Nghị lực của cô gái 'xương thủy tinh'

'Cả xã này ai cũng biết về cô bé mắc bệnh 'xương thủy tinh' hiểm nghèo nhưng ham học hỏi; nhắc đến mọi người đều thương lắm'. Đó là những gì chúng tôi nghe được về 'nữ sinh thủy tinh' Trần Thị Diệu, sinh năm 2009, ngụ tại xã Tân Hà (Tân Châu, Tây Ninh).

Đến huyện biên giới Tân Châu, qua sự hướng dẫn nhiệt tình của bà con, chúng tôi tìm được nhà em Trần Thị Diệu. “Nữ sinh thủy tinh” 15 tuổi nhưng so với các bạn đồng trang lứa, em đang sống trong hình hài của một học sinh tiểu học. Gia đình Diệu thuộc diện hộ nghèo, ba em chăn nuôi gia cầm cho các chủ trại, ai thuê thì làm, khi không có việc thì sẽ dành thời gian ở nhà chăm sóc vợ con. Có khi ba của Diệu xa nhà nhiều tháng đi làm thuê cho các chủ trang trại ở địa phương khác. Mẹ của Diệu hằng ngày đi bán vé số dạo, lúc bán được, lúc không. Cuộc sống khó khăn bộn bề là thế, nhưng ba mẹ Diệu nhịn ăn, nhịn mặc... để dành tiền chữa bệnh cho con và thỏa niềm say mê học hành của Diệu. Chứng kiến ba mẹ lam lũ vất vả, đã có lúc Diệu xin hàng xóm cho làm nghề may vá thuê nhưng chỉ được vài tháng, do cường độ hoạt động nặng hơn bình thường khiến em phải bỏ cuộc. Vì vậy, với Diệu, chẳng còn con đường nào khác ngoài sự học để thay đổi cuộc đời. “Đêm nào đi bán vé số về muộn cũng thấy con cặm cụi, chăm chú ngồi học bài, tôi vừa tủi thân vừa xúc động trào nước mắt... Diệu rất tự giác, 6 giờ sáng, cháu dậy, thu xếp cặp vở rồi chờ tôi cõng đến trường”, bà Trần Thị Huế, mẹ của Diệu chia sẻ.

 Em Trần Thị Diệu luôn nhận được sự cảm thương, nể phục vì bản lĩnh vượt khó.

Em Trần Thị Diệu luôn nhận được sự cảm thương, nể phục vì bản lĩnh vượt khó.

Năm Diệu học lớp 8, trong một lần bạn cõng em lên cầu thang, chẳng may sảy chân khiến cả hai ngã xuống. Người bạn bị xây xát nhẹ, nhưng chân phải của Diệu bị gãy nhiều khúc, buộc phải nghỉ học 6 tháng để nằm viện điều trị. Diệu không sợ đau mà chỉ sợ không theo kịp chương trình học. Em nhờ bạn bè mang bài vở đến bệnh viện để tự học, tự ôn. Khi ấy, giường bệnh nơi Diệu nằm trở thành chiếc “ghế nhà trường”. Cảm động trước tấm lòng ham học của Diệu, cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên chủ nhiệm năm lớp 8 của Diệu đã thường xuyên dành thời gian đến bệnh viện dạy học miễn phí cho trò nhỏ đầy nghị lực. Cô giáo Nguyễn Thị Lan bộc bạch: “Nhiều lúc đang học, cơn nhức xương ập tới đột ngột khiến Diệu đau đớn vô cùng, nhưng tôi cảm nhận sự quyết tâm rất lớn nơi em. Lúc đó, em nói với tôi cho phép em uống thuốc giảm đau rồi tiếp tục học... Tôi rất khâm phục tinh thần không đầu hàng số phận của em”.

Mỗi ngày, khi mặt trời ló rạng ở miền biên giới Tây Ninh, trên con đường đến trường, hình ảnh người mẹ cõng Diệu đã trở thành quen thuộc. Cô gái tuổi trăng tròn "xương thủy tinh" cảm nhận được sự vất vả của người thân nên không ngừng nỗ lực học tập, vượt lên bệnh tật để vươn đến bầu trời tri thức. Dù bị ngắt quãng thời gian học ở lớp, nhưng kết quả học tập của Diệu luôn cao, theo kịp chương trình. Với đôi mắt sáng lấp lánh mỗi khi nói về chuyện học hành, trên môi nở nụ cười hồn nhiên, Diệu tâm sự: “Kiến thức giúp em có thêm niềm tin, sự hiểu biết và nhận ra bao điều tốt đẹp, rộng mở xung quanh; giúp em vượt lên những cơn đau mỗi ngày và cũng mang đến niềm vui cho ba mẹ, người thân. Em nguyện ước trở thành người tốt, có năng lực giúp đỡ, trả ơn những người thân thương đã luôn ở bên cạnh, giúp đỡ mình”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nghi-luc-cua-co-gai-xuong-thuy-tinh-801620