Nghi ngờ có 'tay trong' tại vụ nổ nhà thờ ở Pakistan khiến hơn 100 người thiệt mạng

Vụ đánh bom liều chết tại một nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar, Pakistan khiến hơn 100 người thiệt mạng đã đặt ra câu hỏi: Làm cách nào mà một người có thể lẻn vào rồi tự sát với khối chất nổ mang bên mình tại khu vực có an ninh nghiêm ngặt của Peshawar?

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường vụ nổ nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar, Pakistan hôm 30-1

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường vụ nổ nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar, Pakistan hôm 30-1

Vụ nổ hôm 30-1 nhắm vào những tín đồ trong buổi cầu nguyện buổi chiều tại một nhà thờ Hồi giáo bên trong khu cảnh sát kiên cố của thành phố phía Tây Bắc Peshawar, gần biên giới với Afghanistan. Vụ tấn công đã khiến ít nhất 101 người, hầu hết là cảnh sát thiệt mạng. Nhà chức trách đã mở cuộc điều tra kỹ lưỡng để tìm hiểu tại sao kẻ tấn công có thể lọt vào khu vực được bảo vệ nghiêm ngặt và liệu kẻ đánh bom có sự giúp đỡ từ tay trong hay không. Hôm 31-1, cảnh sát cho biết họ đã thực hiện các vụ bắt giữ lớn nhưng không tiết lộ chi tiết.

Trong một cuộc họp báo, ông Moazzam Jah, Tổng thanh tra Cảnh sát tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, thừa nhận có “lỗ hổng an ninh” ở thủ phủ của tỉnh mặc dù xung quanh có nhiều trạm kiểm soát. “Nhưng chúng tôi cũng có 1.500 đến 2.000 người ra vào hàng ngày. Họ bao gồm các quan chức cảnh sát, những người đến liên hệ công việc, gia đình và người thân của những sĩ quan cư trú trong khu nhà”, ông Moazzam Jah nói. Được biết, khoảng 4.000 đến 5.000 người sống bên trong khu nhà.

Khu vực hiện trường có tên gọi Police Lines (Đường cảnh sát) là nơi tọa lạc các tòa nhà chính phủ, bao gồm tòa nhà của thống đốc, nhà tù trung tâm, hội đồng tỉnh, tòa án cấp cao của tỉnh Peshawar. Những người vào khu vực này phải đi qua 3 trạm kiểm soát và không ai được phép vào nếu không có lời mời từ người dân bên trong. “Rất khó để vào được trong bối cảnh kiểm tra an ninh chặt chẽ. Tuy nhiên, một số công trình xây dựng đang diễn ra trong khu nhà, vì vậy một số lao động dân sự đã đến đây”, sỹ quan Amanat Ali, 44 tuổi, cho biết. Một cảnh sát khác, Imran Khan, sống trong khu nhà, cho biết không dễ để đưa các thành viên gia đình vào do an ninh chặt chẽ. “Chúng tôi phải thông báo trước, thậm chí sau đó, họ cũng trải qua rất nhiều cuộc kiểm tra trước khi cho bất kỳ ai vào”, ông Imran Khan nói.

Ông Akhtar Ali Shah, một nhà phân tích an ninh và cựu Tổng thanh tra Cảnh sát của tỉnh Khyber Pakhtunkhwa cho biết, mặc dù là cựu quan chức hàng đầu, ông chưa bao giờ được phép đi qua mà không bị kiểm tra. Ông cho hay: “Cho dù tôi đến thăm một cách ngẫu hứng hay thông qua một lời mời, tôi đều phải cung cấp đầy đủ thông tin chi tiết của mình. Quy trình thậm chí còn nghiêm ngặt hơn đối với người lạ hoặc dân chúng”.

Theo phân tích của chuyên gia Akhtar Ali Shah, có 3 cách mà kẻ đánh bom có thể vào khu vực kiên cố: Có thể viên cảnh sát nào đó đã trở thành phần tử bất hảo và gia nhập nhóm chiến binh. Cũng có thể ai đó trước đây từng làm việc cho cảnh sát nhưng đã bỏ ngành và trở thành phần tử khủng bố. Khả năng thứ ba là ai đó từ bên ngoài đã kết bạn với một cư dân và trở thành khách quen hoặc ở lại đó.

Ông Shah cũng cho biết, chất nổ phải được đưa đến từng chút một theo thời gian chứ không phải tất cả cùng một lúc. Nhà phân tích có trụ sở tại Peshawar cho biết: “Thủ phạm biết cách chế tạo các thiết bị ngẫu hứng này. Đó là những gì họ được đào tạo. Vì vậy, người đó không cần phải mang theo chất nổ hoặc thiết bị khác để chế tạo cùng lúc. Anh ta hẳn đã mang tất cả các bộ phận vào dần dần”. Đáng nói, ở cổng kiểm soát không có thiết bị quét có khả năng phát hiện vật liệu nổ. “Tôi không thấy bất kỳ thiết bị quét nào ở cổng nhưng cũng cần phải kiểm tra xem có chó nghiệp vụ được triển khai hay không. Tôi đã thành lập đơn vị chó nghiệp vụ cho mục đích này từ nhiều năm trước, đây vẫn là cách đáng tin cậy nhất để phát hiện”, ông Akhtar Ali Shah nói.

Theo (Theo Al Jazeera)

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nghi-ngo-co-tay-trong-tai-vu-no-nha-tho-o-pakistan-khien-hon-100-nguoi-thiet-mang-post529956.antd