Nghị quyết số 29/NQ-TW hướng đến một nền giáo dục đổi mới và phát triển (Bài 3): Chất lượng đội ngũ trước yêu cầu đổi mới

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) xác định: Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn trình độ đào tạo là vấn đề đặc biệt quan trọng. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tạo chuyển biến tích cực cả về chất và lượng đội ngũ nhà giáo - yếu tố 'then chốt' quyết định chất lượng GD&ĐT.

Cô trò Trường THCS thị trấn Bến Sung (Như Thanh). Ảnh: Linh Hương

Tự học, tự bồi dưỡng

Chất lượng đội ngũ nhà giáo được xác định là thước đo của một nền giáo dục phát triển. Do đó, để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 với rất nhiều thay đổi, đòi hỏi mỗi giáo viên (GV), cán bộ quản lý (CBQL) phải có trách nhiệm tự trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

Sinh năm 1968, dù đã bước sang tuổi 55, tuy nhiên cô giáo Nguyễn Thị Phương, GV bộ môn Giáo dục công dân, Trường THCS Nguyễn Hồng Lễ (TP Sầm Sơn) chưa một ngày thôi nỗ lực, hay ngừng học hỏi. Cô luôn tích cực đổi mới, sáng tạo, tự học, tự bồi dưỡng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào giảng dạy; luôn có ý thức đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh phù hợp với nội dung, chương trình, sách giáo khoa mới. Nhờ áp dụng phương pháp mới vào giảng dạy nên chất lượng và kết quả học tập của học sinh mỗi ngày một nâng lên. Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Phương, bộ môn Giáo dục công dân cung cấp cho học sinh hệ thống tri thức toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, pháp luật... Để có thể nắm bắt những kiến thức mới, sự thay đổi của luật pháp, đòi hỏi người GV phải không ngừng học tập, thường xuyên cập nhật thông tin trên tất cả các lĩnh vực, nâng cao hiểu biết xã hội thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy môn học. Cô Phương cho biết: “Mỗi tối, sau khi đã soạn xong giáo án, chuẩn bị bài giảng đầy đủ, tôi lại lên mạng đọc báo, xem tin tức, ghi chép lại những thông tin mới trong ngày hay những sự thay đổi, sửa đổi, bổ sung của luật pháp... để kịp thời truyền đạt tới học trò những nội dung mới. Điều này không chỉ giúp học sinh cập nhật thông tin mà còn khiến các em không bị nhàm chán ở mỗi tiết học”.

Là GV dạy môn Ngữ văn nhiều năm liền được công nhận là GV giỏi cấp huyện, cô Nguyễn Thị Nga, Trường THCS thị trấn Lang Chánh chia sẻ: Ngay từ đầu năm học tôi đã xây dựng cho mình kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng khoa học. Trong kế hoạch xác định rõ mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp, thời gian tự học, tự bồi dưỡng kể cả về phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp; những kiến thức, kỹ năng sư phạm, phương pháp dạy học cần bổ sung để từ đó nâng cao năng lực của bản thân. Trong quá trình tự học, tự bồi dưỡng bản thân cũng tự kiểm tra, đánh giá kết quả. Hoạt động này giúp tôi nhìn nhận lại những việc đã làm và chưa làm được từ đó kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhằm đạt được mục tiêu tốt hơn.

Tự học, tự bồi dưỡng là yêu cầu đặt ra trong mọi giai đoạn, mọi thời đại. Bởi tri thức là vô hạn, vô tận, do đó đòi hỏi người thầy không chỉ học qua sách vở, đồng nghiệp mà còn phải tự học, tự bồi dưỡng qua nhiều kênh, nhiều nguồn tài liệu hữu ích khác nhau... Khi việc tự học, tự bồi dưỡng đúng cách, hiệu quả sẽ giúp cho mỗi GV không bị tụt hậu và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đổi mới.

Tăng tỷ lệ đạt chuẩn

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục của tỉnh đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 53.000 cán bộ, GV, tăng 7.523 người so với năm 2013; trong đó, CBQL 4.766 người, GV 45.706 người, nhân viên 3.111 người. Tỷ lệ CBQL và GV có trình độ đạt chuẩn chiếm 94,9% (trong đó trên chuẩn đạt 32,25%).

Để nâng cao chất lượng đội ngũ GV, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Nghị định số 71/2020/NĐ-CP, ngày 30-6-2020 của Chính phủ về Quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của GV mầm non, tiểu học, THCS; giao Trường Đại học Hồng Đức, Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn cho 725 GV và CBQL có trình độ chưa đạt chuẩn.

Ngoài ra, hàng năm Sở GD&ĐT phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đơn cử như trong năm học 2021-2022, tổ chức 7 lớp bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo quản lý với 421 học viên. Đầu năm học 2022-2023 Sở GD&ĐT đã cử 537 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn, bồi dưỡng đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức, hạng viên chức. Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã cử GV cốt cán tham gia bồi dưỡng theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, tổ chức bồi dưỡng đại trà cho hàng nghìn CBQL, GV về các nội dung, chương trình đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018 theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT và của UBND tỉnh. Thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo được nâng lên, tỷ lệ CBQL và GV đạt chuẩn và trên chuẩn ngày càng tăng. Qua thống kê, tỷ lệ CBQL, GV toàn tỉnh đạt trình độ chuẩn chiếm 95% (trong đó trình độ trên chuẩn là 16.282 người, chiếm 32%).

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Như Thanh Lê Thúy Lan cho biết: Cùng với sự chủ động, sáng tạo của mỗi CBQL, GV trong việc chủ động nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, hàng năm UBND huyện Như Thanh đều tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, nhu cầu biên chế ngành GD&ĐT để xây dựng kế hoạch cho GV đi đào tạo nâng chuẩn; xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng và tinh giản biên chế đảm bảo đúng quy định và phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, thường xuyên tổ chức hội nghị chuyên đề theo cụm trường cho CBQL, GV để nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng các yêu cầu thực hiện Chương trình GDPT 2018. Hiện nay, đội ngũ CBQL và GV huyện Như Thanh đều có tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, tâm huyết với nghề, thực hiện tốt quy định về đạo đức nghề nghiệp; tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị; nhiều nhà giáo có năng lực quản lý, năng lực giảng dạy, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá. Tuy nhiên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Như Thanh cũng thừa nhận, hiện vẫn còn một bộ phận GV (đặc biệt đối với môn Khoa học tự nhiên) còn chậm và lúng túng trong tiếp cận Chương trình GDPT 2018. Điều này ít nhiều ảnh hướng đến yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Những khó khăn đặt ra

Khi bàn về câu chuyện chất lượng, số lượng đội ngũ nhà giáo của tỉnh Thanh Hóa, vấn đề được nhiều người quan tâm đó chính là tình trạng thiếu GV. Mới đây tại Kỳ họp lần thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVIII, vấn đề này cũng đã được các đại biểu HĐND tỉnh đưa ra chất vấn “tư lệnh” ngành GD&ĐT trên nhiều phương diện. Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức cho biết: Hiện nay tổng số GV biên chế hiện có ở các cấp học là 42.282 người. So với định mức quy định, tỉnh Thanh Hóa còn thiếu 7.043 GV (trong đó, mầm non thiếu 1.190 GV, tiểu học thiếu 3.758 GV; THCS thiếu 1.866 GV và THPT thiếu 229 GV). Đối với GV đặc thù cấp THPT, so với định mức quy định của Bộ GD&ĐT, toàn tỉnh còn thiếu 10.474 GV; trong đó, GV tiếng Anh thiếu 376, GV Tin học thiếu 749, GV Âm nhạc thiếu 80, GV Mỹ thuật thiếu 301.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa, trước hết là do Trung ương giao biên chế cho tỉnh thấp hơn so với định mức quy định của tỉnh và thấp hơn nhiều so với quy định của Bộ GD&ĐT. Cùng với đó, những năm trước không thực hiện tuyển dụng GV để bổ sung cho số GV nghỉ hưu. Trong khi hiện đã có cơ chế tuyển GV, nhưng một số địa phương vẫn chưa xây dựng kịp thời kế hoạch tuyển dụng hết chỉ tiêu biên chế được tỉnh giao, hoặc phải cân đối bù trừ giữa việc thừa, thiếu GV các cấp học. Ngoài ra, do Chương trình GDPT 2018 có nhiều thay đổi cơ cấu bộ môn, dẫn đến có môn thừa, có môn thiếu cục bộ. Đồng thời, có sự bất cập giữa chương trình GDPT mới ban hành và việc đào tạo nguồn sinh viên tại các trường đại học, dẫn đến nguồn tuyển GV đáp ứng yêu cầu GDPT mới còn thiếu (nhất là GV tiểu học và GV các bộ môn đặc thù Tin học, Ngoại ngữ, Mỹ thuật).

Không chỉ thiếu GV, qua đánh giá của ngành GD&ĐT hiện nay một bộ phần GV vẫn còn làm việc dựa trên kinh nghiệm, chưa thật sự đổi mới phương pháp; chưa gắn kết hoạt động giảng dạy với thực tiễn đời sống. Thậm chí có biểu hiện thiếu trách nhiệm và tâm huyết với nghề. Đặc biệt, toàn ngành vẫn còn 2.584 cán bộ, GV có trình độ chưa đạt chuẩn, chiếm 5,12%... Đây cũng được xem là khó khăn, thách thức đối với ngành trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Những hạn chế, bất cập trên đòi hỏi ngành GD&ĐT phải có các giải pháp hiệu quả và “dài hơi” hơn. Đó là xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tích cực chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Việc tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm CBQL giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác. Đặc biệt, để thực hiện tốt hơn vai trò của mình, mỗi cán bộ, GV cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”.

Linh Hương

Bài cuối: Chiến lược cho sự phát triển toàn diện và bền vững.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/nghi-quyet-so-29-nq-tw-huong-den-mot-nen-giao-duc-doi-moi-va-phat-trien-bai-3-chat-luong-doi-ngu-truoc-yeu-cau-doi-moi/191762.htm