Nghệ nhân ưu tú Hồng Oanh nặng lòng với hồn dân tộc

Nghệ nhân Ưu tú Hồng Oanh trao đổi với tác giả. Ảnh: PV

Mê đắm dân ca ví, giặm từ khi còn là một cô bé, lớn lên bà hiểu được giá trị của những câu hò, điệu lý… nên góp phần gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp của dân ca. Nghệ nhân Ưu tú Hồng Oanh là người luôn hướng về cội nguồn dân tộc.

1 Gần chạm ngưỡng 70, nhưng trông nghệ nhân Hồng Oanh tràn đầy năng lượng. Bà ngâm thơ. Bà hát dân ca các vùng miền của đất nước. Bà hát bài chòi y hệt người xứ Nẫu.

Và bà trải lòng về niềm đam mê lớn của đời mình: “Tôi mê hát ru từ năm 6 tuổi. Khi còn là một cô bé, tôi đã hát ru rồi. Lùa trâu đi qua ngõ nhà người ta, nghe người ta hát ru, tôi gãi gãi xoa xoa con trâu cho nó đứng lại một tí để nghe bài hát đấy”. Mê đắm dân ca nên khi lớn lên, dù nặng nỗi lo cơm áo gạo tiền nhưng bà “vẫn hát khi xay lúa, múa khi tối trời”. Bà tự học và hát bằng niềm đam mê, bằng tâm hồn. “Nhiều khi người hát là mình, người nghe cũng là mình. Mình tự tạo sân khấu cho mình. Hát trong bếp, hát khi ngồi với bạn bè… Dân ca là bản sắc, là cốt cách, là di sản của một dân tộc”, Nghệ nhân Ưu tú Hồng Oanh hào hứng.

Năm 1981, bà xa núi Hồng sông Lam, vào Nam lập nghiệp. Sau một thời gian sống ở Tiền Giang, đến năm 1989, gia đình bà chuyển về TP Hồ Chí Minh. Khi ổn định cuộc sống, bà thành lập CLB truyền dạy dân ca ví, giặm của quê hương mình và dân ca ba miền cho lớp trẻ. Bà nói, ví, giặm là hồn của núi Hồng sông Lam. Bài chòi Phú Yên là hồn của đất Phú trời Yên… Dân ca là tâm tư tình cảm, cách ứng xử của người xưa.

Nghệ nhân Ưu tú Hồng Oanh đầy năng lượng ở tuổi gần 70. Ảnh: H.V

Người xưa yêu nhau tinh tế lắm “Thiếp thương chàng đừng cho ai biết/ Chàng thương thiếp đừng để cho ai hay/ Rồi ra miệng thế lắt lay/ Cực chàng chín rưỡi, khổ thiếp đây mười phần”. “Bây giờ mận mới hỏi đào/ Vườn hồng có lối ai vào hay chưa?/ Mận hỏi thì đào xin thưa/ Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào”. Rất tinh tế.

“Người xưa đã cho mình một khối tài sản vô cùng quý giá: “Tham thì thâm”, “Liệu cơm gắp mắm”, “Chạy trời không khỏi nắng”, “Có phúc mặc sức mà ăn”, “Ði một ngày đàng, học một sàng khôn”… Cha ông cho cả rồi, mình cứ dựa vào đó mà sống. Tôi trân quý những điều đó, trân quý tục ngữ ca dao, trân quý những câu hát của cha ông”, nghệ nhân Hồng Oanh chia sẻ. Bên cạnh việc truyền dạy hát, bà còn đặt lời mới cho các làn điệu dân ca.

2 Nghệ nhân Ưu tú Hồng Oanh (tên khai sinh là Nguyễn Thị Hồng Vanh) sinh năm 1955, tại xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Là người con của núi Hồng sông Lam, bà mê đắm Truyện Kiều. Với lòng biết ơn đại thi hào Nguyễn Du, nghệ nhân Hồng Oanh đã ngâm toàn bộ Truyện Kiều trên nền nhạc và ghi vào 12 CD. Năm 2016, bà phối hợp với Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh mời các nghệ nhân, nghệ sĩ có tên tuổi thực hiện CD Hát thơ Kiều bằng dân ca ba miền.

Ðiều thú vị nữa là Nghệ nhân Ưu tú Hồng Oanh đã ra mắt 4 tập thơ, tên mỗi tập chỉ có hai từ. Bà chia sẻ: Tập thơ đầu tiên Trăng xuân, là ơn cha mẹ; tập thơ Sóng hát là những cảm xúc lúc mình biết yêu; tập thơ Ðất ngời là khi mình ổn định cuộc sống; tập thứ tư Gió gọi, là tri ân những người tuổi mười tám đôi mươi, lấy ngực che cho Tổ quốc. Trên suốt dải đất Việt Nam, hòn đất nào cũng thấm máu cha ông. Cho nên mình phải biết ơn.

Người bỗng thành ngọn gió

Bay về phía vô cùng

Người trở thành giọt nắng

Soi xuống dòng sông xanh

3 Gia đình nghệ nhân Hồng Oanh 5 đời làm thầy thuốc. Cha bà cũng làm thầy thuốc và dạy chữ Nho; mẹ là nông dân nhưng hát ru, ngâm thơ rất hay, lại còn biết hát thơ Kiều. Mẹ bà tính hay thương người, gặp ai khó khăn cần giúp, mẹ bà đều giúp. Cô bé Hồng Vanh được nuôi dưỡng bằng những câu hát ru, bằng điệu ngâm thơ và cái nôi nhân ái của gia đình. Bà nói điệu ngâm thơ như giọt đàn bầu, như tiếng ru của mẹ, tiếng ru của đất nước, tiếng ru của tổ tiên, rất đặc sắc. Mẹ, và sau này có Nghệ sĩ Nhân dân Trần Thị Tuyết - một người chị thân thiết - là người dạy bà ngâm thơ.

Trong suy nghĩ của nghệ nhân Hồng Oanh, mỗi người là một tiểu vũ trụ; cách nói năng thể hiện tâm hồn của một người. “Mình học từ cha ông, cảm nhận những năng lượng tốt từ cha ông; tìm kiếm và lan tỏa năng lượng tốt từ bạn bè, ngoài xã hội. Tôi biết ơn cha mẹ, biết ơn tổ tiên, biết ơn mảnh đất hình chữ S này”, bà thổ lộ.

Ðam mê và có nhiều cống hiến, năm 2012, nghệ nhân Hồng Oanh được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian. Ba năm sau, năm 2015, bà được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/270445/nghe-nhan-uu-tu-hong-oanh-nang-long-voi-hon-dan-toc.html