Nghi thức đón Tết độc đáo của người Mông ở vùng cao Tây Bắc

Khi những cánh hoa đào đầu tiên trên núi đá bung sắc đỏ báo mùa Xuân về, người H'Mông ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc lại tưng bừng chuẩn bị các nghi thức, nghi lễ cho ngàytế

Cũng như truyền thống của nhiều dân tộc khác trên cả nước, mấy ngày trước Tết, người Mông dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ.

Ngày 30 trước thềm năm mới, mỗi gia đình sẽ dùng một con lợn và gà sống cúng ma nhà (tổ tiên). Sau đó, họ sẽ giết gà để cúng tế rồi lấy lông gà đính lên các mảnh giấy hình răng cưa cắt sẵn, dán lên các đồ vật trong nhà, dán nên kèo nhà, cột trụ và phía trên cửa chính để xua đuổi tà ma.

Người Mông quan niệm đồ vật cũng có linh hồn nên ngày tết, người được nghỉ ngơi vui hội, các đồ vật, công cụ lao động cũng được nghỉ ngơi. Bởi vậy, tất cả vật dụng, công cụ trong nhà sẽ được đặt gần bàn thờ tổ tiên cho được nghỉ ngơi sau một năm "làm lụng vất vả". Sau khi cúng tế xong, cả gia đình quây quần cùng nhau ăn thịt lợn, uống rượu ngô và mời tổ tiên về ăn cùng bữa cơm lúc giao thừa.

Trong các nghi lễ ngày Tết của người H'Mông không thể thiếu gà trống vì theo truyền thuyết, gà trống tượng trưng cho thần Mặt Trời, ban phát ánh sáng và sự sống cho dân gian.

Trong ba ngày Tết chính, người H'Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hàng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân đã giúp con người lao động, sản xuất trong năm vừa qua.

Thiêng liêng nhất là nghi thức đi lấy nước mới vào thời khắc Giao thừa, họ mang theo một gói cơm mới đến mời thần mó nước về ăn Tết và xin thần ban cho Năm mới nguồn mạch dồi dào để nuôi sống con người và phục vụ mùa màng.

Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô thơm lừng, bánh dày làm bằng nếp nương dẻo thơm.

Tết của người H'Mông là dịp để trẻ em vui chơi các trò chơi truyền thống của mình như đánh tu lu (đánh cù), ném pao, đẩy gậy, đánh cầu lông gà…

Đây cũng là dịp nam nữ thanh niên tìm hiểu nhau qua trò chơi ném pao để năm tới có thể nên vợ, nên chồng.

Ngày Tết của người H'Mông cũng đồng nghĩa với ngày hội đoàn kết, đưa các cá nhân trong cộng đồng xích lại gần nhau hơn, hiểu nhau hơn để chung sức xây dựng và phát triển bản, mường.

Nguồn Gia Đình VN: http://www.giadinhvietnam.com/nghi-thuc-don-tet-doc-dao-cua-nguoi-mong-o-vung-cao-tay-bac-d124060.html