Nghệ thuật từ đôi bàn tay

PTĐT - Xuất phát từ cuộc sống đã bao nhiêu đời nay gắn bó với rừng đồng bào dân tộc Mường đã tận dụng tối đa những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như: Tre, nứa, bương… từ đôi bàn tay khéo léo để tạo ra những sản phẩm có tính ứng dụng, độ bền và thẩm mỹ phục vụ cuộc sống sinh hoạt. Với họ, đó không chỉ là nghề đơn thuần mà hơn hết là hồn cốt, chứa đựng trong ấy 'nghệ thuật riêng'.

Hông xôi là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình đồng bào Mường

Hông xôi là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình đồng bào Mường

Bên nếp nhà sàn cổ, đã mấy ngày nay ông Đinh Văn Khánh, xóm Chuôi xã Khả Cửu, huyện Thanh Sơn cặm cụi, cẩn trọng đan những chiếc ớp ( gùi) cho vợ, con dâu chuẩn bị gùi lúa vụ mới. Tiếp chúng tôi, xung quanh là những nan, lạt… và con dao sắc, bàn tay vẫn thoăn thoắt đan từng chiếc nan, ông cho biết: Người Mường ở Khả Cửu hầu như ai cũng biết làm những vật dụng trong gia đình từ tre, nứa như: Ớp, giỏ, nia, thúng, rổ, rá…Bản thân tôi biết làm từ năm 17 tuổi sau nhiều lần “học mót” cách làm của bố. Để đan một hoàn chỉnh một chiếc ớp tôi cần 2 – 3 giờ đồng hồ, bao gồm cả việc chuẩn bị nguyên liệu. Cần có 3 loại nan để đan ớp, gồm: Nan dọc cứng, nan ngang đan vòng quang và rát là những thanh ngắn dày gài dưới đáy để ớp cứng cáp và chắc chắn hơn. Trong tất cả công đoạn của nghề đan lát, việc pha, chẻ nan khó hơn cả, đòi hỏi sự khéo léo của người làm và công cụ hỗ trợ là dao phải sắc bén để đảm bảo các nan có độ mỏng, dầy tương đương nhau, có như vậy lúc làm mới dễ dàng và sản phẩm mới đẹp.Giờ có rất nhiều vật dụng thay thế được làm từ các chất liệu vừa đảm bảo độ bền lại có nhiều mẫu mã bắt mắt, giá thành phải chăng nhưng với chúng tôi, nghề đan không chỉ dừng lại ở mục đích sử dụng hàng ngày mà hơn hết nó còn lưu giữ nét truyền thống của đồng bào mình…”

Chiếc ớp của đồng bào Mường được treo vòng qua đầu

Chiếc ớp của đồng bào Mường được treo vòng qua đầu

Bởi sự khéo léo, nhiệt tình nên ông Khánh không chỉ đan những vật dụng sử dụng trong gia đình mà còn thường xuyên giúp hàng xóm, bà con trong xã khi thì cạp lại cái miệng rổ, rá, thúng… bị bễ hay hoàn thành trọn vẹn một sản phẩm. Theo đồng bào dân tộc Mường, tre, nứa, bương… sau khi chặt về có thể sử dụng để đan luôn được. Sản phẩm làm xong thường được để lên gác bếp, hong khô và bám khói, bồ hóng cho đến khi đen bóng sẽ có độ bền cao, chống mối mọt tốt. Để “tận dụng” thời gian, người Mường chẻ sẵn nan rồi gác lên bếp, tranh thủ những ngày mưa không thể lên nương, đi rừng mang ra làm. Với loại nan khô này, trước khi đan cần ngâm với nước lạnh khoảng 1 giờ để lạt mềm sẽ dễ làm hơn. Ngoài ra, họ cũng tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để đan thành phên, hàng rào vừa quây, ngan gà, vịt, lợn vừa tô điểm cho “bức tranh” nơi xóm núi thêm đẹp. Không chỉ dừng lại ở những vật dụng phục vụ cuộc sống lao động hàng này, từ đôi bàn tay khéo léo, đồng bào dân tộc Mường còn làm ra những sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao như: Hộp đựng trầu cau, hom để quần áo, vật dụng cá nhân cho con gái mang về nhà chồng…

Đan hoàn chỉnh 1 chiếc ớp cần thời gian 1-2 giờ đồng hồ

Đan hoàn chỉnh 1 chiếc ớp cần thời gian 1-2 giờ đồng hồ

Rau đồ (xôi), xôi ngũ sắc là những món ăn nức tiếng mang hương vị đặc trưng của đồng bào Mường. Ít ai biết rằng những món ăn đặc sắc ấy được làm chín bằng hơi bởi hông( chõ) - vật dụng bằng gỗ được đẽo, gọt từ đôi bàn tay của những người đàn ông xứ Mường. Có dịp đến với chợ phiên vùng cao thuộc huyện Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, nhất là vào dịp giáp Tết Nguyên đán, không khó để có thể nhìn thấy những chiếc hông được làm tròn trịa với nhiều kích cỡ được bày bán bởi những người dân nơi đây. Hông được làm từ thân các loại gỗ mềm, không độc hại (thường gỗ mít, nhội…). Bởi được làm thủ công nên mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện một sản phẩm. Ông Đinh Văn Cảnh- xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn cho hay: “Khâu đục tạo dáng là khó nhất vì nó quyết định đến chất lượng, hình dáng của hông. Cho nên người làm phải thật khéo léo, tỉ mỉ và dựa vào kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân khi đục. Dù hiện nay có rất nhiều loại hông được bày bán trên thị trường nhưng người Mường vẫn ưu tiên sử dụng hông gỗ để làm chín các món hấp, vừa đảm bảo chín đủ hơi lại quện trong đó cả mùi thơm của gỗ cây.

Lên với núi rừng trung du, bên cạnh việc đắm mình trong khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, ngâm nga những câu Rang, điệu Ví hay thưởng thức những món ăn ngon mang hương vị đặc trưng và tận mắt “mục sở thị” những vật dụng thân thuộc được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Mường, quý khách sẽ thêm yêu, thêm quý mảnh đất, con người nơi đây.

Khánh Duy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/xa-hoi/202005/nghe-thuat-tu-doi-ban-tay-170989