Nghề nuôi cá trên sông Sêrêpôk cần hỗ trợ để phát triển

Khi nhà máy thủy điện chặn dòng sông Sêrêpôk, khúc sông nơi anh Nguyễn Minh Tuyến, thành viên Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp thủy sản EaTung-Drai (xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) sinh sống đã tạo thành một vùng nước khá ổn định.Lúc này, anh nghĩ đến việc nuôi cá lồng bè trên sông. Năm 2019, anh Tuyến đầu tư hệ thống lồng bè ngay sát khúc sông, bắt đầu mô hình nuôi cá thương phẩm.

Theo anh, nuôi cá lồng bè trên sông có ưu điểm không phải tốn chi phí đào ao, nguồn nước ít bị ô nhiễm... thuận lợi cho cá sinh trưởng. Anh chọn cá trắm và diêu hồng bởi những loại cá này dễ nuôi, nguồn thức ăn đa dạng, thị trường ưa chuộng. “Điều tôi trăn trở nhất là kỹ thuật phòng bệnh cho cá. Đợt nắng nóng vừa qua, nhà tôi bị thiệt hại hơn 100 triệu đồng do cá chết. Thời điểm đó, nước sông giảm sâu nên nước nóng khiến một lồng cá giống chết sạch, những lồng còn lại chết 5-6 tạ/lồng. Dù chúng tôi liên tục khử khuẩn, xử lý cá chết tránh ô nhiễm nhưng không hiệu quả. Giá như được hỗ trợ về kỹ thuật thì tôi đã biết xử lý tình huống khi cá chết hàng loạt. Một vấn đề nữa là tôi nuôi cá theo hướng tự nhiên, thức ăn chủ yếu là cỏ và phụ phẩm nông nghiệp, thời gian nuôi lâu (18 tháng với cá trắm) nên cá chắc thịt, ăn thơm ngon hơn, nhưng do chưa xây dựng được thương hiệu cá sạch nên giá bán không cao, bị cào bằng với cá nuôi công nghiệp”, anh Nguyễn Minh Tuyến chia sẻ.

 Lồng nuôi cá của anh Nguyễn Minh Tuyến trên sông Sêrêpôk.

Lồng nuôi cá của anh Nguyễn Minh Tuyến trên sông Sêrêpôk.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều người nuôi cá trên sông Sêrêpôk ngần ngại mở rộng diện tích nuôi vì thiếu kỹ thuật chăm sóc, nhất là khâu xử lý bệnh của cá. Theo đó, bệnh thường gặp nhất ở cá là nấm ngoài da, rất dễ lây lan trên diện rộng. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên người nuôi không phát hiện được những dấu hiệu ban đầu. Kể cả khi phát hiện cá bị bệnh nhưng không có sự tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật nhanh chóng tại chỗ để điều trị kịp thời thì vẫn thiệt hại rất lớn.

Ngoài trăn trở về kỹ thuật nuôi trồng, người nuôi cá cũng mong muốn được hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho cá thương phẩm trên sông Sêrêpôk để mở rộng đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nay, giá cá thương phẩm dao động từ 55.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, không chênh lệch nhiều so với nuôi công nghiệp. Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lê Văn Trọng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp thủy sản EaTung-Drai cho biết: “Mặc dù nuôi cá trên sông Sêrêpôk rất tiềm năng nhưng vì những lý do trên nên số lượng thành viên tham gia nuôi cá còn khá khiêm tốn, mới có 46 thành viên. Chúng tôi mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, giúp hội viên đầu tư mở rộng mô hình nuôi cá, được tập huấn các lớp nuôi trồng thủy sản để có thêm kiến thức bổ ích. Khi có diện tích nuôi trồng đủ lớn, Hợp tác xã sẽ phát triển chuyên sâu mô hình này gắn với xây dựng thương hiệu cá thương phẩm của vùng Ea Na”.

Những mong muốn của người dân và thành viên Hợp tác xã Sản xuất dịch vụ nông nghiệp thủy sản EaTung-Drai là hoàn toàn xác đáng. Để hỗ trợ họ phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng địa phương, rất mong ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk và huyện Krông Ana sớm quan tâm, hỗ trợ.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/nghe-nuoi-ca-tren-song-serepok-can-ho-tro-de-phat-trien-732098