Nghĩ từ nỗi nhớ…

Hôm nay tôi đặt mua một chiếc lồng bàn bằng mây tre. Tôi mua nó vì sự gợi nhớ về những món đồ xinh đẹp mà cha tôi đã đan những thuở xưa. Cha tôi mất khi tôi mới mười bảy tuổi, tôi không giữ lại được kỷ vật gì của cha, nên lúc nào tôi cũng nhớ tiếc.

Xưa nay khi viết gì về cha, tôi chỉ dám nói cha tôi là người đàn ông khéo léo, có hoa tay, tôi né tránh việc có thể vì quá yêu cha mà nói về cha như một nghệ nhân. Nhưng lúc này, nghĩ về những thứ đẹp đẽ mà cha tôi đã làm, tôi nghĩ, chẳng hề quá khi nói cha là một nghệ nhân của làng.

Bình thường, nếu đan một cái rổ xảo, người ta sẽ không nhọc công chuốt cái nan tre cho óng ả. Cái rổ sảo chỉ để đựng rau bèo, ai cần cầu kì chuốt óng từng sợi nan làm gì cho cái thứ mà rồi sẽ chỉ dầm trong ruộng, vứt trong mưa nắng. Nhưng cha tôi bảo, với những món đồ phải chịu dãi dầu mưa nắng, tiếp xúc với nước nôi, bùn đất, thì càng phải làm cẩn thận, nó mới bền sức mà chịu đựng. Mà cật tre thì rất sắc, nếu không chuốt cho thật mịn, óng, người dùng sẽ khổ vì bị dằm đâm, bị cứa vào chân tay.

Mọi vật dụng trong nhà tôi, to thì như cái riu để mẹ đi bắt tép, cái nong, cái nia, cót quây thóc, nhỏ thì như thúng, giần, sàng, mẹt để sàng sảy thóc gạo, rổ để rửa rau, lồng bàn úp cơm, quạt nan, ấm giỏ… đều một tay cha làm. Tên tôi cha từng cải vào một chiếc quạt. Cha đan một chiếc giỏ hình con tôm, treo trên cột nhà để đựng đồ. Cha từng hứa đan cho tôi chiếc quạt có bông hồng, nhưng chưa kịp...

Một cách tỉ mỉ, cẩn thận, có thể nói là đến mức tinh xảo, mỗi sản phẩm từ đôi bàn tay cha làm đều óng ả, mịn màng, chau chuốt. Cứ nhẩn nha, nhẫn nại, tập trung cao độ, như một người đang thiền, cha có tiêu chí chất lượng của riêng mình. Vì thế, trong họ, ngoài làng, nhiều người ao ước có một món đồ của cha, thì phải hẹn từ mùa trước, đến mùa sau mới có. Một vật dụng cha làm, ít xê dịch như chiếc nong quây thóc, độ bền có thể tới vài chục năm. Đồ dùng bếp núc có thể dùng mười năm, lên nước bóng bẩy theo thời gian, tất cả đều vượt lên trên mức một đồ dùng giản dị quê mùa, mà trở thành tác phẩm.

Quê tôi có một ngôi chùa lớn tên gọi chùa Đệ Nhị. Sư trụ trì chúng tôi gọi là Cụ chùa có cái tên mà ngày bé tôi nghe thấy hay, thấy lạ lắm: Thích Đàn Cầu! Nhớ những lần theo mẹ lên chùa ngày Tết, để dâng biếu Cụ những chiếc ấm giỏ và quạt nan của cha, cụ Cầu xoa đầu tôi, mừng tuổi, hỏi chuyện, kể tên những đồ dùng nào ở chùa này là của cha tôi dâng biếu. Chùa nuôi một đàn mèo mẹ con, một con chó, chúng hiền lành và thân thiết với nhau như thể trong chúng đã ngấm dần tinh thần hòa ái của đạo Phật mà hàng ngày vô thức chúng nghe qua hồi chuông tiếng mõ, tiếng tụng kinh nhịp đều buông bỏ...

Tôi lớn lên trong sự dạy bảo nghiêm khắc của người cha khéo léo, tài hoa, tâm hồn thấm đẫm chất nghệ sĩ đồng quê, nhưng vẫn ôm đậm tinh thần Nho học, sống đức độ, gìn giữ và khắc kỷ. Có ai thuộc thế hệ 7X như tôi về trước mà không phải ăn roi nào của cha mẹ? Tôi là đứa con gái nhút nhát yếu ớt và chẳng hề xấu hổ mà tự nhận rằng, ngày nhỏ tôi ngoan ngoãn giỏi giang như một niềm mơ ước, nhưng cũng đã hai lần tôi bị cha đánh.

Lần đầu tiên tôi đâu lên sáu lên bảy, đi bắt châu chấu cho chim ăn, thấy con cá rô lạch xạch trong chiếc rọ ai đó đơm bên bờ ao nhà mình, tôi thích quá, bắt con cá, nhảy chân sáo mang về reo vang từ đầu ngõ. Cha nghiêm mặt hỏi tôi bắt cá ở đâu thì mang đúng ra chỗ đó trả lại, rồi về ngay cha bảo. Tôi về, cha bảo đứng nghiêm, cha quất một roi. Cha dạy: Cái gì không phải của mình thì con không được lấy! Cái gì con không muốn người khác làm cho mình thì con không được làm nó cho người khác! Hôm nay con mới ăn trộm con cá rô thôi, nhưng ngày mai con có thể trộm cái lớn hơn. Tôi nhớ lời cha, từ đó, tôi không bao giờ lấy gì của người khác.

Sức khỏe yếu, không đi làm đồng được, cha tôi ở nhà, ngoài đan lát thì chăm vườn, may quần áo. Cha cắt và khâu tay mỗi chiếc áo cánh ngắn tứ thân, xẻ eo cao, người phụ nữ mặc vào thấy thắt đáy lưng ong, rất đẹp. Chiếc áo cha khâu sẽ là trang phục để những người mẹ làng tôi nâng niu mặc vào lễ tết, tức là diện đấy, chứ không phải chiếc áo xuề xòa mặc thường ngày đâu. Mà cũng phải người mẹ nào dáng đẹp, lại có chút thẩm mỹ và có điều kiện kinh tế một chút mới nhờ cha tôi may áo ấy. Nghề may cha được học ở một tiệm nổi tiếng tên là Khánh Lễ trong thành phố Nam Định. Sau này cha mới mua được cái máy khâu cũ, việc cắt may của cha từ đó đỡ vất vả hơn.

Tôi lớn lên khi mỗi ngày cha coi sóc việc ăn học, dạy tôi từng lời ăn tiếng nói, kiểm soát tôi đọc sách gì. Nhà khi đó có Truyện Kiều, Tam quốc, Đông Chu liệt quốc, thơ Nguyễn Trãi, Trần Tế Xương…, quá “già nua” với đứa trẻ tiểu học, nhưng tôi đã đọc thơ Trần Tế Xương là cuốn sách đầu tiên trong đời khi tôi chưa biết chữ, tức là đọc thuộc do cha truyền miệng, rồi sau đó đến Truyện Kiều. Thân phận nàng Kiều tôi đã biết từ tấm bé theo cách ấy, và tôi ôm ấp ước mơ trở thành nhà thơ...

Lúc cặm cụi gọt sáo phất diều, cha tôi thường ngâm ngợi: “Trời không chớp bể chẳng mưa nguồn/ Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn...” Tôi là đứa con gái út ít trong nỗ lực có được một đứa con trai không thành của cha mẹ, có phần cha nuôi dạy tôi một đứa con trai. Mỗi mùa hè, cha cho tôi nuôi chim sẻ, thả diều sáo với mấy đứa em trai họ. Việc nuôi những chú chim từ lúc chúng còn run cầm cập vì chưa đủ lông cánh khiến sau này tôi ân hận. Tôi cảm thấy mình có lỗi khi cướp đi tự do của những cánh chim nhỏ bé, dẫu tôi đã nuôi chúng bằng tất cả tình yêu thương. Tôi cứ đội nắng trưa mà đi tìm sâu cho chim ăn. Rồi đến ngày chúng biết bay, tôi cũng thả chúng về với bầu trời...

Lần thứ hai trong đời tôi bị cha cho một trận đòn nhừ tử, ấy là khi tôi hái chiếc lá sen đội đầu dưới trưa hè nắng dữ, mà tôi không nghĩ đó là hành động ăn cắp. Nhưng anh chủ đầm sen đã lạnh lùng quẳng cái lá sen ấy giữa sân nhà tôi như một bằng chứng của vụ ăn cắp chấn động: Con gái nhà ông ăn cắp của tôi cái lá sen này. Mỗi lá sen ra một nụ sen, mỗi nụ sen nở một bông sen, mỗi bông sen là một đài sen. Ông tính đi, cứ thế nhân lên, ông phải đền cho tôi mười lăm ngàn đồng. Ông không đền, tôi sẽ kiện nhà ông lên xã!

Cha đánh tôi trận này là vì sĩ diện, vì danh dự hơn là để dạy con. Nếu chỉ để dạy con thì đứa con gái vốn yếu ớt và ngoan ngoãn như tôi, chỉ cần một hai roi là quá đủ. Đằng này cha tôi lên một cơn giận dữ mất kiểm soát, đánh tôi hơn chục roi bầm tím. Đứa con gái mới hơn chục tuổi đầu, thường ngày ngoan ngoãn nhút nhát là thế, mà lúc này đau đớn đến nỗi la lối chửi “thằng đầm sen”. Rồi cũng uất ức nhìn thẳng vào mắt cha mà gào lên là sẽ bỏ nhà đi và vùng chạy! May sao chị tôi chạy theo, đến cuối làng, khi tôi đau và mệt quá, khuỵu xuống, chị ôm được tôi lại.

Khi tôi trở về nhà thì cha tôi không giận nữa, chỉ ngồi im lặng như pho tượng đá, hàng giờ buồn bã rít thuốc lào. Chiếc bàn gỗ lim có bốn cái ghế tựa. Bình thường, ở ghế đối diện sẽ là tôi mỗi buổi sáng ngồi chờ cha thuốc lào xong thì sẽ từ từ kể cho tôi nghe mọi chuyện của làng trên xóm dưới, đan xen vào đó sẽ là những lời răn dạy. Rồi cha lại đọc thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, đọc Kiều, hỏi tôi rằng thơ có hay không? Con đã thuộc chưa, đọc lại cha nghe? Cha tôi lúc ấy tầm ngoài năm mươi nhưng vì sớm bị bệnh phổi nên đã gầy, già và yếu lắm. Những năm tháng ấu thơ tôi chứng kiến cha đau ốm triền miên với những cơn ho tưởng chừng đứt ruột. Đến nỗi hôm nay chỉ đánh đòn tôi thôi cũng có thể khiến cha lên một cơn tắc nghẽn phế quản tức thì. Bây giờ cha ngồi đó, đang thở thắt ngực. Cơn nghẽn phế chắc đang kéo đến với cha…

Tôi biết cha tôi ân hận về trận đòn, nhưng cha mẹ thời ấy sẽ không bao giờ mở lời xin lỗi con cái. Tôi yêu cha vô cùng, mỗi lời cha dạy đều thấm thía nên cũng không vì trận đòn ấy mà giận cha, nhưng tôi cảm thấy cái sĩ diện, cái gọi là lòng tự trọng nhiều khi đè nặng lên cuộc sống của người lớn. Tôi chứng kiến hàng xóm nhiều khi đánh con chỉ vì nghe người ta nói kháy là con ông bà láo, không tìm hiểu xem con mình thực sự láo hay không. Người lớn đánh con nhiều khi để chứng tỏ với thiên hạ rằng tôi là người biết cách dạy con, rằng nhà tôi có gia phong, nền nếp.

Khi tôi mười bảy tuổi thì cha tôi nhẹ gót rời bỏ cõi phàm, kết thúc những trận viêm phổi kịch phát khiến cha muôn phần mệt nhọc. Hỏi rằng có điều gì để nhớ nhất trong cuộc đời, với tôi, chính là những kỉ niệm về cha. Tôi viết bài thơ “Gửi cha” khi tôi đã trở thành người mẹ của một cô con gái nhỏ, đã trải nhiều cung bậc cuộc đời: “Kiếp sau người ta có được yêu nhau không cha?/ Người ta có bàn về hạnh phúc?/ Hay cũng chỉ nói về tủi cực?.../ Con vẫn mơ những cánh diều của cha năm xưa/ Chẳng cần gọt sáo đâu, cha đã gầy yếu lắm/ Thế giới này quá chật chội/ Trong mỗi người đều có một ngục tù /Ai hiểu rằng tình yêu và tự do/ Những chú sẻ nâu ngày xưa bị con cầm tù/ Cũng chỉ thèm bay im lặng”.

Trong tôi từng có nhiều nghĩ ngợi, nhiều mơ ước. Nhưng nhiều nhất vẫn là, muốn làm một chú sẻ nâu hiền lành, bay im lặng…

Trang Thanh

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/nghi-tu-noi-nho-i676821/