Nghê 'khoác áo mới'

Trong tiết mục Có không giữ mất đừng tìm x GENE của Nhà Tinh Hoa (chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai), được công chiếu trên VTV3, hình ảnh 2 chú nghê xuất hiện rực rỡ trên sân khấu đã trở thành dấu ấn khó phai trong lòng khán giả, đồng thời tạo hiệu ứng truyền thông vô cùng mạnh mẽ.

Tưởng chừng bị lãng quên

Nghê là một linh vật thuần Việt, mang nhiều đặc tính bản địa và rất gần gũi với người dân Việt Nam. Điệu múa nghê đã từng không thể thiếu trong các không gian cộng đồng, từ xóm làng đến cả sân triều đình. Câu nói “phượng múa, nghê chầu” cùng hình ảnh tượng nghê đặt trước cổng đình, chùa, đền, miếu đã trở nên quen thuộc tại các làng quê miền Bắc.

Cũng vì thế, trong các nghiên cứu về nghê, PGS-TS Đinh Hồng Hải, giảng viên cao cấp, Trường ĐH KHXH-NV, cho rằng: “Tìm hiểu về ý nghĩa biểu tượng con nghê giúp chúng ta hiểu thêm nhiều điều về văn hóa truyền thống Việt Nam”.

 Hình ảnh nghê xuất hiện trên sân khấu lớn cùng các ca sĩ

Hình ảnh nghê xuất hiện trên sân khấu lớn cùng các ca sĩ

Văn hóa truyền thống không chỉ là huyết mạch, là cái nôi nghệ thuật, mà còn là mảnh đất màu mỡ cho những sáng tạo trong việc ứng dụng nghệ thuật dân gian. Đó là thế mạnh độc đáo, tạo nên bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, một thời gian qua, hình ảnh con nghê cùng với một số nét văn hóa nghệ thuật dân gian có phần bị quên lãng. Vì thế, việc nghê xuất hiện trên sân khấu lớn, được nhiều người trẻ chú ý, đã góp phần quan trọng trong việc hồi sinh sự quan tâm của khán giả đối với văn hóa cổ truyền.

Bạn Hoài Thu, sinh viên trường ĐH Văn Lang, chia sẻ: “Tôi biết đến và bắt đầu tìm hiểu về nghê qua một bài viết thắc mắc trong diễn đàn đam mê văn hóa. Bài viết đặt ra câu hỏi: vì sao ngày nay một số nhà thường đặt cặp kỳ lân trước cửa thay vì đặt một cặp nghê như cha ông ta ngày xưa”. Thật bất ngờ, rất nhiều người khi được hỏi đã lầm lẫn giữa nghê và kỳ lân và nhầm tưởng ngày xưa cha ông ta cũng đặt kỳ lân ở cửa.

Trên thực tế, hình ảnh nghê dù thay đổi theo từng thời kỳ nhưng luôn khác biệt với kỳ lân như có bốn chân nhỏ, không có sừng, đuôi vắt ngược lên lưng, dáng thanh mảnh và nhỏ con giống với chó. Đặc biệt, khác hẳn sự hung dữ, mạnh mẽ của kỳ lân, nghê mang đậm tính hiền từ, nổi bật với tính trung thành.

Trong sách Phác họa Nghê - Gã linh vật bên lề (NXB Thế giới xuất bản), nhóm tác giả đã nhận xét hiếm có linh vật nào lúc chau mày ứa lệ, lúc toe toét miệng cười, có đủ cả hỉ nộ ái ố như nghê. Vì thế, hình ảnh nghê chất phác và khiêm nhường, nhỏ bé và hiền hậu mang những giá trị sâu sắc đối với đời sống người Việt, cũng như phù hợp với tính cách và bản chất người Việt.

Thu hẹp khoảng cách thế hệ

Dẫu gắn bó mật thiết với người Việt, nhưng sự vắng bóng trong suốt thời gian dài đã khiến hình ảnh nghê trở nên xa lạ với những thế hệ sau này. Với sự trở lại ngoạn mục trên sóng truyền hình, phân cảnh 2 chú nghê tung tăng nhảy múa đã nhận về nhiều phản ứng tích cực của khán giả. Đa số bạn trẻ tỏ ra tò mò và thích thú với những động tác vui nhộn của 2 “con vật lạ mắt”, nhưng cũng có những cảm xúc vỡ òa khi biết đó chính là con nghê đầy thân thương.

“Tôi gần như đã hét lên khi biết đó là hình ảnh con nghê chứ không phải bất kỳ con vật nào khác. Tôi đã thích nghê từ những chương trình TV ngày xưa, nhưng càng ngày hình ảnh nghê càng hiếm gặp. Sự xuất hiện của nghê trong chương trình với tôi như lời khẳng định về bề dày, sự đa dạng của văn hóa nước ta”, Phương Thanh, 22 tuổi, chia sẻ.

Để có tiết mục chỉn chu về phần hình ảnh lẫn nội dung, các ca sĩ trình diễn và ê kíp chương trình đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu và liên hệ để mang lên sân khấu 2 chú nghê sao cho phù hợp với thị hiếu nhưng vẫn đúng với nguyên mẫu. Nhờ đó, người trẻ được chiêm ngưỡng và hiểu thêm về văn hóa dân gian theo cách đầy hứng thú và tự nhiên.

Mặt khác, người thế hệ trước cũng gặp lại nghê với hình ảnh mới, năng động, tươi vui và sáng tạo hơn. Có thể nói, đây là tín hiệu tích cực trong hành trình “khoác áo mới” cho văn hóa nghệ thuật truyền thống, cũng như mang nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ.

Ngày nay, với thị trường giải trí đang dần lớn mạnh, sự xuất hiện của văn hóa dân gian trong các sản phẩm giải trí chất lượng cao như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu… hứa hẹn mang lại nhiều hiệu quả tích cực. Dẫu hành trình này vẫn còn nhiều thử thách, nhưng những nỗ lực trong việc lồng ghép yếu tố văn hóa dân gian vào nền văn hóa đại chúng không chỉ góp phần nâng tầm nghệ sĩ, còn đóng vai trò quan trọng trong hành trình đưa văn hóa dân gian trở về với vị trí vốn có.

HỒNG ÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nghe-khoac-ao-moi-post764840.html