Nghỉ học kéo dài, trường mầm non tư thục khó khăn

Từ đầu tháng 2 đến nay, trẻ mầm non cũng như học sinh tiểu học, THCS liên tục nghỉ để phòng chống Covid-19. Do trẻ không đến trường nên các trường mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn.

Trường Mầm non 1.6 (TP Hải Dương) gặp khó khăn do trẻ nghỉ học kéo dài để phòng chống dịch Covid-19

Trường Mầm non 1.6 (TP Hải Dương) gặp khó khăn do trẻ nghỉ học kéo dài để phòng chống dịch Covid-19

Hiện nay, các trường đều không có nguồn thu trong khi vẫn phải chi nhiều khoản. Khoản chi lớn nhất mà hầu hết các trường đang đau đầu tính toán là tiền công cho giáo viên, nhân viên.

Trường Mầm non Sao Mai (TP Hải Dương) có gần 80 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Mỗi tháng, chỉ riêng trả tiền công cho người lao động đã hết hơn 500 triệu đồng. Trong thời gian nghỉ phòng dịch, trường dự kiến trả 70% số tiền công cho cán bộ, giáo viên, nhân viên so với tháng bình thường nhưng cũng tốn hơn 300 triệu đồng.

Điều các trường hiện nay còn băn khoăn là chưa có hướng dẫn của cấp trên trong trường hợp nếu không có điều kiện chi trả 100% số tiền công cho giáo viên so với tháng bình thường thì mức chi trả bao nhiêu là hợp lý.

Qua nắm bắt của Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương, hầu hết các trường mầm non tư thục trên địa bàn đều đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho giáo viên. Ngoài ra, tùy theo điều kiện, có trường chi trả đầy đủ tiền công của tháng 2 như tháng bình thường, có trường chi 50 - 75% hoặc hỗ trợ tạm thời 1 - 3 triệu đồng/giáo viên.

Nhiều trường không biết làm cách nào để giữ giáo viên nếu thời gian nghỉ phòng chống dịch kéo dài. Theo chị Nguyễn Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục ABC (Cẩm Giàng), lãnh đạo trường biết có 1 giáo viên, 1 nhân viên nấu ăn đang có ý định chuyển công việc khác.

Lãnh đạo trường lo lắng sau này đi học trở lại không biết tìm giáo viên ở đâu vì hiện nguồn giáo viên mầm non rất ít. Bằng chứng của việc này là kết thúc thời hạn nhận hồ sơ thi tuyển giáo viên năm 2020 của huyện Cẩm Giàng, số lượng thí sinh đăng ký tham dự còn thiếu nhiều so với chỉ tiêu được tuyển. Ngoài ra, huyện có nhiều doanh nghiệp nên nguy cơ "mất" giáo viên lại càng cao.

Một khoản chi "cứng" nữa mà các trường phải lo hằng tháng là tiền thuê địa điểm. Một số trường của TP Hải Dương thuê địa điểm đẹp, diện tích lớn phải mất vài chục triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng/tháng.

Trước những khó khăn trên, các trường mong muốn có sự chia sẻ từ các cấp, các ngành, đơn vị liên quan. Các trường có thể được phép chậm nộp, giảm một số khoản như tiền thuế, lãi vay ngân hàng. Đặc biệt, đội ngũ giáo viên cần có sự đồng cảm, chung tay với nhà trường để vượt qua thời kỳ khó khăn này. Nhiều trường cũng mong các chủ cho thuê địa điểm có thể cho nợ hoặc giảm tiền thuê trong tháng nghỉ dịch.

Cô giáo N.T.T. dạy tại một trường mầm non tư thục ở đường Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương) chia sẻ: "Tháng 2 vừa rồi, trường chưa trả tiền công cho chúng tôi. Mặc dù điều kiện kinh tế của gia đình còn khó khăn nhưng chúng tôi cũng thông cảm với nhà trường".

Toàn tỉnh hiện có 52 trường mầm non tư thục với gần 15.000 trẻ, chiếm hơn 10% số trẻ mầm non toàn tỉnh. TP Hải Dương có số lượng lớn nhất với 33 trường, chiếm gần 40% số trẻ mầm non của địa phương.

DANH TRUNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/giao-duc---tuyen-sinh/nghi-hoc-keo-dai-truong-mam-non-tu-thuc-kho-khan-130528