Nghị quyết 'ngược khó' để liên kết vùng - Bài 2

Bài 2: Từ vùng 'lõi nghèo' bứt phá để đi trước đón đầu

Cùng với việc xây dựng Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Cao Bằng chọn phát triển du lịch bền vững theo Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; gắn với phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

“Nâng đáy” phát triển du lịch bền vững

Sau khi Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh hoàn thành, vùng nối gần “lõi nghèo” Cao Bằng với các tỉnh, thành phố sẽ chọn hướng đi nào để đón bắt cơ hội này? Hiện nay, Cao Bằng có trên 95% dân tộc thiểu số (DTTS), tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 39% chờ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ sản xuất, định canh, định cư, xóa nhà tạm, nhà dột nát…, chưa có sinh kế mới ổn định để thoát nghèo bền vững. Đây là rào cản, trăn trở lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Bàn Quý Sơn chia sẻ.

Qua khảo sát thực tế, Tỉnh ủy chọn phát triển du lịch xanh, bền vững để tạo sự “bứt phá” kết nối du lịch, văn hóa với các tỉnh Đông Bắc và cả nước. Vì đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, tuy đời sống khó khăn, là đối tượng yếu thế trong xã hội nhưng lại đang sinh sống trong vùng di sản văn hóa, địa chất, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và lữu giữ nhiều di sản phi vật thể, di tích lịch sử cách mạng cùng với tiềm năng du lịch đa dạng, đặc thù. Do đó, muốn phát triển du lịch bền vững phải bắt đầu đi từ dưới lên “nâng đáy” - tập trung vận động, hỗ trợ bà con DTTS vùng khó khăn thay đổi tư duy để làm du lịch, tạo nhiều sinh kế mới ổn định. Đây cũng là nội dung mà Tổ chức UNESCO khuyến nghị Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng thực hiện.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An bày tỏ: Do điều kiện địa hình, địa lý, hạ tầng còn nhiều trở ngại nên khó thu hút nhà đầu tư; ngân sách Trung ương và tỉnh có hạn; các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình dân tộc miền núi… rất hạn chế nên khó huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ cho du lịch. Nhưng không vì thiếu vốn, cơ chế, chính sách đồng bộ mà dừng lại.

Đồng bào dân tộc Dao tiền (Nguyên Bình) vẫn giữ được nghề thêu hoa văn truyền thống.

Đồng bào dân tộc Dao tiền (Nguyên Bình) vẫn giữ được nghề thêu hoa văn truyền thống.

Để hiểu câu chuyện “nâng đáy”, giúp đồng bào DTTS làm du lịch, chúng tôi đi trải nghiệm tại huyện Nguyên Bình, tuyến phía Đông “khám phá Phja Oắc - Vùng núi của những đổi thay” của CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng. Nơi đây có 57% dân số là người Dao Tiền và Dao Đỏ đang lưu giữ kho báu văn hóa bản địa về y học dân gian, thêu sáp ong, thêu hoa văn thổ cẩm, lễ hội cấp sắc, dân ca, dân vũ… Đi vào đường núi uốn lượn bên ruộng lúa bậc thang chín vàng đến bản Hoài Khao (xã Quang Thành), chúng tôi thấy chị em phụ nữ Dao Tiền khéo léo thêu chỉ màu thổ cẩm tinh xảo trên khăn, áo, túi… Những ngôi nhà gỗ homestay đơn sơ nhưng ngăn nắp, sạch sẽ, sân vườn tươi thắm hoa rừng. Đón chúng tôi, chị Bàn Thị Liên mời uống nước lá thơm, ngâm chân lá thuốc cho đỡ mỏi. Rồi chị vào bếp nấu canh măng chua, cá suối lá mác mật, trám xanh kho thịt, nộm rau dớn rừng... ai ăn cũng khen ngon.

Chị Liên chia sẻ: 4 năm trước, tôi và dân bản Hoài Khao chỉ biết lên rừng làm nương rẫy, lấy củi… đời sống rất chật vật. Năm 2020, lãnh đạo huyện nói với bà con “Dân bản còn giữ gìn văn hóa dân tộc Dao Tiền bắt tay vào làm du lịch cộng đồng”. Tôi và dân bản không dám nhận vì ít được giao tiếp xã hội… Lo lắng bà con chưa quyết tâm, lãnh đạo huyện kiên trì xuống bản động viên “Bà con được tập huấn, hỗ trợ rồi sẽ làm được”. Qua tập huấn, bà con thấy làm du lịch cộng đồng không quá khó, dọn dẹp nhà sạch sẽ, ngăn nắp, bố trí phòng riêng cho khách nghỉ; giới thiệu thảo dược quý, in sáp ong; nấu những món ăn bản địa từ củ măng, rau rừng, quả trám, cá suối… cho du khách trải nghiệm. Đến nay, tuy khách chưa nhiều nhưng dân bản thấy lợi ích, nguồn thu từ gìn giữ văn hóa người Dao Tiền gắn với bảo vệ tài nguyên rừng, vừa tạo cảnh quan đẹp mà còn trồng cây dược liệu dưới tán rừng tăng thêm thu nhập…

Không chỉ có dân tộc Dao mà người Tày, Nùng, Lô Lô… của 10 huyện, Thành phố và 60 hộ kinh doanh trên 5 tuyến CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng được các cấp ủy, chính quyền hỗ trợ đã mạnh dạn làm du lịch cộng đồng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc riêng có. Đồng thời là “cú huých” cho bà con DTTS đầu tư sản xuất hơn 100 sản phẩm OCOP chất lượng cao, tạo sinh kế mới cho hàng nghìn lao động.

Ông Guy Martini, Tổng Thư ký mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO khẳng định: CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng đạt điểm khá cao sau kỳ tái thẩm định danh hiệu UNESCO bởi đã nâng cao nhận thức cho tất cả đồng bào DTTS vừa tham gia bảo vệ tài nguyên môi trường, vừa tích cực làm du lịch cộng đồng, phát triển nhiều làng nghề truyền thống kích thích phát triển du lịch, tạo sinh kế mới ổn định, bền vững. Vì thế, tại Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024, Hội đồng mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO và Bộ Ngoại giao Việt Nam xây dựng “Tuyên bố Cao Bằng” lấy Cao Bằng làm hình mẫu để khuyến nghị CVĐC các quốc gia tăng cường huy động DTTS vùng khó khăn tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản CVĐC Toàn cầu UNESCO.

Phát huy danh hiệu UNESCO tiến tới công nghiệp văn hóa

Hiện nay, Cao Bằng sở hữu 2 danh hiệu UNESCO, gồm: CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái Việt Nam” (trong đó có nghi lễ Then của người Tày Cao Bằng) được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đồng bào các DTTS lưu giữ trên 2.000 di sản phi vật thể, lễ hội đặc sắc, 217 di tích lịch sử. Đây là nguồn “tài nguyên” mà Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp, sở, ngành, địa phương phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) để kết nối du lịch, văn hóa, ngoại giao. Không chạy theo xu hướng, trào lưu mới mà định hướng phát triển du lịch văn hóa dựa trên truyền thống văn hóa bản địa tốt đẹp. Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An cho biết: Từ năm 2022 đến nay, Cao Bằng tổ chức gần 100 hoạt động sự kiện, lễ hội văn hóa lan tỏa văn hóa đặc sắc Cao Bằng như: Lễ hội Pác Bó, Lễ hội thác Bản Giốc, Lễ hội văn hóa dân tộc Lô Lô, Lễ hội Nàng Hai… Ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Ngày hội văn hóa các dân tộc Cao Bằng, Ngày hội Non nước Cao Bằng tại Hà Nội, trình diễn dân ca, dân vũ tại Phố đi bộ Kim Đồng, Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của mạng lưới CVĐC Toàn cầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APGN-8) năm 2024 tại Cao Bằng với trên 600 đại biểu trong nước và quốc tế của 40 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự, trải nghiệm văn hóa, du lịch.

Mỗi lễ hội, sự kiện văn hóa là bước đột phá phát triển văn hóa Cao Bằng, khơi dậy lòng tự tôn, tự hào văn hóa đặc sắc các DTTS, tạo sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa; nâng cao đời sống tinh thần và hưởng thụ văn hóa tại cơ sở, thu hút hàng nghìn lượt khách đến Cao Bằng trải nghiệm. Từ đó tăng thêm nhiều khoản thu các dịch vụ kèm theo từ CNVH. Quảng bá, tạo nguồn lực phát triển mới xây dựng Cao Bằng là trung tâm kết nối văn hóa vùng đông bắc với cả nước và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Theo chị Lý Thị Điệp, chủ homestay Yến Nhi, cũng là diễn viên hát Then quần chúng, làng đá Khuổi Ky, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh), sau màn trình diễn hát Then - đàn tính lập kỷ lục ghi nét Việt Nam tháng 10/2023, khách nước ngoài đến thác Bản Giốc, làng đá Khuổi Ky tăng nhanh. Đoàn nào đến cũng yêu cầu nghe hát Then và mua đàn tính. Tôi cũng vì yêu thát Then nên vận động chị em trong xóm xây dựng 2 đội văn nghệ, mời nghệ nhân cao tuổi tham gia hoạt động biểu diễn phục vụ khách du lịch.

Trưởng Đoàn Nghệ thuật tỉnh Ma Thị Lan chia sẻ: Cao Bằng là cội nguồn của Then tính nên khi nhận nhiệm vụ cho sự kiện lớn, Đoàn Nghệ thuật luôn xây dựng những tiết mục Then tính công phu, đặc sắc để biểu diễn tại sự kiện “Du lịch qua miền di sản Việt Bắc”, “Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Đông Bắc”, gặp mặt, giao lưu văn hóa Cao Bằng (Việt Nam) với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc)… được bạn bè trong nước, quốc tế đánh giá cao. Toàn tỉnh có trên 800 đội văn nghệ quần chúng, trong đó hát Then - đàn tính là chủ đạo phục vụ hoạt động dịch vụ homestay, hội nghị, sự kiện văn hóa…

Không chỉ có lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, lễ hội… mà nghề in, thêu, dệt thổ cẩm, nhuộm vải chàm của nghệ nhân người Tày, Nùng, Dao ở Cao Bằng cũng khởi nguồn kinh doanh cho các nhà thiết kế thời trang, hộ kinh doanh, doanh nghiệp xây dựng các show diễn thời trang, deco không gian thổ cẩm trong khách sạn, nhà hàng, túi xách, khăn, đồ lưu niệm thổ cẩm...

Từ danh hiệu CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng mở ra cơ hội cho Cao Bằng giao lưu, hợp tác quốc tế về CNVH, du lịch, tham gia các diễn đàn, hội thảo, tọa đàm trong nước, khu vực và quốc tế trong mạng lưới CVĐC Toàn cầu UNESCO. Chiến lược ngoại giao văn hóa, thúc đẩy quan hệ hợp tác Cao Bằng với 45 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Hội nghị APGN-8 tổ chức tại Cao Bằng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký kết nghĩa, hợp tác văn hóa, du lịch, hoạt động CVĐC với CVĐC của Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... Đây là một kênh dẫn truyền quan trọng để thúc đẩy CNVH Cao Bằng phát triển.

Với bước đi đầu thúc đẩy CNVH, Cao Bằng định vị tầm nhìn, chiến lược cho vùng trung du miền núi phía Bắc về phát triển CNVH. Còn nhiều di sản văn hóa đặc sắc chưa được khai thác, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy về phát triển CNVH trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, giá trị tinh hoa văn hóa nghìn năm của miền Non nước Cao Bằng. Huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phát triển CNVH với phương châm “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sầm Việt An cho biết.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ tập trung phát triển dịch vụ, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn gắn với phát triển khu kinh tế cửa khẩu, các khu du lịch và CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tạo động lực tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Bài 3: Không đánh đổi môi trường để tăng trưởng kinh tế

Trường Hà - Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/nghi-quyet-nguoc-kho-de-lien-ket-vung-bai-2-3173104.html