Nghề nuôi cá lồng - Cần có cơ chế hỗ trợ tích cực

Nhớ về thời kỳ phát triển nhất của nghề nuôi cá lồng, anh Dương Tiến Dũng - khu 5, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy cho biết: Hồi đó nhà tôi có tới 17 lồng cá, mỗi năm xuất bán khoảng 30 tấn cá các loại, thu về hàng tỉ đồng tiền lãi. Tuy nhiên, khi nhắc về thời kỳ hoàng kim này, anh Dũng chia sẻ: Giờ cả xã Xuân Lộc khéo chỉ còn hơn 60 lồng cá 'teo tóp'. Ngay như nhà tôi bây giờ cũng chỉ còn duy nhất một lồng cá, mà chủ yếu là cá lưu từ các lồng cũ bị hỏng dồn lại, chứ chưa có nhu cầu vào cá và làm lồng mới.

Làng nuôi cá lồng Xuân Lộc teo tóp như hiện nay

Thời kỳ trước, khi nghề nuôi cá lồng phát triển, cả xã Xuân Lộc có tới trên 150 lồng cá đủ loại, nuôi nhiều giống quý hiếm như cá bỗng, cá lăng… Khi đó, trên bến dưới thuyền, người bán cám cá, người mua cá, nhà nhà ra lồng, vào cá tấp nập, không khí làm ăn, bàn chuyện vào cá, thêm lồng… nhộn nhịp khắp làng trên xóm dưới. Nhiều chủ hộ giầu lên từ cá, nhiều dịch vụ kèm theo phát triển mạnh.

Từ 17 lồng cá, giờ nhà anh Dương Tiến Dũng chỉ còn duy nhất một lồng

Những năm 2018-2019 nghề nuôi cá lồng ở Xuân Lộc bắt đầu gặp nhiều khó khăn, lao đao. Nguyên nhân chủ yếu vẫn do thời tiết khắc nghiệt, sông Đà liên tục cạn, đặc biệt, năm 2019-2020, sông Đà khan cạn kéo dài, thủy điện Hòa Bình xả nước làm chết hàng loạt cá, có nhà một đêm chết hàng tấn cá lăng, cá trắm cỏ, diêu hồng, rô phi… khiến cho nghề cá bước vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng; lồng bè hư hỏng, bỏ hoang, trôi dạt nhiều; không ai có tư tưởng nào để làm thêm lồng, vào thêm cá. Nhiều chủ lồng, nhắc đến nghề là thở dài, ngao ngán…

Từng là một trong những chủ lồng đầu tiên ở Xuân Lộc, định vị được thương hiệu cá lồng, anh Đặng Văn Luyện từng có đến 23 lồng cá nhưng nay chỉ còn có 3 lồng sau nhiều trận quăng quật lên xuống cùng nghề. Bên ấm trà, anh Luyện thở dài cho biết: Nghề cá lao đao nên kinh tế cũng suy giảm theo. Hết tiền vào cá, cải tạo lồng; nợ nần chồng chất, tôi phải bỏ sông đi làm đủ thứ nghề như: Giao bia, làm sắt… Cũng muốn khôi phục lại nghề này, nhưng thực sự giờ kinh tế quá khó khăn, cộng mấy năm COVID-19, nên giờ rất muốn làm lại mà chưa nghĩ ra cách. Còn 3 lồng cá lèo tèo cũng cố duy trì để thêm thắt đồng ra đồng vào.

Nhiều hộ dân xã Xuân Lộc đang rất muốn khôi phục nghề nhưng câu chuyện vốn, giống… đang là nỗi băn khoăn khó tháo gỡ.

“Vua” cá lồng một thời, ông Thiều Minh Thế - Chủ nhiệm HTX nuôi cá lồng Xuân Lộc, người từng có tới hơn 60 lồng cá giờ cũng còn không được bao nhiêu. Sau nhiều đận lao đao, ông chuyển sang mô hình nuôi cá sông trong ao, rồi nuôi ếch sông… nhưng kinh tế cũng suy giảm nhiều. Ông Thế cho biết: Cũng muốn phát triển tiếp tục nghề này cho anh em bạn bè trong Hợp tác xã nhưng qua nhiều đợt lao đao, kinh tế khó khăn, nợ nần còn nhiều nên nhiều người vẫn e dè cùng với đó có hộ đã “cụt vốn” nên rất cần những cơ chế hỗ trợ tích cực của Nhà nước để nghề được phục hồi sớm.

Sông Đà nước vẫn xanh ngắt, lồng bè nhộn nhịp thủa nào giờ lèo tèo người mua bán. Khỏa tay xuống dòng nước chảy cuồn cuộn, anh Dũng ngậm ngùi: “Nhớ nghề, tiếc lắm nhưng cũng chỉ biết chờ thôi. Tới đây, tôi và nhiều hộ định mở rộng lồng, vào thêm cá mới, nhưng đầu tư thế nào, vốn giống ra sao, liệu có gặp những đợt thiên tai liên tiếp như xưa không thì không ai dám chắc...”

Quốc Hội

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/nghe-nuoi-ca-long-can-co-co-che-ho-tro-tich-cuc/191402.htm