Nghề xưa trong Tết nay

Xã hội hiện đại nhưng nhiều nét văn hóa của tết cổ truyền vẫn được duy trì và vẹn nguyên giá trị. Trong dòng chảy của sự phát triển, nhiều ngành nghề truyền thống vẫn 'sống' để làm đậm đà thêm bản sắc của dân tộc.

Tất bật nghề gói bánh chưng

Ai cũng biết tết không có bánh chưng thì không ra tết. Gói bánh chưng ngày tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc từ xa xưa đến nay, chiếm vị trí đặc biệt trong đời sống và tâm thức của mỗi người Việt Nam. Bánh chưng mỗi dịp tết đến được dâng lên tổ tiên thể hiện lòng thành kính hay được dùng làm quà tặng, quà biếu và cũng là món ăn đặc sản mời khách, ăn lấy may năm mới.

Bánh chưng mang trong mình nét độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc, được thể hiện ở cách gói và cách nấu

Bánh chưng mang trong mình nét độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc, được thể hiện ở cách gói và cách nấu

Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho đất, màu xanh lá dong tượng trưng cho cỏ cây, gạo nếp tượng trưng cho nền văn minh lúa nước đất Việt. Bánh chưng mang trong mình nét độc đáo, sáng tạo, đậm đà bản sắc dân tộc, được thể hiện ở cách gói và cách nấu. Những ngày giáp tết này, trên ngọn lửa bập bùng với tiếng củi kêu lách tách, những nồi bánh chưng sôi ùng ục như báo hiệu xuân đã về gần lắm rồi.

Gia đình anh Ngô Sĩ Nam, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) là một trong những gia đình có nghề làm bánh chưng nổi tiếng ở Đắk Nông. Anh Nam cho biết những ngày tết và đặc biệt là giáp tết, có thời điểm gia đình anh gói khoảng 2000 chiếc/ngày. Để kịp gói bánh và giao đi các nơi, gia đình anh Nam phải huy động hoặc thuê gần 20 người làm. Có những năm làm tới 29 tết mới xong. Để chuẩn bị cho tết năm nay, gia đình anh đã đặt trước 6 tấn gạo nếp, 1,2 tấn đỗ xanh.

Bánh chưng luộc trong nồi khoảng 10 tiếng đồng hồ thì được vớt ra, mang đi ép để giúp bánh rền và bảo quản được lâu hơn

Bánh chưng luộc trong nồi khoảng 10 tiếng đồng hồ thì được vớt ra, mang đi ép để giúp bánh rền và bảo quản được lâu hơn

Mặc dù phải chuẩn bị số lượng lớn bánh chưng nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao dịp tết nhưng gia đình anh vẫn luôn cố gắng duy trì bảo đảm chất lượng ổn định trong từng chiếc bánh được bán ra và tới tay người tiêu dùng.

Với hàng chục năm kinh nghiệm gói bánh chưng, theo bà Nguyễn Thị Lan, mẹ của anh Nam, bánh chưng muốn ngon phải chọn gạo, đỗ, thịt lợn ngon. Gạo phải chọn loại nếp cái hoa vàng để chất lượng bánh dẻo, rền. Đỗ chọn loại có màu vàng tươi mới thơm ngon. Thịt phải vừa có nạc vừa có mỡ. Lá dong gói bánh dùng loại không non mà cũng không già thì khi bóc ra bánh có màu xanh đẹp. Luộc bánh khoảng 10 tiếng đồng hồ thì vớt ra mang đi ép để giúp bánh rền và bảo quản được lâu hơn.

Anh Nam cho biết thêm, gia đình anh đặt mua nếp cái hoa vàng, đậu xanh từ Bắc Ninh để bảo đảm chất lượng bánh. Hương thơm dịu của nếp cái hoa vàng kết hợp cùng vị bùi của đậu xanh, béo ngậy của thịt ba chỉ, nồng nàn trong dư vị của hồ tiêu Đắk Nông làm nên thương hiệu bánh chưng của gia đình anh. Hiện nay, bánh chưng của gia đình anh Nam không chỉ bán cho người dân, các hộ kinh doanh, nhà hàng tại các huyện, thành phố của Đắk Nông mà còn rất được ưa chuộng ở thị trường các tỉnh lân cận như Lâm Đồng hay TP. Hồ Chí Minh. Tùy vào yêu cầu của khách hàng mà giá của mỗi chiếc bánh chưng dao động từ 35.000-50.000/chiếc.

Mỗi chiếc bánh chưng tới tay người tiêu dùng đều được bảo đảm về hình thức vuông vắn, đẹp mắt đồng thời bánh thơm, rền, dẻo

Mỗi chiếc bánh chưng tới tay người tiêu dùng đều được bảo đảm về hình thức vuông vắn, đẹp mắt đồng thời bánh thơm, rền, dẻo

“Hiện này, người tiêu dùng có yêu cầu rất cao trong lựa chọn sản phẩm để sử dụng và làm quà biếu, đặc biệt trong dịp tết. Vì vậy gia đình tôi luôn cố gắng bảo đảm mỗi chiếc bánh chưng tới tay người tiêu dùng về hình thức vuông vắn, đẹp mắt đồng thời cũng bảo đảm bánh thơm, rền, dẻo”, anh Nam cho hay.

Mùa “may áo mũ” cho thần linh

Mỗi dịp cuối năm, đặc biệt là cận kề ngày tết ông Công ông Táo, người làm vàng mã lại tất bật chuẩn bị hàng hóa để phục vụ nhu cầu khách hàng. Đốt vàng mã là như một nét văn hóa tín ngưỡng, nên dù ít hay nhiều, trong mâm lễ cúng của người Việt, sẽ có một phần lễ là vàng mã (giấy tiền, hương, hình nộm…)

Chị Đặng Thị Nụ, tổ dân phố 5, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa có nhiều năm làm vàng mã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ trong tỉnh Đắk Nông. Theo chị Nụ, thời điểm giáp tết Nguyên đán là lúc bận rộn nhất của nghề vì vừa phải chuẩn bị sản phẩm cho ngày tết ông Công ông Táo, vừa phải tập trung làm hàng để phục vụ cho Rằm tháng Giêng và lễ cúng đầu năm của người dân.

Chị Đặng Thị Nụ, tổ 5, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa có nhiều năm làm vàng mã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ trong tỉnh Đắk Nông

Chị Đặng Thị Nụ, tổ 5, phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa có nhiều năm làm vàng mã cung cấp cho các cửa hàng bán lẻ trong tỉnh Đắk Nông

Với quan niệm “trần sao âm vậy”, trên mâm cỗ cúng của nhiều gia đình, vàng mã là thứ không thể thiếu. Đây là một phong tục đã tồn tại trong văn hóa tín ngưỡng nên nhiều người đã cố gắng thể hiện tất cả tấm lòng của mình với người đã khuất bằng cách đốt vàng mã. Nhiều người tin rằng, người thân của mình "ở thế giới bên kia" sẽ được hưởng cuộc sống đầy đủ và sung túc hơn.

Giống như những nhiều nghề truyền thống dịp tết, nghề làm vàng mã chủ yếu vẫn làm thủ công, trong đó người thợ phải tự tay tạo mẫu, cắt dán hình và đóng gói. Để có một bộ vàng mã hoàn chỉnh, người thợ phải thực hiện rất nhiều công đoạn, tuy nhiên giá của mặt hàng này chỉ dao động từ 5.000- 50.000 đồng.

“Dù mẫu mã mặt hàng này liên tục được cải tiến, thậm chí có những sản phẩm vàng mã là đồ công nghệ (điện thoại, tivi, máy tính…) nhưng đối với dịp lễ, tết cuối năm, người tiêu dùng vẫn thường lựa chọn những sản phẩm truyền thống như cá chép, ngựa, voi, hình nhân hay các vị tướng. Đây cũng là sản phẩm chính của cơ sở chúng tôi, mang lại nguồn thu ổn định nhất dịp cuối năm", chị Nụ cho hay.

Dịp lễ, tết cuối năm, người tiêu dùng vẫn thường lựa chọn những sản phẩm truyền thống như cá chép, ngựa, voi, hình nhân hay các vị tướng

Dịp lễ, tết cuối năm, người tiêu dùng vẫn thường lựa chọn những sản phẩm truyền thống như cá chép, ngựa, voi, hình nhân hay các vị tướng

Để đủ số lượng vàng mã đáp ứng nhu cầu thị trường, từ trước đó nhiều tháng, chị Nụ đã đặt hàng nguyên liệu từ tỉnh phía Bắc sau đó vận chuyển vào Đắk Nông để dự trữ. Tháng cuối năm, chị Nụ thuê thêm người làm thời vụ, với hình thức nhận hàng về nhà để gia công, hoàn thiện các chi tiết của sản phẩm vàng mã.

Chia sẻ về thị trường vàng mã năm nay, chị Nụ cho biết thêm: “Xu thế chung là sản phẩm thân thiện với môi trường nên chúng tôi cũng liên tục cải tiến để sản phẩm phù hợp hơn, trong đó nguyên liệu chủ yếu vẫn là giấy và tre, nứa. Vài năm trở lại đây, người dân thắt chặt chi tiêu nên không mua sắm vàng mã nhiều. Hơn nữa cơ quan chức năng cũng khuyến cáo hạn chế đốt vàng mã số lượng lớn để tránh gây ô nhiễm môi trường và cháy nổ nên người dân chỉ mua một vài sản phẩm tượng trưng để bày lên mâm lễ cúng của gia đình”.

PV

Nguồn Đắk Nông: https://baodaknong.vn/nghe-xua-trong-tet-nay-197422.html