ thuật hàng không. Có một điều đặc biệt, trước khi trở thành giảng viên, hầu hết chúng tôi là cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ ở đơn vị. Do đó, chúng tôi phải thường xuyên trau dồi kiến thức sư phạm trong quá trình lên lớp để tích lũy thêm kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy. Một điều đặc biệt nữa, ngoài mối quan hệ, tình cảm thầy trò, chúng tôi còn có tình đồng chí, đồng đội. Vì thế, bản thân tôi thấy mình càng phải có trách nhiệm hơn đối với mỗi học viên.

Trường Sĩ quan Không quân là một trong những học viện, nhà trường được Bộ Quốc phòng xác định xây dựng thành trường trọng điểm. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, nhà trường đang tích cực đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa trên cơ sở tiếp cận và ứng dụng hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để đáp ứng yêu cầu này, ngoài rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và tác phong công tác, chúng tôi luôn tích cực học tập nâng cao trình độ để làm chủ các loại vũ khí trang bị kỹ thuật mới, hiện đại; đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học viên.

MAI VĂN ĐÔNG (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/nghe-giao-tu-hao-va-trach-nhiem-644342