Nghị định mới về giá thuốc: giá thuốc sẽ được quản lý chặt chẽ hơn?!

Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều về quản lý giá thuốc tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược với nhiều điểm đáng chú ý, hướng tới mục tiêu tăng cường quản lý và minh bạch hóa thị trường dược phẩm tại Việt Nam.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết về công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến đối với thuốc kê đơn và các trường hợp thuốc sản xuất hoặc nhập khẩu không vì mục đích thương mại được miễn công bố; kiến nghị về mức giá bán buôn thuốc dự kiến đã công bố, công bố lại; quy định về thặng số bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động liên quan đến dược tại Việt Nam.

Một trong những nội dung quan trọng nhất của dự thảo là quy định về công bố giá thuốc.

Theo đó, đối tượng thực hiện công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc đối với thuốc sản xuất trong nước là cơ sở sản xuất thuốc. Trường hợp thuốc sản xuất trong nước là thuốc gia công tại Việt Nam thì đối tượng thực hiện công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến là cơ sở sản xuất thuốc hoặc cơ sở đặt gia công thuốc. Còn đối với thuốc nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam, đối tượng công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc là cơ sở nhập khẩu thuốc.

Nghị định cũng quy định, các cơ sở sản xuất và nhập khẩu phải thực hiện công bố giá bán buôn dự kiến trước khi đưa lô thuốc đầu tiên ra thị trường. Đối với các lô tiếp theo, doanh nghiệp chỉ phải công bố lại khi có thay đổi về giá so với lần công bố trước đó.

Đáng chú ý, dự thảo cũng đề ra cơ chế kiểm soát giá thuốc thông qua việc Bộ Y tế có văn bản kiến nghị đối tượng thực hiện công bố xem xét lại mức giá bán buôn thuốc dự kiến đã công bố, công bố lại trong nhiều trường hợp. Điển hình như khi phát hiện giá thuốc nước ngoài cao hơn biệt dược gốc, giá thuốc sản xuất trong nước cao hơn thuốc nước ngoài, hoặc khi mức chênh lệch giữa giá công bố và giá trúng thầu vượt quá 30%.

Một điểm mới quan trọng khác là quy định về thặng số bán lẻ tại các cơ sở bán thuốc trong khuôn viên các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cao hơn mức thặng số bán lẻ tối đa. Cụ thể, Nghị định đề xuất 5 mức thặng số khác nhau:

Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất nhỏ hơn hoặc bằng 1.000 đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 15%;

Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 1.000 (một nghìn) đồng đến 5.000 (năm nghìn) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 10%;

Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 5.000 (năm nghìn) đồng đến 100.000 (một trăm nghìn) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 7%;

Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất từ trên 100.000 (một trăm nghìn) đồng đến 1.000.000 (một triệu) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 5%;

Đối với thuốc có giá mua tính trên đơn vị đóng gói nhỏ nhất trên 1.000.000 (một triệu) đồng, mức thặng số bán lẻ tối đa là 2%.

Dự thảo cũng quy định rõ các trường hợp được miễn công bố giá, bao gồm thuốc phục vụ quốc phòng - an ninh, thuốc cho chương trình y tế nhà nước, thuốc viện trợ nhân đạo, thuốc thử nghiệm lâm sàng và thuốc mang theo hành lý hoặc trưng bày triển lãm.

Nghị định dự kiến sẽ có hiệu lực từ năm 2025, thay thế một số quy định tại các nghị định cũ về quản lý giá thuốc.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nghi-dinh-moi-ve-gia-thuoc-gia-thuoc-se-duoc-quan-ly-chat-che-hon-399109.html