Nghệ nhân Hùng Đình Quý với cây khèn Mông

Với người Mông, cây khèn được coi là tín vật tâm linh, tiếng khèn đại diện tiêu biểu cho nét đẹp trong văn hóa, đời sống, sinh hoạt của đồng bào.

Nghệ nhân Hùng Đình Quý (trái) chế tác khèn Mông.

Nghệ nhân Hùng Đình Quý (trái) chế tác khèn Mông.

Anh Hùng Đình Quý, thôn Lùng Cáng, xã Thanh Vân (Quản Bạ) là nghệ nhân thổi khèn Mông có tiếng không chỉ ở thôn, xã mà còn là một trong những nhân tố quan trọng trong công tác bảo tồn, lưu giữ và phát huy những nét đẹp của cây khèn Mông. Nhiều năm gắn bó với cây khèn, nghệ nhân Hùng Đình Quý nắm rõ từng giai điệu, nhịp điệu của tiếng khèn. Với lo lắng cây khèn bị mai một, đặc biệt tại địa phương hiện số người làm khèn còn rất ít, mong muốn phát huy nghề và lưu giữ tiếng khèn của dân tộc mình, nghệ nhân Hùng Đình Quý đã tìm tòi và học cách chế tác khèn Mông. Sau nhiều năm miệt mài học hỏi, đầu năm 2018 cây khèn đầu tiên của anh Quý chế tác được hoàn thành.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Quý cho biết: Chế tác khèn, trước hết phải đảm bảo độ chuẩn về âm thanh, kích thước bầu khèn, ống khèn. Vật liệu để làm khèn gồm: Bầu khèn được làm từ cây thông đá mọc ở rừng đá cao; 6 ống của cây khèn làm từ cây trúc nhỏ, đủ độ già và các lá thép đồng nguyên chất để tạo âm thanh. Trải qua 11 công đoạn cẩn thận, tỷ mỉ của người chế tác, sản phẩm sẽ là một cây khèn có thời gian sử dụng từ 10 - 15 năm, có cây dùng được đến 30 năm.

Năm 2020, nghệ nhân Quý cùng con trai chế tác được 80 cây khèn, bán cho các huyện trong tỉnh và một số tỉnh bạn như Cao Bằng, Sơn La. Đặc biệt, anh Quý còn xuất sang Mỹ, Trung Quốc 45 cây khèn.

Bài, ảnh: Hoàng Chính (Quản Bạ)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202102/nghe-nhan-hung-dinh-quy-voi-cay-khen-mong-771931/