Nghị lực của người khuyết tật

Với nghị lực cùng sự quyết tâm, nhiều người khuyết tật đã vượt qua số phận, cố gắng lao động vươn lên trong cuộc sống.

Đều khiếm khuyết về đôi mắt, hàng ngày, vợ chồng anh Võ Văn Bình, chị Lưu Thị Hiền, ngụ phường Vĩnh Lạc, TP. Rạch Giá (Kiên Giang) vẫn đi bán vé số. Vợ chồng anh Bình đều bị mù sau cơn bạo bệnh. Anh chị gặp nhau khi tham gia lớp dạy nghề massage dành cho người khiếm thị do Hội Người mù tỉnh tổ chức.

Hiểu hoàn cảnh của nhau, anh chị nảy sinh tình cảm rồi nên duyên vợ chồng, cả hai nương tựa, chăm sóc nhau. Kết quả tình yêu đẹp của anh chị là đứa con gái dễ thương, xinh xắn ra đời.

Chị Lưu Thị Hiền (ngồi) bán vé số cho khách.

Chị Lưu Thị Hiền (ngồi) bán vé số cho khách.

Chị Hiền kể, sau khi vợ chồng chị làm đám cưới, dành dụm được ít tiền vợ chồng chị thuê mặt bằng và mở tiệm massage. Do dịch bệnh COVID-19 bùng phát thời gian dài, không đủ chi phí trả tiền thuê mặt bằng anh chị đóng cửa tiệm. Vì không nhìn thấy, đi lại khó khăn nên vợ chồng chị bán vé số mưu sinh.

Anh chị luôn động viên nhau, đồng lòng vượt qua khó khăn, cố gắng lao động để nuôi con. Anh Bình được phẫu thuật mắt miễn phí, thấy được chút ánh sáng, từ đó anh có thể chăm sóc vợ con. Anh chị hiền lành nên được mọi người yêu thương, giúp đỡ.

Sáng sớm, vợ chồng anh Bình gửi con cho hàng xóm trông hộ rồi dắt nhau đến điểm bán vé số. Anh Bình bán vé số ở đường Phạm Hùng, chị Hiền bán ở ngã tư đường Lâm Quang Ky và đường Đống Đa. Mỗi ngày anh chị kiếm từ 100.000-200.000 đồng. Nhiều lần anh chị bị lừa, có người ghé mua mà không trả tiền hay đổi vé số giả. Dù khó khăn, vất vả nhưng anh chị vẫn lạc quan, cố gắng.

Chị Hiền chia sẻ: “Gia đình tôi không khá giả nhưng vợ chồng tôi luôn yêu thương nhau. Thấy con mạnh khỏe, ngoan ngoãn là vợ chồng tôi vui. Chúng tôi cố gắng lao động lo cho con ăn học để sau này con có cuộc sống tốt hơn”.

Dù khuyết tật nhưng ông Trần Văn Tý vẫn cố gắng lao động mỗi ngày.

Dù bại liệt hai chân nhưng ông Trần Văn Tý, ngụ ấp Mười Hùng, xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao (Kiên Giang) vẫn lao động, cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Năm 3 tuổi, ông Tý bị sốt dẫn đến bại liệt hai chân, cơ thể co rút dần khiến lưng ông bị gù, chân teo, không thể đi đứng bình thường. Dù khuyết tật nhưng ông cố gắng vượt qua khó khăn, tập đi bằng hai tay.

Những năm qua, một mình ông Tý làm nhiều việc, cố gắng xoay sở kiếm sống, chăm sóc mẹ già 83 tuổi bị bệnh. Là lao động chính trong gia đình, ai thuê gì ông Tý cũng nhận để có tiền trang trải cuộc sống. Ông làm đủ nghề từ thợ mộc đóng bàn, ghế, tủ đến làm thợ phụ xây nhà. Mỗi ngày ông kiếm khoảng 200.000 đồng trang trải cuộc sống.

Ông Tý chia sẻ: “Thấy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, mọi người đều yêu thương và giúp tôi. Khi đi làm, mọi người đến nhà đưa rước tôi. Ban đầu, đi làm thợ hồ về tôi đau nhức toàn thân, sau này tôi quen dần, miễn có việc làm, có thu nhập để lo cho mẹ là tôi vui”.

Bài và ảnh: TIỂU ĐIỀN

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//xa-hoi/nghi-luc-cua-nguoi-khuyet-tat-14145.html