Nghệ sĩ Opera Việt Nam - Thừa mà vẫn thiếu

Ở Việt Nam, opera có một vị trí khá quan trọng, góp phần làm cho đời sống âm nhạc thêm phong phú. Hàng năm, Khoa thanh nhạc Học viện âm nhạc quốc gia VN luôn nhận được nhiều hồ sơ đăng ký dự thi nhất. Thế nhưng tình trạng sinh viên thanh nhạc ra trường không theo loại hình opera chiếm tới 70-80%. Tình trạng'thừa mà vẫn thiếu' các nghệ sĩ opera vẫn diễn ra trong suốt nhiều năm qua.

Đức Thành và Thanh Huyền là những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hệ cao học của khoa thanh nhạc- HVANQG Việt Nam. Hơn 10 năm học tập, rèn luyện để có thể trở thành những nghệ sĩ opera thực thụ thế nhưng khi ra trường họ lại đi theo một lối rẽ khác, đó là trở thành giảng viên khoa âm nhạc ứng dụng của một trường đại học. Đây không phải là những trường hợp đặc biệt mà đã trở thành tình trạng chung của sinh viên khoa thanh nhạc. Vậy tại sao họ lại có sự lựa chọn như vậy?

Anh NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Giảng viên Khoa Âm nhạc ứng dụng- Trường Đại học Thăng Long: Với một thực trạng là xã hội ngày càng phát triển và nhu cầu của khán giả, thì tôi thấy rằng mong muốn trở thành một nghệ sĩ opera đó quả là một con đường rất là khó. Và bên cạnh đó, sự hạn chế về các cơ sở , cũng như là các nhà hát không nhiều vì vậy có một sự khắt khe khi tuyển chọn những nghệ sĩ opera. Chính điều đó tôi muốn chọn riêng cho mình một con đường, nó vừa nối tiếp được niềm đam mê của mình và mình vẫn hoạt động bằng cái nghiệp mà mình đã được đào tạo, song song đó có thể bảo đảm cho cuộc sống của mình”

Chị NGÔ THANH HUYỀN, Giảng viên Khoa Âm nhạc ứng dụng- Trường Đại học Thăng Long:Ngay từ khi mình tiếp cận dòng nhạc opera này thì mình cũng cảm thấy rằng rất nhiều sinh viên theo học, rất nhiều sinh viên đam mê nhưng môi trường để tồn tại, để phát triển cũng như đất diễn dành cho những người đam mê môn nghệ thuật này nó rất là ít. .. không có môi trường để họ phát triển bản thân cũng như là phát triển dòng nhạc đó”

Sự hạn chế về cơ sở, không có nhiều môi trường để phát triển, cơ chế chính sách không đảm bảo cho cuộc sống...là những lý do khiến phần lớn các sinh viên khoa thanh nhạc sau khi ra trường đều chuyển hướng trong nghề nghiệp. Ở miền Bắc nước ta, Nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam là môi trường duy nhất quy tụ các nghệ sĩ opera chuyên nghiệp, chính vì vậy sự tiếp nhận các nghệ sĩ trẻ hay các sinh viên mới ra trường cũng không phải điều dễ dàng, và khi đã được nhận vào để có thể trở thành solist chính càng là một điều khó khăn hơn nữa...

Nghệ sĩ ĐÀO NGUYÊN VŨ, Giảng viên Khoa Thanh nhạc- Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam: Đầu ra của thanh nhạc cổ điển hiện nay, về một nhà hát opera thì chúng ta chỉ có một là Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Để đào tạo nghệ sĩ opera hiện nay nếu nói ra là chưa có đào tạo chuyên nghiệp, mới chủ yếu là đào tạo về âm nhạc chứ chưa có một chương trình đào tạo bồi dưỡng nghệ sĩ opera mang tính chất chuyên nghiệp. Ví dụ như đào tạo nghệ sĩ opera thì người nghệ sĩ opera phải được học biểu diễn về kịch, múa, về diễn suất ...thì mới trở thành được một nghệ sĩ opera.”

Trong nền âm nhạc mới Việt Nam, opera có một vị trí quan trọng, góp phần cho đời sống âm nhạc thêm phong phú. Tuy nhiên, chúng ta chưa có được một lực lượng nghệ sĩ hát opera tương xứng nên hiệu quả chưa cao, chưa tạo được sức hút đối với khán giả. Đã đến lúc chúng ta cần có sự định hướng, giải pháp cụ thể để opera không chỉ là sự lựa chọn bắt đầu của mỗi một sinh viên thanh nhạc mà còn là một nghề nghiệp mà mỗi người muốn gắn bó và cống hiến cho nền âm nhạc bác học này tại Việt Nam

Thực hiện : Nhật Thảo Cao Hoàng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nghe-si-opera-viet-nam-thua-ma-van-thieu