Nghĩ chuyện dạy và học

Bằng cuốn sách của mình, Trần Văn Chánh đã phần nào điểm lại cả một quá trình phát triển lâu dài và nhiều biến chuyển, thăng trầm của nền giáo dục Việt Nam thời hiện đại.

Từ xưa đến nay, giáo dục luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu, coi như “quốc sách” quyết định sự thăng trầm, thành bại của một quốc gia, dân tộc. Cũng bởi mang tầm quan trọng như thế, việc phát triển nền giáo dục như thế nào và theo cách nào luôn là điều được mọi chính thể của các quốc gia trên thế giới ưu tiên hoạch định, đồng thời, cũng thu hút sự chú ý, đóng góp và phản biện từ mọi giới, mọi tầng lớp trong xã hội. Việc khảo sát, nghiên cứu về những định chế giáo dục trong quá khứ, phản biện về những ưu và nhược điểm của một mô hình giáo dục đang vận hành là việc được rất nhiều nhà trí thức quan tâm, thực hiện.

Cuốn sách Bàn về giáo dục Việt Nam trước và sau năm 1975 của tác giả Trần Văn Chánh ra đời không nằm ngoài mục đích đó: khảo cứu và phản biện.

Đúng như tên gọi, bố cục và nội dung sách cũng được chia ra làm hai phần chính. Nếu ở phần đầu, tác giả tiến hành việc kê cứu, khảo sát một cách công phu về những yếu tố góp phần tạo nên mô hình giáo dục tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 với những thành tựu lẫn khiếm khuyết, thì nửa phần sau của sách lại là tập hợp những bài viết được ông cho ra đời khoảng mười năm trở lại đây.

Ở phần này, thời điểm ra đời của đa số bài viết gần như tương đương với các sự kiện giáo dục nóng hổi diễn ra trong nước. Các bài viết này phần nhiều mang quan điểm và nhận định cá nhân của Trần Văn Chánh, tuy nhiên, quan điểm đó lại phần nào phản ánh đúng nỗi ưu tư của rất nhiều bậc thức giả được ông đề cập và dẫn ý, điều này góp phần tạo nên sức thuyết phục và đồng cảm đối với người đọc.

Với câu chuyện dạy và học, từ quá khứ đến hiện tại, tác giả Trần Văn Chánh cũng đã phần nào phác họa lại một phần tiến trình phát triển của Việt Nam trong suốt gần nửa thế kỷ qua trên bình diện học vấn và tri thức.

Ở đó, giữa vinh quang lẫn thất bại của một thời đã qua và đang đến, ta cũng đồng thời nhận ra được biết bao nhiêu cái tên, bao nhiêu khuôn mặt trí thức dù ở bất cứ đâu, bất cứ cương vị nào, đau đáu trong họ vẫn là nỗi ưu tư không dứt về câu chuyện giáo dục của nước nhà.

Trùng Lai

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/nghi-chuyen-day-va-hoc-21835.html