Nghệ nhân ưu tú Lý Lết hết lòng với sự nghiệp văn hóa phi vật thể
Tôi được gặp gỡ ông trong một dịp ông về quê hương Sóc Trăng có việc riêng (hiện tại ông ở phường Hưng Phú, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) và nghệ nhân ưu tú Lý Lết đã cho tôi nhiều bất ngờ, thú vị.
Hiện tại, ông vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu, thực hành các vốn tạo hình trên họa tiết cổ điển kết hợp không gian kiến trúc chùa Khmer Nam bộ, hệ thống các dạng họa tiết cổ điển trên gỗ và các chất liệu hiện đại. Đây còn là con đường ông đã lựa chọn thời trẻ và theo đuổi cho đến nay.
“Năm 1971, tôi được 10 tuổi theo cha là nghệ nhân Lý Nghét ngụ xã Phú Mỹ (Mỹ Tú) làm nghề hội họa, điêu khắc và kiến trúc chùa Khmer, thiết kế các hoa văn họa tiết các chánh điện chùa, trang trí họa tiết tháp mái, cổng tường, tượng Phật của các chùa Khmer” - nghệ nhân Lý Lết tâm tình.
Kể từ đó, ông miệt mài với nghề và bắt đầu từ năm 1980 về sau, ông có thể tự mình thực hiện các công việc mà ông được cha mình truyền lại như thiết kế mẫu chánh điện, khắc các mẫu viền chân tường chánh điện, hoa văn cổng chùa và sala các chùa Phật giáo Nam tông… Nổi bật là các công trình đã thực hiện ở chùa Trà Tim (Sóc Trăng), chùa Vam Ray (Trà Vinh), chùa Lâm Dồ (Trần Đề), chùa Bố Thảo (Mỹ Tú), cổng trường và các mẫu trang trí Trường Trung cấp Pali Nam bộ (Sóc Trăng); phục chế chùa Dơi (Sóc Trăng) sau hỏa hoạn…
Đặc biệt, năm 2010 ông được vinh dự ra Thủ đô Hà Nội thiết kế hoa văn công trình chùa Khmer tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Đây là công trình tiêu biểu nhất, thể hiện đầy đủ và thống nhất các mô típ trang trí vốn cổ của các chùa Khmer Nam bộ.
Song song với quá trình làm nghề, ông cũng đã nhận học trò để truyền dạy kỹ năng, kỹ xảo thực hiện các mô hình, họa tiết sống động, có hồn với mong muốn duy trì và ngày càng phát huy nghề hội họa, điêu khắc, kiến trúc chùa Khmer.
Nghệ nhân ưu tú Lý Lết trải lòng: “Tôi thấy các công việc hội họa, điêu khắc và kiến trúc chùa Khmer ngày càng phát triển nhưng ít có những nghệ nhân có tay nghề để thực hiện, nên tôi bắt đầu nhận và truyền nghề cho học trò từ những năm 1980. Đến nay, đã truyền dạy cho trên 200 người cùng tham gia thực hành di sản văn hóa phi vật thể nghề hội họa, điêu khắc và kiến trúc chùa Khmer, thiết kế các hoa văn họa tiết các chánh điện chùa, trang trí họa tiết tháp mái, cổng tường, tượng Phật của các chùa Khmer”. Hiện tại, nghệ nhân ưu tú Lý Lết vẫn tiếp tục công việc nghiên cứu, thực hành các vốn tạo hình trên họa tiết cổ kết hợp không gian kiến trúc chùa Khmer Nam bộ, hệ thống các dạng họa tiết cổ điển trên gỗ và các chất liệu hiện đại từ vốn quý của cha ông. Đồng thời nghiên cứu sâu chất liệu vữa truyền thống, dùng đắp tượng và phù điêu cho các công trình văn hóa, các bố cục cho ngôi chùa.
Trong suốt quá trình hoạt động cống hiến hết mình cho lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, ông đã được trao tặng nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý, nhiều bằng khen, giấy khen của bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh, các giải thưởng tại các triển lãm mỹ thuật các cấp. Đặc biệt, được Hội đồng xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 3 năm 2021 tỉnh Sóc Trăng đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.