Nghề làm biển quảng cáo xưa và nay

Nhiều người tò mò về nghề làm biển hiệu quảng cáo (QC) ngày xưa, bởi cách làm với những chất liệu thô sơ chắc hẳn khác biệt so với công nghệ hiện đại ngày nay.

Pa nô quảng cáo được vẽ bằng tay để giới thiệu phim của rạp Hòa Bình (TP Hải Dương) năm 1971 (ảnh trên). Máy móc hiện đại ngày nay có thể in ra hàng loạt các loại bạt nhựa để làm biển quảng cáo (ảnh dưới)

Pa nô quảng cáo được vẽ bằng tay để giới thiệu phim của rạp Hòa Bình (TP Hải Dương) năm 1971 (ảnh trên). Máy móc hiện đại ngày nay có thể in ra hàng loạt các loại bạt nhựa để làm biển quảng cáo (ảnh dưới)

Xưa vẽ tay

Theo một số họa sĩ, thập kỷ 50 của thế kỷ trước, nghề làm QC manh nha phát triển. Sang thập kỷ 60, nghề này thịnh hành hơn do nhu cầu của các cửa hàng tăng lên. Họa sĩ Chu Đức Tiến ở TP Hải Dương cho biết: "Trước kia, chúng tôi vẽ bằng tay hết. Sau khi chủ nhà có nhu cầu, căn cứ vào mặt hàng họ bán, kích thước và chất liệu thì mình lên ý tưởng. Quan trọng nhất trên biển quảng cáo phải có tên của chủ nhà và hình thù mặt hàng. Bán vàng thì phải vẽ hình viên kim cương, chiếc nhẫn; cắt tóc thì vẽ hình cái kéo hoặc chân dung nam, nữ... sau đó mới đến tên mặt hàng và chú thích cho mặt hàng đó. Vật liệu để làm biển QC chủ yếu bằng tôn, gỗ hoặc vẽ trực tiếp lên tường, cửa nhà. Chất liệu để thể hiện chủ yếu là các loại sơn nội địa, bột màu".

Họa sĩ Phạm Trí Tuệ kể sau khi đóng tấm tôn lên khung gỗ thì phác thảo bản vẽ bằng bút chì để bố cục, xác định vị trí hình minh họa và số lượng chữ cho phù hợp, sau đó vẽ từng chi tiết một. Khó nhất là vẽ hình minh họa vì tấm biển có hồn hay không phụ thuộc phần lớn vào hình thù đó để tạo ấn tượng cho người xem. Nhìn hình ảnh là biết ngay cửa hàng bán gì.

Ngày xưa còn hình thức vẽ QC cho các rạp phim rất thịnh hành và kỳ công. Thập kỷ 70 ở TP Hải Dương có rạp Hòa Bình trên đường Trần Hưng Đạo và rạp Thống Nhất trên đại lộ Hồ Chí Minh thu hút rất đông khán giả đến xem do phương tiện truyền thông chưa có nhiều. Khi có bộ phim mới, phải treo và dựng biển QC, áp phích, pa nô trước cửa rạp giới thiệu hình ảnh, nội dung phim sao cho hấp dẫn để thu hút khán giả. Đây là thời gian người thợ vẽ lại tất bật với công việc.

Vẽ QC cho rạp phim khó hơn vì phải vẽ nhiều hình người, màu sắc phải thật bắt mắt. Vợ của họa sĩ Chu Đức Tiến nhớ lại thời kỳ còn phụ chồng vẽ quảng cáo phim. Bà kể: "Ngày đó quảng cáo cho rạp phim phải vẽ trên vải, dùng bột màu pha bột hồ nếp cho đỡ phai màu và tránh mưa nắng. Mỗi mẻ nấu theo tỷ lệ 5 bát con nước, 1 bát con bột nếp, đun sôi nước sau đó hòa tan bột nếp với nước lạnh cho đỡ vón cục rồi mới đổ vào nồi nước sôi, đảo đều khoảng 10 phút thì bắc ra".

Từ tấm hình QC phim bé bằng bàn tay, người thợ vẽ phải chuyển thể sang tấm pa nô vài mét vuông. Theo họa sĩ Chu Đức Tiến, khó nhất là có bộ phim không có tấm hình QC nên họa sĩ hay thợ vẽ phải xem phim rồi tư duy và đưa hình ảnh của nhân vật chính, phụ và nội dung hấp dẫn nhất ra tấm pa nô. "Tôi lại thích vẽ kiểu này vì người vẽ thỏa sức sáng tạo. Ngày ấy, vẽ 1 tấm pa nô được 45 đồng, tương đương với 1 tháng lương của cán bộ nhà nước", họa sĩ Chu Đức Tiến kể.

Những năm 90, nghề làm biển QC chuyển sang công nghệ mới với các chất liệu biển hiệu làm bằng mica và dán đề can, thậm chí còn có thêm đèn chiếu sáng. Anh Đoàn Mạnh Hà, chủ cơ sở QC Mạnh Hà trên đường Ngô Quyền (TP Hải Dương) chia sẻ: "Khi máy cắt vi tính chưa có, người thợ phải vẽ chữ bằng bút chì trên tấm giấy nhựa dán đề can, sau đó dùng dao trổ để cắt từng chữ, rất tỉ mỉ và mất nhiều thời gian hơn cả vẽ sơn và bột màu trước kia. Nhiều người thi vào trường mỹ thuật những năm 1996 - 1997 cũng phải thi môn năng khiếu là vẽ chữ bằng tay".

Theo nhiều họa sĩ, vẽ QC bằng tay với những chất liệu mộc mạc ngày xưa có nét đẹp riêng bởi nó thể hiện cảm xúc của người thợ vẽ trong tác phẩm và tình cảm riêng với mỗi chủ nhà.

Nay dùng vi tính

Theo xu thế và sự phát triển của xã hội, nghề làm QC đã có nhiều thay đổi. Mẫu QC được thiết kế trên máy tính. Nhiều nơi sử dụng công nghệ pha màu tự động, cắt chữ máy cắt CNC.

Nhiều chất liệu hiện đại như tấm hợp kim nhôm, nhựa cứng mica, nhựa xốp, bạt nhựa, mạ đồng, mạ inox, nhựa cao cấp… cùng nhiều kiểu dáng bắt mắt như biển QC hộp đèn, biển QC bạt nhựa, biển QC chữ nổi đồng, inox, biển QC gắn chữ nổi, biển LED điện tử chạy chữ được lập trình nhiều kiểu đa dạng.

Anh Mạc Văn Trường, chủ cơ sở QC Thần Phong trên đường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) cho biết hiện nay có nhiều hình thức QC bắt mắt nhờ công nghệ hiện đại có sử dụng đèn LED và đèn chiếu sáng như biển QC chuyển hình động có thể thay đổi nhiều hình cùng lúc, biển hiệu đèn neon. Bảng hiệu nhựa cứng mica khi gắn thêm đèn LED âm trở nên khác biệt, tạo được hiệu ứng bắt mắt, nhất là khi về đêm. Biển hiệu bằng gỗ mang lại một nét mộc mạc, đơn sơ nhưng cũng không kém phần độc đáo, được sử dụng cho nhiều khu du lịch sinh thái, quán cà phê, quán ăn.

Vẫn biết, nghề nào cũng cần bắt kịp với xu thế chung nhưng nhiều người vẫn rất thích thú và tò mò với nghề làm QC xưa.

THẾ ANH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/nghe-lam-bien-quang-cao-xua-va-nay-114067