Nghi Sơn nắng gió

Lần đầu đến với Nghi Sơn, hẳn bất kỳ ai cũng có ấn tượng đầu tiên, đây là 'thung lũng' khu công nghiệp bởi vị trí vô cùng đắc địa: ba mặt được bao quanh bởi núi non, riêng phía Đông nhìn ra biển.

Một chiều mùa hạ, trên con đường thênh thang mới mở, cảnh vật nơi này nên thơ đến lạ. Con đường hun hút trong ánh tà dương bỗng nhiên cũng đỏ au như nền trời hoàng hôn. Người khách phương xa không khỏi ngỡ ngàng, lập tức dừng xe lưu lại khoảnh khắc đẹp như mơ ấy.

Nhưng sống và làm việc ở đây thì sẽ thấy chẳng dễ chịu gì vào những tháng hè oi nắng nung người. Chảo lửa Nghi Sơn như thiêu như đốt. Ai đã từng trải qua, khó lòng quên được cái nắng chang chang những ngày từ tháng 5 đến tháng 7. Cái nóng như hun thêm khi làm việc trên công trường giữa bạt ngàn sắt thép và máy móc.

Anh em cứ nói đùa, qua được tháng ngày như trên Hỏa Diệm Sơn này thì những tháng còn lại là quá mát mẻ. Vậy nên, tháng 8 tuy vẫn còn nóng lắm, nhưng chẳng thấm tháp gì so với các tháng trước. Tháng 8 như là điểm mốc, báo hiệu thời khắc vượt qua đỉnh dốc của cái nóng, bắt đầu những quãng đường dịu mát hơn đang đến.

Rồi tháng 9, tháng 10, rồi tới những ngày cả trên công trường lẫn trong nhà máy, đâu đâu cũng rộn ràng không khí tết. Mỗi mùa mỗi khác. Mỗi năm mỗi khác. Nghi Sơn cứ như vậy mà đổi thay. Nghi Sơn cứ như vậy mà lớn mạnh. Nghi Sơn cứ như vậy mà thay da đổi thịt, dần được định hình thành khu công nghiệp lớn của cả nước.

Tôi gắn bó với Nghi Sơn từ những ngày đông rét mướt năm 2012, trong dự án Nhiệt điện 1. Lần đầu tiên tới phỏng vấn và nhận việc ở một công trường xây dựng ngổn ngang máy móc và bùn đất, rồi chính từ những ngổn ngang bề bộn ấy, các kết cấu, đường ống, băng chuyền... cứ thế hình thành. Rồi nhà máy thành hình. Những con đường bớt lầy lội, được trải nhựa. Ấy là lúc các kỹ sư công trường lần lượt rời đi tới các dự án mới ở những vùng đất khác.

 Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn về đêm

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn về đêm

Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là dự án tỷ đô đầu tiên ở Thanh Hóa, tới nay đã có thêm Lọc dầu, Gang thép, Dầu ăn, Nhiệt điện 2 và Cảng quốc tế, bên cạnh Xi măng Nghi Sơn đứng chân trước đó. Đất này đổi thay rõ rệt. Nhưng phải đến gần đây, khi con đường 513 và các đường ven được hoàn thiện với cây xanh, cột đèn và vỉa hè, Nghi Sơn mới thực sự tạm biệt những ngày gió bụi bùn lầy...

Khó mà hình dung được mặt bằng lớn mình vẫn băng qua mỗi chiều cuối tuần về nhà, giờ đã mọc lên nhà máy lớn nhất cả nước. Với nội lực lớn lao là các nhà máy công nghiệp nặng, giờ được khoác tấm áo mới, đất này trở thành động lực kinh tế công nghiệp của cả tỉnh, cả nước.

Có người nói đùa, Nghi Sơn “hắt hơi thì cả nước cũng sổ mũi”. Ví như khi nhà máy lọc dầu gặp sự cố phải cắt giảm sản lượng, người dân chắc chắn sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu xăng dầu. Vai trò đảm bảo an ninh năng lượng, ngày trước báo đài nói còn có vẻ trừu tượng khó hình dung, nhưng giờ đã trực quan sinh động và rõ rệt hơn bao giờ hết.

Tôi vẫn tếu táo nửa đùa nửa thật khi được hỏi quê quán ở đâu, rằng tôi được đẻ ra sau mấy bồn dầu thô. Quê tôi ở đây chứ đâu! Chỉ thiệt thòi là mỗi kỳ nghỉ lễ, mọi người nô nức về quê còn tôi thì vẫn “về nhà” như bao ngày khác. Đã từng đi làm xa nên thấm lắm cái cảm giác “được về quê” nó tuyệt vời đến thế nào. Dù cho mệt mỏi gió bụi đường xa, nhưng ai cũng háo hức mong chờ ngày đó, nhất là dịp tết cổ truyền.

Cổng 1 Lọc hóa dầu những ngày giáp tết chẳng khác nào bến xe với những chuyến xe ngược xuôi, chuyên chở bao nhiêu con người xuôi về mọi miền đất nước. Bao nhiêu con người từ khắp nơi trên thế giới giờ có thể cùng làm việc ngay tại mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Cứ như thế, mạch sống nơi đây được tiếp sức, lớn lên từng ngày.

LÊ NGỌC SƠN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nghi-son-nang-gio-post761231.html